Hai chuyến đi cùng những công nhân ngành đường sắt lên Cung đường Hải Vân vào tháng 4 năm 2018 với tôi là một hành trình. Nhưng cuộc trở về mới đúng nghĩa là hành trình của thanh xuân: hành trình cuốc bộ trên đường ray xe lửa và bám vào chỗ nối giữa hai toa tàu trong hơn 10km tàu đổ dốc.
Công nhân Cung cầu đường Hải Vân 1 đang thực hiện thay đường ray. |
Những nhân vật trong 2 chuyến đi để lại bao cảm xúc về công việc của họ, trong điều kiện khí hậu và nơi làm việc quá ư đặc biệt, cho những chuyến tàu bình an. Đi mới thấm. Đi mới biết rằng không có công việc nào thực sự dễ dàng. Không có đôi chân nào dẻo mãi...
1.
Ngày thứ 6, đang được hưởng ánh nắng ngọt ngào của tiết trời cuối Xuân thì rạng sáng hôm sau Đà Nẵng chuyển gió mưa tơi bời. Tôi phải dậy sớm, mặc áo mưa và lên đường. Không có chuyện phân vân, không có lựa chọn, vì chuyến đi núi này đã được bạn tôi làm ở Cục Cảnh sát giao thông đường sắt “bắt mối” liên hệ dùm, kế hoạch đã lên từ tuần trước, cứ thế mà đi. Cũng bởi đã chọn nghề báo, thì cứ để cho “sự đời” đưa đẩy, dù đã liệu tính chương trình, nhưng cũng không thể trả lời điều gì, những con người như thế nào chờ mình ở phía trước.
Để ra được ga Kim Liên, chúng tôi xuyên qua làn mưa trên con đường ven biển Nguyễn Tất Thành. Nhưng đi được nửa đường thì phải đổi hướng, rẽ vào đường Nguyễn Lương Bằng vì gió biển thổi mạnh, chiếc xe chao đi, mấy lần chực ngã.
Đón chúng tôi ở ga, ông Kiều Thường, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng, Phân đoạn trưởng Phân đoạn Hải Vân chỉ kịp bắt tay làm quen, giới thiệu anh Nga, người sẽ “tháp tùng” chúng tôi lên núi; rồi ông nổ máy xe: “phải về cho kịp vì sáng nay có cuộc họp ở công ty”.
Vậy là không chỉ có chúng tôi cắt mưa ra Kim Liên, sáng hôm đó ông Thường cũng có mặt ở đây chỉ để làm quen và phân công người đưa “hai cô nhà báo” đi. Trong giọng nói của ông có cả sự lo lắng và ái ngại, tôi đoán có lẽ đây là lần đầu có phóng viên nữ dám “lên núi”, nên ông muốn có sự bảo đảm.
Từ tháng 9-2014, chuyến tàu SE22 từ TP. Hồ Chí Minh đi Huế được đưa vào khai thác, có quy định dừng ở ga Kim Liên để đón và dừng 1 phút ở tất cả các ga trên đèo Hải Vân cho anh em công nhân ngành đường sắt lên đèo làm việc. Nhờ đó, chúng tôi mới có thể “quá giang”.
Trên toa cuối, anh Nguyễn Minh Nga, kỹ thuật viên Phân đoạn Hải Vân (quản lý trạng thái kỹ thuật toàn khu vực đèo), người dẫn đường cho chúng tôi, giới thiệu chị Huỳnh Thị Kim Liên, người có 30 năm làm nhiệm vụ “chị nuôi” cho anh em công nhân trên đèo, 14 năm nay chị được phân về Cung cầu đường Hải Vân 3.
Chị Liên, với một làn đồ ăn, lên tàu từ ga Đà Nẵng. Ngày nào cũng vậy, chừng 5 giờ sáng đã tất bật ra chợ mua đồ, rồi đón đúng giờ để vào ga cho kịp lên tàu, lên núi, kịp nấu bữa trưa. Chiều, chị lại tất bật cho bữa cơm tối, dọn dẹp đâu vào đấy rồi ra ga đón tàu dừng. Mà có lịch tránh tàu mới có chuyến dừng ở ga Hải Vân Nam, còn không thì đành cuốc bộ về…
Câu chuyện chưa dứt thì tàu dừng, lại hối hả xuống. Quãng đường 7km lên núi “gần xịt”! Đoàn tàu rời đi, chừng mươi con người nối nhau, tỏa vào ga Hải Vân Nam, vào mấy gian phòng làm việc của Cung cầu đường Hải Vân 1. Đó là thời gian “lên ban” của những người quản lý, cấp dưỡng, còn du di, phụ thuộc vào giờ tàu chạy; còn những người trực tiếp sản xuất, để vào ca làm việc, họ có mặt ở đây từ 6 giờ sáng để nhận bàn giao ca trực của mình.
