15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX)

Đà Nẵng - điểm sáng cải cách hành chính - Bài 4: Đề án 89 - chuẩn hóa đội ngũ cán bộ phường, xã

.

Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp phường, xã có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn đời sống xã hội, đặc biệt là công tác cải cách hành chính.

Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường/xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (gọi tắt là Đề án 89) ra đời nhằm đáp ứng được mục tiêu CCHC phải đồng bộ, thông suốt từ thành phố đến cơ sở.

Sau gần 10 năm, nhiều học viên tốt nghiệp từ Đề án 89 đã chứng tỏ được năng lực công tác, có khả năng đảm đương những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị cấp phường, xã trên địa bàn thành phố.

Cán bộ trưởng thành từ Đề án 89 có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. TRONG ẢNH: Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải (ngoài cùng bên trái), cùng cán bộ, nhân dân xã Hòa Phú trồng cây phát động xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới.
Cán bộ trưởng thành từ Đề án 89 có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. TRONG ẢNH: Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải (ngoài cùng bên trái), cùng cán bộ, nhân dân xã Hòa Phú trồng cây phát động xây dựng thôn kiểu mẫu nông thôn mới.

“Trái ngọt” từ công tác tạo nguồn

Đi dọc tuyến đường Hải Phòng (phường Tân Chính, quận Thanh Khê), có thể dễ dàng nhận thấy các ki-ốt quán ăn (đoạn gần ga Đà Nẵng) được các hộ kinh doanh trang trí, bày biện bắt mắt mà vẫn bảo đảm trật tự vỉa hè và sạch sẽ.

Đây là thành quả từ những nỗ lực của Đảng, chính quyền, Mặt trận phường Tân Chính, trong đó có dấu ấn của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Lê Tấn Dũng. Sắp xếp lại các hộ buôn bán hàng ăn trên vỉa hè vừa bảo đảm trật tự đô thị, vừa văn minh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là ý tưởng được anh Dũng trăn trở và đem ra bàn với Ban Thường vụ Đảng ủy, Thường trực UBND phường.

Cái khó là hầu hết các hộ bán hàng ăn trên vỉa hè là hộ nghèo, lấy gì để đầu tư thay đổi. Quyết tâm làm bằng được, anh Dũng và tập thể Ban Thường vụ, UBND phường thuyết phục được một doanh nghiệp tài trợ 300 triệu đồng để xây dựng 30 ki-ốt hàng ăn thống nhất về mẫu bàn ghế cho các hộ kinh doanh.

Đến nay, có 60 hộ luân phiên sáng, chiều sử dụng các ki-ốt này để bán hàng ăn. Các hộ được vận động nhắc nhở khách bỏ rác vào giỏ, không vứt bừa bãi ra vỉa hè như trước nữa. Anh Lê Tấn Dũng cho biết: “Từ thành công này, phường đang có kế hoạch mở rộng mô hình ki-ốt hàng ăn văn minh này trên những tuyến đường khác”.

Trên địa bàn huyện Hòa Vang, nhiều cán bộ trẻ nguyên là học viên Đề án 89 đã không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận công tác tại các xã còn nhiều khó khăn. Hoàn thành khóa học thứ 2 thuộc Đề án 89, anh Nguyễn Ngọc Hải về nhận nhiệm vụ mới tại xã miền núi Hòa Phú từ tháng 2-2011.

Từ chức danh công chức Văn phòng-Thống kê của UBND xã, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBND xã và hiện nay là Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú, ở mỗi cương vị, người cán bộ trẻ này vẫn không ngại dấn thân, đề xuất và triển khai những mô hình, cách làm mới để phát triển vùng miền núi còn nhiều gian khó.

Nhiều mô hình kinh tế do anh đề xuất đã phát huy hiệu quả góp phần nâng cao đời sống người dân ở địa phương như: dự án trồng cỏ nuôi bò ở thôn Đông Lâm, phát triển làng nghề rượu cần truyền thống Phú Túc của bà con đồng bào Cơ tu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà kính…

“Khi về nhận công tác ở xã, mình luôn trăn trở làm sao để đời sống người dân Hòa Phú khấm khá hơn, nâng cao đời sống hơn trên tất cả mọi phương diện. Sự tin yêu của cán bộ, nhân dân cũng là động lực lớn để mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, anh Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ.

