Nhân kỷ niệm 57 năm thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2018)

Tích cực vận động, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

.

Chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả để lại vẫn hiện hữu đến tận hôm nay trên khắp đất nước Việt Nam. Cả nước có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, nhiều nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2 và thứ 3 đang sống quằn quại với bệnh tật.

Hàng ngàn người đã chết, hàng triệu người mắc bệnh ung thư và các bệnh nan y khác, trong khi con cháu họ bị dị dạng, dị tật, phải sống trong đau khổ, nghèo khó do di chứng tàn khốc của chất độc da cam/dioxin. Trong số đó, có rất nhiều gia đình rơi vào cảnh ngộ bi đát, tuyệt vọng.

Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố tặng quà và tiền cho các em và gia đình nạn nhân chất độc da cam ngày 8-8-2018.  			      Ảnh: THU THẢO
Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố tặng quà và tiền cho các em và gia đình nạn nhân chất độc da cam ngày 8-8-2018. Ảnh: THU THẢO

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, trên địa bàn Đà Nẵng có hơn 5.000 người nghi nhiễm chất độc da cam; 1.400 trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam. Trong hàng ngàn người đang hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, vẫn còn những người chưa được hưởng chế độ do mất giấy tờ chứng lý, chưa được hoặc đang được xem xét.

Tất cả đều có chung hoàn cảnh bất hạnh, bệnh tật liên miên, sinh con dị dạng, dị tật bẩm sinh, không biết nói cười, nhiều người 30 - 40 tuổi đời vẫn như đứa trẻ lên 5, mọi sinh hoạt đều nằm tại chỗ… Nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo cần được phục hồi chức năng, nuôi dưỡng tập trung, học nghề và giải quyết việc làm.

Chính vì vậy, việc xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân da cam là trách nhiệm của toàn xã hội. Những năm qua, với sự chung tay, góp sức của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố và toàn thể cộng đồng, đã có hàng ngàn nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin ở Đà Nẵng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, từng bước xoa dịu nỗi đau để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Trước những nỗi đau, cảnh đời bất hạnh do chất độc da cam/dioxin gây ra, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và quy định về chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con cháu của họ, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã có những việc làm thiết thực chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh.

Lãnh đạo thành phố, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và hội, đoàn thể các cấp luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ, có nhiều biện pháp, hành động thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và triển khai chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” được nhân dân thành phố hưởng ứng mạnh mẽ; đồng thời, thu hút sự quan tâm của người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như bạn bè quốc tế.

Ngày 22-1-2005, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng thành lập và đi vào hoạt động. Hội đã phát huy vai trò là cầu nối giữa nạn nhân da cam với các tổ chức chính trị, xã hội và cộng đồng. Đến nay, 7/7 quận và 56/56 phường, xã có tổ chức Hội hoạt động, với 3.000 hội viên, là chỗ dựa tin cậy cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Trong 13 năm qua, Hội tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin gần 100 tỷ đồng. Qua đó, Hội xây dựng Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh để nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy nghề cho 120 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hội cũng đã thành lập Trung tâm Xông hơi giải độc và phục hồi chức năng để điều trị bệnh cho hàng ngàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin...

Trong các dịp lễ, Tết và ngày kỷ niệm thảm họa da cam Việt Nam (10-8) hằng năm, Hội phối hợp vận động trao tặng hơn 45.000 suất quà với tổng trị giá 18 tỷ đồng cho nạn nhân da cam; hỗ trợ làm mới và sửa chữa 150 ngôi nhà tình thương (4,5 tỷ đồng); trợ dưỡng thường xuyên cho 1.500 người (5 tỷ đồng); hỗ trợ sản xuất giải quyết đời sống và chữa bệnh cho 4.500 nạn nhân đặc biệt khó khăn (13 tỷ đồng); hỗ trợ xe đạp, xe lăn, xe lắc cho 300 gia đình (1,5 tỷ đồng), hỗ trợ 200 suất học bổng (500 triệu đồng)...

Chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin là lương tâm, trách nhiệm của xã hội, là đạo lý của dân tộc Việt Nam. Những kết quả và sự nỗ lực của Hội Nạn nhân chất độc ca cam/dioxin thành phố trong những năm qua tuy chưa lớn, nhưng đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc, từng bước chia sẻ khó khăn với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, động viên họ vươn lên trong cuộc sống; đồng thời là nguồn cổ vũ động viên, thôi thúc họ lạc quan, vững tin vào tương lai.

TRÀ THANH LÀNH
Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng

 

;
.
.
.
.
.
.