Một cảm giác bơ vơ tự nhiên len lỏi vào tâm hồn, khi toa tàu cuối màu nâu xa dần rồi mất hút vào căn hầm trước mặt, xung quanh chỉ có núi và tiếng nước suối dội ầm ầm. Tiếng gió đập vào vách núi dội ngược trở ra, nghe âm âm, u u, lành lạnh.
2.
Ngày 1-4-1999, Nguyễn Minh Nga và Nguyễn Đình Đan, Cung trưởng Cung cầu đường Hải Vân 3 nhận quyết định vào ngành đường sắt, làm công nhân duy tu-sửa chữa. Nga được phân công về đồng bằng (cung cầu đường Phước Chỉ, Phú Thọ, Quế Sơn, Quảng Nam), rồi về Hải Vân năm 2011; còn anh Đan “e chừng suốt đời ở núi”, khi thì Hải Vân 1, Hải Vân 2, khi thì Kim Liên, và 5 năm nay về bám trụ ở Hải Vân 3.
Chuyện của người đi trước, chuyện tuyến đường sắt này do người Pháp và hàng nghìn công nhân người Việt xây dựng nên từ những đôi bàn tay trần và vật dụng thô sơ nối tiếp nhau trong câu chuyện của chúng tôi. Mỗi người mỗi việc và công việc nào của người công nhân ngành đường sắt cũng vất vả như nhau.
Nghề tuần đường nhìn qua thong dong lắm, nhưng chỉ thua nghề duy tu chút đỉnh. Mà cái hơn, thua ở trên đỉnh đèo này cũng khó rạch ròi. Anh Phan Viết Định, hơn 50 tuổi, 33 năm trong nghề, nói ngắn gọn: “Đi tuần đêm mưa gió, rắn rết, đường đèo sạt lở, tàu ngược chiều rất khó lường.
Những ngày gió bão, không thể ngồi chờ ngớt gió vì sẽ trễ giờ đổi thẻ, giao ca, buộc phải bò qua đường sắt mà đi. Vừa bò vừa để ý ốc vít, lỏng thì siết lại, đường ray có sự cố gì còn kịp sửa chữa, báo cáo về cung”. Hơn 20 năm trước, anh Định đóng chân ở ga Thừa Lưu, một ga vùng khó của Huế, 11 năm nay anh được phân công về Cung đường Hải Vân. Anh bảo, cái khó của Thừa Lưu chưa ăn nhằm gì so với chốn đỉnh đèo này.
Chuyến đi lên núi với những người công nhân ngành đường sắt cho chúng tôi một trải nghiệm khó quên trong cuộc đời làm báo của mình. |
3.
Cái cảm giác lành lạnh của hơi núi, của làn mưa buổi sáng lúc chúng tôi bắt đầu lên núi, phải đến trưa khi tạm dừng công việc mới thấm. Trong căn phòng của Cung Hải Vân 3, khí lạnh len vào ô cửa sổ bị vỡ làm buốt hết tay chân.
Tiếng nước suối ở sau nhà dội xuống ầm ầm không dứt. Trong phòng bếp, chị Kim Liên chuẩn bị tiếp đồ ăn bữa tối cho anh em công nhân ấm lòng sau ca trực. Chiều nay, chị sẽ về phố cùng chúng tôi. Vắng chị, sẽ thiếu một bàn tay thu vén, thiếu một giọng nói ấm áp của phụ nữ.
Có cảm giác như một khoảng trống hun hút sau lưng khi chúng tôi xuôi về đồng bằng, trả lại cho 3 căn phòng của anh em công nhân vẻ hoang vu vốn có; còn những chuyến tàu với những hồi còi dài, ầm ĩ lướt qua sẽ nhanh như gió thoảng.