Nhiều học viên Đề án 89 khác đến nay đã trở thành cán bộ chủ chốt cấp phường, xã, có đóng góp lớn cho sự phát triển của địa phương, có uy tín với Đảng bộ và nhân dân. Đó là Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát với nhiều sáng kiến, cải tiến trong công tác cải cách hành chính được nhân dân đánh giá cao.

Đó là Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà quê ở xã Hòa Khương nhưng xung phong nhận công tác tại xã xa nhất, nghèo nhất huyện Hòa Vang để khẳng định mình và được nhân dân tin yêu.

Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Thị Vân, một cán bộ nữ luôn trách nhiệm và tâm huyết với công tác và phong trào của địa phương. Và còn nhiều cán bộ khác trưởng thành từ Đề án 89 như Chủ tịch HĐND phường Thạc Gián Nguyễn Thị Diệu Oanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Phước Ninh Nguyễn Thị Lệ Huyền…

Chuyển biến mạnh mẽ đội ngũ cán bộ phường, xã

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường cho biết, 32 học viên từ Đề án 89 về công tác tại các xã của huyện luôn được tạo điều kiện để phấn đấu, thể hiện hết khả năng. Đến nay, có 30/32 cán bộ Đề án được kết nạp Đảng và 21 cán bộ được bố trí các chức danh chủ chốt của xã. Một số cán bộ được điều động lên huyện công tác.

“Có thể thấy, cán bộ tốt nghiệp từ Đề án 89 không chỉ đóng góp chung vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của huyện mà còn xây dựng những cách làm mới, sáng tạo, hợp ý Đảng lòng dân, tạo sự đồng thuận cao”, ông Trần Văn Trường nhìn nhận.

Theo Phó ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Viết Hùng, sau gần 10 năm triển khai, tổng số học viên tham gia Đề án 89 của 2 khóa là 155, số học viên tốt nghiệp bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn là 139, trong đó, nhiều học viên đã trở thành cán bộ chủ chốt ở xã, phường.

Đặc biệt, có 56% cán bộ Đề án 89 đảm nhận các chức danh chủ chốt phường/xã như: Bí thư, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND... Tỷ lệ này đã khẳng định sự thành công của Đề án 89.

Là một người từng gắn bó với Đề án 89 thời gian dài, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng nhìn nhận, việc triển khai Đề án 89 thể hiện nhiều tư duy mới, mang tính đột phá của lãnh đạo thành phố trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho cấp phường, xã. Việc xây dựng chương trình đào tạo cũng là sự sáng tạo chưa từng làm của thành phố.

“Giáo trình giảng dạy đặc biệt quan tâm đến việc làm thế nào để cán bộ phường, xã có kỹ năng chỉ đạo, điều hành hiệu quả để phục vụ nhân dân tốt hơn. Ví dụ, có một chuyên đề là làm sao trong vòng 6 giờ, một người lãnh đạo phường, xã phải lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành địa phương sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có thiên tai”, ông Bùi Văn Tiếng chia sẻ.

Tại hội nghị tổng kết thực hiện Đề án 89 vào tháng 9-2017, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đánh giá: Đề án 89 nhìn chung rất thành công. Các học viên đã trưởng thành từ Đề án 89 cần tiếp tục học tập, rèn luyện, tu dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống nhằm thích nghi công việc, bám sát thực tiễn cơ sở; tiếp tục nghiên cứu, kiến giải, cùng với tập thể nơi mình công tác tìm giải pháp giải quyết những vấn đề bức xúc, vướng mắc đặt ra; qua đó đóng góp và trưởng thành, tiếp tục nỗ lực hơn nữa để được bố trí ở vị trí cán bộ cấp quận, huyện hoặc cao hơn nữa.

Bài và ảnh: QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.
.