Tác phẩm tham dự "Giải Búa liềm vàng 2018"

Đà Nẵng quyết liệt sắp xếp, đổi mới hệ thống chính trị

.

Trong thời gian qua, hệ thống chính trị luôn quan tâm thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mình. Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng đến nay, công tác này đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả nhất định.

Trong bước chuyển đó, Đà Nẵng quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài 1: Giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy

Việc sáp nhập Trung tâm Quản lý di sản vào Bảo tàng Đà Nẵng là thực hiện đúng tinh thần tinh gọn bộ máy, không dôi dư chức danh... TRONG ẢNH: Du khách tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.         Ảnh: N.THÀNH
Việc sáp nhập Trung tâm Quản lý di sản vào Bảo tàng Đà Nẵng là thực hiện đúng tinh thần tinh gọn bộ máy, không dôi dư chức danh... TRONG ẢNH: Du khách tham quan Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: N.THÀNH

Giảm số lượng đầu mối, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách và tăng hiệu quả hoạt động là những nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).

Thực hiện chủ trương trên, Đà Nẵng đã và đang có nhiều việc làm cụ thể với tinh thần quyết liệt, nghiêm túc để đạt được kết quả cao nhất nhưng vẫn bảo đảm tính ổn định và theo lộ trình hợp lý.

Nâng cao chất lượng hoạt động

Một cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy toàn diện và sâu rộng đã, đang và sẽ được Đà Nẵng triển khai quyết liệt, nghiêm túc.

Từ năm 2015, thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm sắp xếp lại bộ máy các cơ quan, đơn vị của thành phố. Về tổ chức bộ máy hành chính, UBND thành phố rà soát lại bộ máy tất cả các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, để xây dựng và thực hiện việc sắp xếp, quy định lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4-4-2014 của Chính phủ.

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết, thực hiện tinh gọn bộ máy, hạn chế sự trùng lắp và chồng chéo nhiệm vụ là việc làm thường xuyên được thành phố chỉ đạo triển khai trong thời gian qua. Từ năm 2016, UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện sắp xếp, hợp nhất, tổ chức lại nhiều đơn vị.

Sau khi sắp xếp, hoạt động của các đơn vị này phát huy hiệu quả, thống nhất; công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động chuyên môn khoa học, hợp lý hơn so với trước khi sắp xếp.

Một trong những điểm sáng về tinh gọn bộ máy mà Đà Nẵng sớm thực hiện là ngành giáo dục thành phố. Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức 8 trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), hướng nghiệp trực thuộc thành 3 trung tâm.

Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, việc sáp nhập này đã mang lại hiệu quả nhất định. Trước đây, hoạt động của các trung tâm GDTX - đặc biệt là trung tâm GDTX quận, huyện, gặp nhiều khó khăn do số lượng học sinh đầu vào các lớp bổ túc văn hóa bậc THCS, THPT các lớp liên kết đào tạo ngành nghề ngày càng ít dần.

Trước đây do biên chế giáo viên của các TTGDTX ít nên phải mời giáo viên các trường THPT trên địa bàn thỉnh giảng mới đáp ứng được nhu cầu. Sau khi sáp nhập, hoạt động của các TTGDTX được nâng cao rõ rệt.

Nguồn nhân lực dồi dào góp phần nâng cao chất lượng dạy, từ đó, việc tuyển sinh cũng thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các trung tâm không chỉ chủ động sáng tạo nhiều hơn về phương pháp dạy học mà còn đổi mới về công tác quản lý chuyên môn để có thể tiến đến tự chủ hoàn toàn.

Trong khi đó, Sở Văn hóa và Thể thao là một trong những đơn vị tiên phong trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính theo Đề án sắp xếp đổi mới tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố quản lý giai đoạn 2018-2021. Cụ thể hóa chủ trương này, ngày 17-4-2018, Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa chính thức sáp nhập vào Bảo tàng Đà Nẵng.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Huỳnh Văn Hùng cho biết, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố trước đây là ông Hồ Tấn Tuấn được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm kể từ ngày 24-4-2018.

