Hôm nay, 15-6, bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

.

* Chính quy hóa lực lượng Công an xã nhưng tránh gây xáo trộn tại cơ sở

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đo đạc và bản đồ.   	  			    Ảnh: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỐC HỘI
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đo đạc và bản đồ. Ảnh: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỐC HỘI

Sáng 14-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Đa số đại biểu nhất trí, trước yêu cầu của tình hình nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng-an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn mới, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, trong đó việc sửa đổi Luật Công an nhân dân là cần thiết.

Bên cạnh đó, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đưa ý kiến là cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân; việc chính quy hóa Công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân.

Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân, nhiều đại biểu đề nghị quy định cụ thể ngay trong luật vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng như Luật Công an nhân dân hiện hành để bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đã được cấp có thẩm quyền chỉ đạo sát sao trong quá trình xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2014; đồng thời, để tạo thuận lợi trong quá trình giám sát, kiểm tra thi hành luật.

Nhất trí với phương án chính quy hóa Công an xã, thị trấn, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nêu: về pháp lý việc bố trí Công an chính quy tại xã, thị trấn là nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, vừa nhằm bảo đảm cho hoạt động giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

“Tuy nhiên, dự thảo cần phải cân nhắc lộ trình từng bước chính quy hóa lực lượng Công an xã, tránh xáo trộn và ảnh hưởng đến lực lượng Công an xã đang hoạt động hiện nay”, đại biểu Trần Văn Mão kiến nghị.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các quy định trong dự thảo luật về những nội dung mà các đại biểu đã đóng góp ý kiến như: vị trí, chức năng, quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân, truyền thống của Công an nhân dân; trần cấp bậc quân hàm; chế độ chính sách của Công an nhân dân; thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức trong Công an nhân dân; về xây dựng lực lượng Công an xã chính quy, Công an xã không chính quy trong lực lượng Công an nhân dân; về xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh...

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao và Luật Đo đạc và bản đồ; thỏa luận về dự án Luật Chăn nuôi.

Hôm nay, 15-6, Quốc hội làm việc tại hội trường. Từ 8 giờ: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016”; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019. Từ 9 giờ 50: Quốc hội họp phiên bế mạc: biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; nghe Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc kỳ họp.

Phiên bế mạc sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tường thuật trực tiếp.

B.T

Luật An ninh mạng không xâm phạm quyền riêng tư cá nhân

Sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua ngày 12-6, nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng luật sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân, doanh nghiệp phải cung cấp toàn bộ thông tin người dùng như thông tin cá nhân, thông tin riêng tư cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên cách hiểu này chưa chính xác.

Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) bên hành lang Quốc hội ngày 14-6, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng cho biết: Không ai hạn chế quyền dân sự, kinh tế, chính trị của người dân trên không gian mạng.

Luật An ninh mạng yêu cầu các nhà mạng phải ngăn chặn thông tin tấn công an ninh quốc gia của Việt Nam, tấn công quyền dân sự về kinh tế - chính trị của cá nhân. “Mọi người sử dụng quyền đó trên không gian mạng thì không ai cấm cả.

Chỉ khi phát hiện thông tin đó đang truyền tải để nhằm chống phá Nhà nước, tấn công an ninh quốc gia trên môi trường không gian mạng thì Nhà nước mới dùng các biện pháp để ngăn chặn và gỡ bỏ”, đại biểu Sơn cho hay.

Cũng theo đại biểu này, người dân hoàn toàn có thể bày tỏ ý kiến, tâm tư của mình về các vấn đề bức xúc trong cuộc sống, các điều luật... trừ phi sử dụng thông tin đó để tấn công vào an ninh quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam thì việc xử lý sẽ chiếu theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

“Luật An ninh mạng chỉ là luật để quản lý xử lý tình huống xảy ra trên không gian mạng, còn một con người cụ thể nào đó vi phạm thì phải xử lý theo quy định của pháp luật hình sự chứ không căn cứ theo luật không gian mạng này. Vi phạm của anh đến đâu thì mới xử lý chứ không phải tất cả hành vi đều xử lý”, đại biểu Nguyễn Bá Sơn nói. (B.T)

 

;
.
.
.
.
.
.