15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX)

Đà Nẵng-điểm sáng cải cách hành chính - Bài cuối: Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

.

Trong công tác cải cách hành chính (CCHC), một trong những nội dung có tính quyết định là chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Bằng việc triển khai những chính sách đột phá có hiệu quả, thành phố đã và đang xây dựng được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng và năng lực thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và hội nhập quốc tế.

Anh Võ Văn Chi (thứ hai, từ phải sang), học viên Đề án 922 cùng với các đối tác đến từ Hàn Quốc.
Anh Võ Văn Chi (thứ hai, từ phải sang), học viên Đề án 922 cùng với các đối tác đến từ Hàn Quốc.

Từ Đề án 922...

Xác định tầm quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ, từ năm 2004, thành phố sớm triển khai các chương trình: “Dự án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn TP. Đà Nẵng” (Đề án 47) và “Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài” (Đề án 393).

Sau quá trình triển khai, thành phố tiếp tục rà soát, điều chỉnh một số nội dung và tích hợp cả hai Đề án 47 và 393 thành Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922).

Được cử đi đào tạo theo Đề án 922 từ bậc đại học, anh Võ Văn Chi (sinh năm 1986), hiện là Phó Trưởng ban Nghiên cứu phát triển và Ươm tạo thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, là một trong số những tiến sĩ chuyên ngành vật liệu tiên tiến trẻ nhất cả nước.

Sau khi tốt nghiệp Kỹ sư ngành Vật liệu tiên tiến tại Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và Tiến sĩ ngành Điện tử Nano tại Đại học Grenoble (Pháp), Võ Văn Chi được nhận học bổng của Viện Néel thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp để thực hiện luận án tiến sĩ chuyên ngành vật liệu tiên tiến mà chưa hề qua chương trình đào tạo thạc sĩ.

Năm 2013, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Grenoble, Võ Văn Chi về công tác tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đến nay; tích cực góp sức trong việc xây dựng kế hoạch, thu hút các nhà đầu tư vào phát triển công nghệ cao và tham mưu quản lý Nhà nước về hoạt động nghiên cứu, phát triển và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

Anh Võ Văn Chi tâm sự: “Là một trong những học viên tham gia Đề án 922 từ rất sớm, bản thân tôi luôn tâm niệm đóng góp hết sức mình cho thành phố ở lĩnh vực mình được đào tạo chuyên sâu để có thể đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm hàng đầu về khoa học-công nghệ trong khu vực”.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình vốn là học viên Đề án đào tạo 100 tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài của thành phố. Anh tốt nghiệp ngành Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học Tổng hợp London (Anh) năm 2008. Qua quá trình phấn đấu công tác, anh Nguyễn Xuân Bình được giao giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch.

Đến tháng 5-2016, anh Nguyễn Xuân Bình được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Du lịch. “Tôi cho rằng khi được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thì bản thân phải nỗ lực phấn đấu, trau dồi năng lực, học tập kinh nghiệm từ các thế hệ đàn anh đi trước để đóng góp vào thành công chung của đơn vị”, anh Nguyễn Xuân Bình trải lòng.

Cùng với các anh Nguyễn Xuân Bình, Võ Văn Chi, còn có 60 học viên thuộc Đề án 922 sau thời gian phấn đấu, nỗ lực đã được bổ nhiệm cán bộ quản lý ở cấp phòng trở lên. Có thể kể đến nhiều trường hợp điển hình như: chị Lê Thị Ái Diệp, Trưởng phòng Quản lý cơ sở du lịch của Sở Du lịch; chị Nguyễn Thị Liễu Hạnh, Phó phòng Quản lý Tài nguyên và Môi trường thuộc Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng; anh Lê Hoàng Phúc, Phó Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng thành phố.

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng nhìn nhận, các học viên Đề án 922 có khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công việc ở đa dạng lĩnh vực và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Trong 380 học viên Đề án 922 đang công tác tại các cơ quan của thành phố có 207 học viên được tuyển dụng vào công chức, viên chức, 88 học viên được kết nạp Đảng, 60 học viên được bổ nhiệm cán bộ quản lý. 44 học viên được bổ nhiệm quản lý cấp phòng hoặc tương đương, 16 học viên hiện giữ chức vụ phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên.

...đến bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý qua thi tuyển

Năm 2013, anh Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1981), Tiến sĩ kinh tế chuyên ngành Khoa học Quản lý tại Pháp, lúc bấy giờ đang là Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội thành phố tham gia kỳ thi tuyển chức danh Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội do thành phố tổ chức.