Hơn 3 giờ chiều, sau vài cuộc điện thoại qua ga kiểm tra xem có lịch tránh tàu không, Nguyễn Minh Nga nhìn chúng tôi thăm dò. Nếu trời mùa hè, có thể chúng tôi sẽ ở lại một đêm trên đèo “cho hiểu hết mùi gió, mùi âm u tĩnh mịch”, nhưng trời mưa lạnh, chuyện ở lại với phụ nữ có phần bất tiện, nên chúng tôi quyết định trở về. Không có tàu thì đi bộ, quyết định ấy không có lựa chọn, không có phương án thay thế. Xốc ba lô lên, và đi.
Chuyện đi bộ dọc đường ray để lên ban hay trở về nhà của anh em công nhân là chuyện thường ngày, thì hà cớ gì chúng tôi không đi được. Nhưng mỗi bước đi phải thật cẩn thận vì bước trên đá rất dễ trượt, bước trên đường ray thì chúng tôi không quen.
Anh Nguyễn Đình Đan bảo, nếu mệt quá thì ngồi nghỉ rồi đứng dậy đi tiếp. Tức là không có ai giúp sức, không có phương tiện nào hỗ trợ giữa con đường đèo heo hút gió này. Chỉ có đôi chân cần mẫn bước. 7km với đường đồng bằng thì không sao, nhưng đi trên đường sắt, bước giữa những khối tà vẹt bê-tông, với những người hay đi như chúng tôi, cũng là một thử thách.
Vậy mà Cung trưởng cung Hải Vân 2 Nguyễn Hải Triều còn bảo: “Thời gian nghỉ xuống ban rồi cũng không yên. Hễ thấy điện thoại đổ chuông số cung gọi là thót tim. Nhiều lúc vừa về đến nhà, nghe báo có sự cố sạt lở đã phải đi bộ trở ngược lại đèo. Khi không có tàu thì giám đốc hay nhân viên đều phải lội bộ trên đường như nhau, để giải quyết công việc”.
Bước vào hầm số 14, dài gần 1km trên con đường trở về cũng là một thử thách cho mỗi người. Chỉ bước vào mươi bước, đưa bàn tay lên trước mặt là đã không nhìn thấy gì.
Màn đen như nuốt trọn từng con người. Những ô tránh tàu dày đặc đoạn giữa hầm, có vệt sơn màu trắng để nhận biết đôi khi làm ớn lạnh sóng lưng khi ánh đèn phát ra từ điện thoại lia lên. Vách hầm ẩm ướt do nước suối thấm xuống nên cảm giác lạnh lẽo bủa vây từng người.
Trong chuyến lên núi lần hai để lên ga và Cung cầu đường Hải Vân trên đỉnh đèo, chúng tôi lên đường vào ngày nắng đẹp. Nhưng chuyến trở về cũng rất đặc biệt khi buổi chiều không có tàu khách nào đi qua, chúng tôi đành bám vào chỗ nối giữa hai toa tàu hàng để xuống núi.
Tàu đổ đèo với vận tốc 30km/giờ, nhưng có cảm giác nó lao đi vun vút, tiếng bánh xe nghiến kèn kẹt xuống đường, gió lạnh thổi sướt qua má. Anh Nga cố gắng gợi chuyện để chúng tôi bớt căng thẳng, nhưng tiếng được tiếng mất giữa tiếng động ầm ĩ của bánh xe, của các toa hàng. Tàu về đến ga Kim Liên, nhảy xuống, gương mặt và bàn tay chúng tôi ám đầy muội than…
Hải Vân là một trong những cung đường đẹp nhất mà tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua. Một bên là núi, một bên là vực sâu. Mưa hay núi rừng hoang vu không làm giảm đi vẻ đẹp của những bãi biển cát vàng mịn dưới chân núi, những đoạn sóng vỗ vào đá oàm oạp.
Sóng bào mòn được đá, nhưng sóng gió làm sao ngăn được bước chân của những người công nhân đường sắt trên những thanh tà vẹt bất kể nắng gió, mưa bão. Những bước chân không mỏi, những giọt mồ hôi đổ xuống khi sửa chữa con đường, bảo đảm cho những chuyến tàu bình an.
Gần 20 năm bước chân vào nghề báo, núi rừng, hải đảo, ruộng đồng, nơi nào chúng tôi cũng từng đặt chân qua, mỗi chuyến đi có những sự vất vả khác nhau, nhưng trước hết là sự sẻ chia chân thành của nhân vật để chúng tôi có những trang tư liệu sống động. Đi mới hiểu, đi mới thấm hết những khó nhọc mà bao nhiêu người đã và đang trải qua. Với chúng tôi, đi còn là hạnh phúc.
Ghi chép của Hoàng Nhung