Tác phẩm tham gia "Giải Búa liềm vàng 2018"

Đề án 922: Được và mất - Bài 2: Chảy máu "chất xám", vì đâu nên nỗi?

.

Với nhiều lý do khác nhau, một số học viên Đề án 922 rút khỏi đề án. Đây là bài toán nan giải đặt ra cho lãnh đạo thành phố trong việc đào tạo, giữ chân nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Để nhân lực chất lượng cao được sử dụng hợp lý, cần bố trí việc làm phù hợp. (Ảnh minh họa) Ảnh: SƠN TRUNG
Để nhân lực chất lượng cao được sử dụng hợp lý, cần bố trí việc làm phù hợp. (Ảnh minh họa) Ảnh: SƠN TRUNG

Lương thấp, công việc chưa phù hợp

Anh D.T, một học viên tham gia Đề án 922 từ năm 2009, hiện công tác tại một cơ sở giáo dục tư nhân chia sẻ, từ những ngày đầu tham gia đề án, bản thân anh đã phấn đấu và nỗ lực rất nhiều, tuy nhiên khi được bố trí công việc không đúng với chuyên ngành được đào tạo thì cảm thấy hụt hẫng.

“Thời gian đầu khi về đơn vị, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng làm quen với công việc hiện tại dù công việc này không sát với chuyên ngành mình được đào tạo. Công việc thì bó hẹp trong văn phòng, trong khi môi trường mình được đào tạo phải thích ứng với công việc năng động, nhanh nhẹn. Và rồi trải qua một thời gian khá dài, mình nhận ra rằng trách nhiệm với công việc vẫn còn đó, nhưng “lửa” trong công việc đã tắt từ khi nào, nên ra đi là điều tốt nhất”, anh D.T trăn trở.

Chị N.T, sau gần 5 năm công tác tại một sở, chia sẻ, thời điểm chị bắt đầu đi làm, lương của chị chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng (năm đầu tiên chị chỉ nhận được 85% lương). “Cho đến lúc nghỉ việc, lương của mình chỉ khoảng 4 triệu đồng.

Đối với một người đã có gia đình và chuẩn bị có con, mức lương này là quá thấp để có thể độc lập chăm lo cho bản thân và gia đình. Mình thấy như vậy là không công bằng và gây nản chí cho những người làm việc thực sự”, chị N.T giãi bày.

Chị N.D, tham gia vào đề án từ năm 2009 với việc đi đào tạo tại Úc. N.D chia sẻ, sau khi tốt nghiệp với thành tích cao, chị được nhiều công ty nước ngoài săn đón với mức lương khá. Tuy nhiên, vì trách nhiệm và tình yêu với thành phố nơi mình lớn lên mà mình chọn việc trở về để cống hiến.

“Mức lương trung bình của một chuyên viên mới chỉ đáp ứng được nhu cầu bản thân chứ chưa nói đến chuyện trang trải gia đình, chồng con nên sau khi thực hiện xong cam kết với thành phố 4 năm, mình xin rút và hiện đang làm việc tại một công ty tư nhân với mức lương khá hơn”, chị N.D cho biết.

Trao đổi thêm với người viết, một số học viên đề án cũng cho rằng, có trường hợp ganh đua, tị nạnh trong nội bộ cơ quan đối với các học viên.

“Mình được thành phố đầu tư đào tạo, học tập thì yêu cầu cũng vì thế mà cao hơn, mọi người vì thế nhìn mình với con mắt khác hơn, cho nên vẫn còn tình trạng ganh đua, không giúp đỡ, không tạo điều kiện trong nội bộ cơ quan. Bản thân mình cảm thấy sốc và xin rút”, anh T.T, một học viên đã rút khỏi Đề án 922 chia sẻ.

Theo bà Dương Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (TTPTNNLCLC), khi học viên có nguyện vọng xin ra khỏi Đề án 922, cơ quan quản lý đề án, trước khi tham mưu cấp có thẩm quyền, đều mời học viên và phụ huynh học viên (nếu có) đến để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, tìm cách giải quyết các vướng mắc cũng như động viên học viên tiếp tục công tác.

Đồng thời, cơ quan quản lý đề án thông báo cụ thể đến học viên và phụ huynh thủ tục, quy định liên quan việc bồi hoàn kinh phí trong trường hợp học viên xin ra khỏi  đề án cũng như thông tin về quy trình xử lý trong trường hợp học viên không hoàn thành nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định.