Trải qua phần thi viết và thuyết trình báo cáo chuyên đề khoa học, anh Nguyễn Văn Hùng vượt qua 2 ứng viên khác đạt số điểm cao nhất và được bổ nhiệm chức danh Phó Viện trưởng. “Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tạo điều kiện cho công chức, viên chức trẻ được tham gia thể hiện năng lực bản thân”, anh Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Trong năm 2018, sau khi trải qua 2 vòng thi tại kỳ thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, anh Nguyễn Đình Tuấn (sinh năm 1972, Trưởng phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể tư nhân thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) và chị Lê Thị Kim Phương (sinh năm 1977, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư) đã vượt qua 2 ứng viên khác và được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở.

“Việc thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Đề án thí điểm mới của Bộ Chính trị là bước đột phá của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung nhằm thu hút những cán bộ trẻ có năng lực, triển vọng để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý Nhà nước”, anh Nguyễn Đình Tuấn nhìn nhận.

Từ năm 2006, Đà Nẵng triển khai thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo thông qua việc ban hành đề án “Thực hiện thí điểm thi tuyển giám đốc, phó giám đốc (tương đương) một số đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố Đà Nẵng”.

Phát huy những kết quả đạt được ở giai đoạn thí điểm, UBND thành phố ban hành Quyết định số 6221/QĐ-UBND ngày 2-8-2012 về thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố và thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện.

Sau gần 9 năm (từ 2006 đến năm 2015) triển khai thực hiện quyết định này, có 51 cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển; trong đó có 19 lượt sở, ban, ngành và 31 lượt UBND quận, huyện. Ngoài ra, có 458 ứng viên đăng ký dự thi cạnh tranh công khai, trong đó đã có 151 ứng viên trúng tuyển, bình quân có trên 3 ứng viên dự thi cho một vị trí chức danh.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, sau một thời gian tạm dừng việc thi tuyển (từ năm 2015 đến cuối 2017 - PV) theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Thông báo số 202-TB/TW, thành phố Đà Nẵng được chọn là một trong 22 địa phương thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng.

Trên cơ sở này, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Công văn số 543/UBND-SNV ngày 22-1-2018 về việc hướng dẫn thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Mới đây, thành phố đã tổ chức thi tuyển 2 Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo kế hoạch, năm 2018 có 10 cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển 24 vị trí lãnh đạo, quản lý.

“Thực hiện tốt việc tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ tạo đột phá trong quá trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; đặc biệt là bảo đảm khách quan, công tâm, minh bạch, đấu tranh với tính hình thức hay tình trạng “quân xanh, quân đỏ”. Thi tuyển để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý ở các cơ quan, đơn vị của thành phố”, ông Võ Ngọc Đồng chia sẻ.

Lời kết

Cải cách hành chính (CCHC) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, một trong 3 đột phá chiến lược của Đảng nhằm củng cố, phát triển nền hành chính nước nhà liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ tốt nhất quyền lợi của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững, thịnh vượng của đất nước. Tại Đà Nẵng, quá trình phát triển của thành phố luôn gắn liền với tiến trình CCHC.

Có thể nói, những nỗ lực không ngừng cải thiện chất lượng, hiệu quả của công tác CCHC đã bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực, khả quan, có sức lan tỏa sâu rộng, tác động mạnh mẽ và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa Đà Nẵng vươn lên đạt được thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng của các chỉ số cấp tỉnh; đồng thời, tạo nên hình ảnh một Đà Nẵng năng động, đổi mới và thân thiện.

Mặc dù đạt được những kết quả tiến bộ đáng ghi nhận trong thời gian qua, CCHC vẫn chưa đáp ứng với mục tiêu mong đợi của lãnh đạo và nhân dân thành phố về xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch và chuyên nghiệp.

Để CCHC có thể phát huy tốt nhất “sứ mệnh”, chính quyền thành phố cần có những chính sách quyết liệt hơn nữa, thực hiện CCHC đồng bộ, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm và thích ứng với yêu cầu của sự vận động, phát triển nền kinh tế, xã hội của địa phương.

CCHC là chặng đường dài đầy gian nan, thử thách, phải vượt qua nhiều khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và quyết tâm cao. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, đôn đốc thường xuyên của lãnh đạo các cấp, sẽ có thêm nhiều mô hình mới, cách làm hay được Đà Nẵng mạnh dạn triển khai.

Bài và ảnh: QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.
.