Do đó, việc sáp nhập Trung tâm Quản lý di sản vào Bảo tàng Đà Nẵng đã thực hiện đúng theo tinh thần tinh gọn bộ máy, không dôi dư các vị trí chức danh, bảo đảm đúng nhiệm vụ và chức năng của các đơn vị. “Tiền thân của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa là Phòng Quản lý di sản thuộc Bảo tàng Đà Nẵng nên sau khi sáp nhập, nhìn chung không có bất cứ trở ngại gì trong công tác chuyên môn”, ông Huỳnh Văn Hùng đánh giá.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, sau khi sáp nhập, đơn vị đã tiến hành sắp xếp lại vấn đề nhân sự, phân công nhiệm vụ, thành lập phòng chuyên môn nghiệp vụ cho phù hợp với mô hình mới.

Theo đó, cơ cấu tổ chức bộ máy của Bảo tàng Đà Nẵng gồm bốn phòng chức năng: Tổ chức-Hành chính, Giáo dục-Truyền thông, Quản lý di sản văn hóa, Sưu tầm-Trưng bày và Bảo quản với tổng số 36 cán bộ, viên chức, lao động.

“Sau gần 5 tháng thực hiện việc sáp nhập, công việc tương đối diễn ra thuận lợi, trôi chảy. Việc sáp nhập không chỉ tinh gọn bộ máy mà còn góp phần thống nhất đầu mối thực hiện chức năng, dịch vụ sự nghiệp về bảo tàng, bảo tồn di sản văn hóa; nhất là hỗ trợ đắc lực cho Sở Văn hóa-Thể thao trong công tác quản lý Nhà nước về di sản”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện chia sẻ.

Gắn với tinh giản biên chế

Trưởng phòng Tổ chức biên chế và Tổ chức phi chính phủ (Sở Nội vụ) Lê Phú Nguyện cho biết, Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên nghiên cứu, xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động các ĐVSNCL thuộc UBND thành phố quản lý giai đoạn 2017-2020 (viết tắt là đề án) với các giải pháp cụ thể, khoa học trước khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Đồ họa: TRÂM ANH

Chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8-2018), sau khi ban hành đề án, nhiều đơn vị đã hoàn thành sắp xếp, đơn cử: Trung tâm Giới thiệu việc làm Khu công nghiệp trực thuộc Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ việc làm (trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội); thành lập Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng, Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội vào Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng; giải thể Trung tâm Quản lý quảng cáo Đà Nẵng; thành lập Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng trên cơ sở hợp nhất Công ty Quản lý nhà và Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng...

Thông qua việc sắp xếp các đơn vị, đã thu hồi 51 chỉ tiêu số lượng người làm việc; giảm 34 phòng chuyên môn và 35 vị trí lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập; giải quyết cho 11 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc ngay; chấm dứt hợp đồng lao động đối với 11 người.

Cùng với tinh gọn bộ máy, Đà Nẵng cũng đã giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP. Không chỉ chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình tinh giản biên chế khi có chỉ đạo của Trung ương, cuối năm 2016, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 159/2018/NQ-HĐND về Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ xin thôi làm nhiệm vụ và công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc để bố trí cán bộ.

Theo đó, cán bộ xin thôi việc sẽ được hưởng chế độ chung theo quy định tại Nghị định số 46/NĐ-CP của Chính phủ; ngoài ra, còn được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ theo chức danh đang giữ. Các chức danh khác nhau có mức hỗ trợ khác nhau, mức cao nhất là 200 triệu đồng; mức thấp nhất là 100 triệu đồng; qua đó tăng cường khuyến khích nghỉ tinh giản biên chế bằng chính sách riêng của thành phố.

Theo ông Lê Phú Nguyện, sau 3 năm (2015-2018), thành phố đã giải quyết cho 327 trường hợp nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế; trong đó, 66 trường hợp dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, 32 trường hợp do cơ cấu lại theo Đề án vị trí việc làm, 30 trường hợp chưa đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, 6 trường hợp có chuyên ngành đào tạo chưa phù hợp, 17 trường hợp do ốm đau, 171 trường hợp do đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và 5 trường hợp dôi dư do cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Ở khối sự nghiệp công lập, do chuyển sang cơ chế tự chủ và thực hiện thu hồi biên chế theo lộ trình nên số lượng người làm việc tại các đơn vị đã giảm 1.798 người so với năm 2015, đạt 91% chỉ tiêu tinh giản biên chế đến năm 2021.

"Mặc dù công tác sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng chúng ta cần phải quyết tâm hoàn thành tốt, theo đúng lộ trình. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc hết sức công tâm, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu đơn vị”
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên nhấn mạnh tại hội nghị triển khai Đề án sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố Đà Nẵng quản lý ngày 24-4.

TRÂM ANH – QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.
.
.