Khó quản lý người nước ngoài cư trú ở các khu dân cư

.

Cán bộ tổ dân phố là những người nắm tình hình trong khu dân cư mình sâu sát nhất. Thế nhưng, hiện nay nhiều cán bộ tổ dân phố chỉ biết quản lý dân cư trong tổ mình theo kiểu đứng từ xa... quan sát, bởi vì họ là người nước ngoài đến tạm trú trên địa bàn.

Chủ một cơ sở homestay trên đường An Nhơn 7 đón khách nước ngoài đến lưu trú tại nhà mình.
Chủ một cơ sở homestay trên đường An Nhơn 7 đón khách nước ngoài đến lưu trú tại nhà mình.

Gần chục năm làm cán bộ tổ dân phố, từ tổ phó rồi hiện nay là tổ trưởng tổ dân phố số 11, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), nhưng theo ông Trần Văn Ngộ, chưa bao giờ việc quản lý tổ dân phố khó đến vậy. Do trong tổ không chỉ có người Việt từ các địa phương khác đến sinh sống, mà có cả người nước ngoài đến đăng ký tạm trú. Hiện  tổ 11 có 50 hộ, trong đó đã có 12 hộ có nhà cho người nước ngoài đến thuê ở hoặc kinh doanh. Đó là chưa kể hàng chục ngôi nhà đang xây mới hoặc đang sửa chữa để cho người nước ngoài thuê… Tổ dân phố số 11 này nằm trọn trong hai tuyến đường là Dương Đình Nghệ và Tạ Mỹ Duật, đến nay tuyến đường Dương Đình Nghệ gần như trở thành con phố Hàn Quốc, còn đường Tạ Mỹ Duật chắc vài năm nữa cũng trở thành phố Hàn Quốc luôn.

Mặc dù có nhiều người nước ngoài đến tạm trú như vậy, nhưng theo ông Ngộ thì tổ dân phố gần như không biết gì hết, tất cả đều đăng ký qua công an!? Bởi vậy mới có chuyện tréo ngoe là cán bộ tổ dân phố muốn nắm tình hình thì lên Công an quận, hoặc phường mà hỏi. “Trước đây, tại tổ dân phố này có vụ va chạm suýt đánh nhau giữa một người nước ngoài và nguời dân địa phương, chúng tôi đến cũng chịu, nên gọi cho Công an phường đến cũng không biết làm gì, cuối cùng phải nhờ đến Công an thành phố với sự hỗ trợ của cán bộ phiên dịch từ Sở Ngoại vụ thì mới giải quyết được”, ông Ngô cho hay.

Cùng tình cảnh này, ông Đoàn Văn Hay, tổ trưởng tổ dân phố số 103, phường An Hải Bắc chia sẻ thêm: “Tổ chúng tôi cũng có gia đình cho “Tây” thuê nhà nhưng chúng tôi chẳng biết gì về họ. Chịu khó quan sát thời gian sinh hoạt thì chỉ biết những ông Tây này về nhà lúc nửa khuya và 5 giờ sáng đã đi rồi. Nghe đâu họ làm việc ở Hội An, Quảng Nam nhưng cũng không biết gì hơn, vì chúng tôi không nói được tiếng Anh”.

Tương tự, tổ dân phố số 13, phường Phước Mỹ dù hầu hết nằm trong các con hẻm của đường Hà Bổng và Dương Đình Nghệ, nhưng theo ông Đinh Thế Lập, tổ trưởng tổ dân phố, ở đây cũng có 2 nhà cho “Tây” thuê đã 4-5 năm nay. Ngoài ra, trên địa bàn của tổ còn có 2 khách sạn và 7 hộ kinh doanh lưu trú theo dạng Homestay, vì thế, theo ông Lập, việc quản lý nhân khẩu trên địa bàn rất khó khăn.

Chia sẻ về những bất cập trong công tác quản lý dân cư trên địa bàn có nhiều người nước ngoài đến tạm trú, ông Phạm Minh Hùng, Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) cho biết, Phước Mỹ là một trong những địa phương có nhiều người nước ngoài đến đăng ký tạm trú để sống và kinh doanh, hầu hết họ đều lo làm ăn và không gây ra sự cố nào tại địa phương.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng gặp không ít bối rối vì họ ở trên địa bàn mình mà tổ dân phố thì không “nắm” được họ, mà chủ yếu là bên công an, nhưng mỗi khi có sự việc liên quan đến công tác quản lý thì ngay cả Công an quận cũng gặp khó khăn, nên phải cần sự hỗ trợ từ Công an thành phố và đại diện của Sở Ngoại vụ. Đặc biệt, việc bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn nhất hiện nay, vì người nước ngoài sống và lưu trú tại đây đến từ nhiều quốc gia, dân tộc như người Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Nga...

 Đà Nẵng đã và sẽ tiếp tục là mảnh đất thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn, sinh sống. Đây là tín hiệu vui cho kinh tế thành phố, tuy nhiên công tác quản lý hiện đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là bất đồng về ngôn ngữ. Đây là điều chính quyền thành phố cần quan tâm, để làm sao Đà Nẵng tiếp tục là “đất lành” cho người nước ngoài, nhưng công tác quản lý phải đảm bảo chặt chẽ, bắt đầu từ tổ dân phố.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.
.