“Trong số 40 học viên xin rút ra khỏi đề án, có 15 trường hợp giải quyết việc gia đình, đoàn tụ gia đình là đúng. Còn lại, có 6 trường hợp vì lý do cá nhân, 3 trường hợp vì lý do sức khỏe và 16 trường hợp muốn thay đổi công việc”, bà Dương Thúy Hằng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên Giám đốc TTPTNNLCLC cho biết, việc chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư là chuyện bình thường của bất kỳ một nền hành chính nào. Nguyên nhân xin rút là vì các học viên được cử đi học ở nước ngoài, sau đó lập gia đình ở nước ngoài hoặc địa phương khác nên muốn đoàn tụ gia đình và đây là nhu cầu chính đáng.

Bên cạnh đó, họ cũng muốn tìm một công việc mới nên xin được rút khỏi đề án, đây là điều cần tôn trọng. “Thời gian qua, nhân lực khu vực công ra ngoài làm việc thì rất nhiều, không chỉ đối với học viên Đề án 922. Tuy nhiên, người lao động có tài năng, có chuyên môn giỏi ra khỏi khu vực công liên quan đến đề án là điều rất đáng tiếc”, ông Chiến nói.

KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH HỌC VIÊN THAM GIA ĐỀ ÁN 922
(SỐ LIỆU DO SỞ NỘI VỤ CUNG CẤP, TÍNH ĐẾN THÁNG 6-2018)

Tình hình học viên Đề án 922 hiện nay.
Tình hình học viên Đề án 922 hiện nay.

Học viên bộc lộ những hạn chế

Sở Nội vụ cho biết, đến tháng 6-2018, có 93 học viên xin rút khỏi đề án, bao gồm 40 người xin rút khỏi đề án khi đã nhận công tác; 47 học viên vi phạm hợp đồng. Các lý do vi phạm chủ yếu là do không đạt kết quả theo yêu cầu đề án với 23 trường hợp; 19 trường hợp tốt nghiệp nhưng không về nhận công tác và 5 trường hợp nhận công tác nhưng không thực hiện đủ theo thời gian làm việc cho thành phố theo quy định. 

Báo cáo dự án “Đánh giá tác động của Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đề xuất giải pháp phát huy hiệu quả đề án đến năm 2020” do TTPTNNLCLC thành phố thực hiện đã chỉ rõ, nhiều học viên Đề án 922 tốt nghiệp bậc đại học gặp khó khăn do thiếu kiến thức tiền công vụ, lúng túng và không phát huy hết hiệu quả công việc.

Một số học viên không phát huy chuyên môn, năng lực do chưa được bố trí đúng chuyên ngành, không thích nghi được với môi trường làm việc hành chính.

Theo chia sẻ của một lãnh đạo sở có khá nhiều học viên Đề án 922 đang công tác, nhiều học viên vẫn làm việc với thái độ cầm chừng, giải quyết công việc qua loa, vội vàng, dù có thành tích học tập rất đáng nể.

“Dù đã được bố trí về công tác tại đơn vị đúng theo nguyện vọng nhưng nhiệt huyết và ý chí phấn đấu của một số học viên còn thiếu, điều đáng buồn là có một số học viên chưa tâm huyết, còn tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”, chờ kết thúc hợp đồng với thành phố, đây là điều rất đáng suy nghĩ”, vị lãnh đạo sở này cho hay.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, việc học viên rút khỏi đề án là điều đáng tiếc, nhưng nếu nhìn nhận khách quan thì bản thân họ vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế, cần phải tự mình sửa chữa và cần phải thể hiện được sự thích nghi nhanh với công việc.

“Nên gọi những cá nhân tham gia Đề án 922 là học viên, chứ gọi là nhân tài thì cũng cần cân nhắc, bởi vì nếu gọi như vậy thì những người còn lại có phải là nhân tài không. Thậm chí những người không tham gia đề án, nhưng học tập và làm việc rất tốt thì sẽ như thế nào, do đó cần có cái nhìn công bằng và khách quan hơn”, ông Võ Ngọc Đồng nêu quan điểm.

Bài và ảnh: QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.
.