Xử phạt về an toàn thực phẩm: Chờ... thay đổi thói quen

.

Sau 4 ngày Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực (ngày 20-10-2018), tình trạng vi phạm các quy định về ATTP vẫn xảy ra nhan nhản tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Đáng nói hơn, người buôn bán thực phẩm hầu như… chẳng biết gì về nghị định này.

Cùng với việc kiểm tra, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền về xử phạt các hành vi vi phạm theo nội dung Nghị định 115/2018/NĐ-CP. TRONG ẢNH: Lực lượng chức năng lấy mẫu thực phẩm, gia vị để kiểm tra an toàn thực phẩm. 								                      Ảnh: PHAN CHUNG
Cùng với việc kiểm tra, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền về xử phạt các hành vi vi phạm theo nội dung Nghị định 115/2018/NĐ-CP. TRONG ẢNH: Lực lượng chức năng lấy mẫu thực phẩm, gia vị để kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh: PHAN CHUNG

Bà Nguyễn Thị K., bán bún lòng trên đường Hải Phòng (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) gần chục năm qua. Chiếc tủ đựng bún và lòng qua sơ chế có 3 mặt bằng gương trong suốt, mặt còn lại không có cửa. Một mình loay hoay với gánh hàng chừng 7m2 trên vỉa hè, bà K. vừa bán vừa rửa đống chén bát và lau dọn bàn ghế.

Không tạp dề, áo quần bảo hộ, đôi tay chai sần không trang bị găng tay, bà thoăn thoắt lấy bún, cắt lòng rồi trực tiếp dùng… tay trần bốc bỏ vào tô cho khách.

“Quen rồi, bao nhiêu năm nay cứ như vậy. Giờ nói phải mang găng chỉnh tề, tươm tất bán hàng, khó lắm!”, bà K. cười xòa. Khi được hỏi về những quy định mới của Nghị định 115, trong đó siết chặt việc kinh doanh thức ăn đường phố và sẽ xử phạt nặng những hành vi vi phạm, bà K. thú nhận bản thân chưa từng biết những quy định đó!

Tuyến đường Hải Phòng hiện có 25 điểm bán hàng văn minh với gần 40 hộ kinh doanh thức ăn đường phố. Đây là những hộ buôn bán trên vỉa hè dọc tuyến đường Lê Duẩn và một số tuyến đường khác được chuyển về dưới sự quản lý của địa phương.

Theo ghi nhận, tình trạng “người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm” vẫn… diễn ra bình thường.

Trong khi đó, những quy định này được nêu rõ tại Điều 9, Mục 2 của Nghị định 115, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng.

Thực trạng này cũng xảy ra tại các địa phương khác trên địa bàn thành phố. Tại quận Liên Chiểu, nơi có hơn 540 hộ kinh doanh thức ăn đường phố phục vụ cho phần lớn sinh viên, công nhân trên địa bàn, việc chấp hành các quy định mới vẫn còn là điều khá lạ lẫm.

Chị Nguyễn Xuân S., bán bún mắm, thịt nướng, chả cá gần chợ Hòa Khánh cho hay: “Lâu nay mình vẫn bán như thế này chứ có ai kiểm tra, xử phạt gì đâu. Giờ nếu bảo không mang bảo hộ, găng tay, đội mũ khi bán mà bị phạt thì khó quá!”.

Cũng theo chị S., khách hàng đều là người lao động phổ thông, giá cả mỗi tô bún chỉ 10.000 - 15.000 đồng nên lợi nhuận không bao nhiêu, chỉ đắp đổi qua ngày, nếu những quy định mới được áp dụng thì người kinh doanh thức ăn đường phố như chị sẽ rất khó khăn!

Sau 4 ngày Nghị định 115 có hiệu lực thi hành, vẫn còn hàng ngàn hộ kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm các quy định.
Sau 4 ngày Nghị định 115 có hiệu lực thi hành, vẫn còn hàng ngàn hộ kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm các quy định.

Theo ông Phan Trình, Trưởng phòng Y tế quận Liên Chiểu, việc áp dụng Nghị định 115 đối với hộ kinh doanh thức ăn đường phố vẫn đang trong quá trình triển khai, tập huấn.

“Theo phân cấp quản lý, loại hình kinh doanh này giao cho UBND các phường nhưng theo tôi biết, đến thời điểm hiện tại cũng chỉ mới dừng lại ở việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền chứ chưa xử phạt.

Về phía quận, vào thứ năm hằng tuần, chúng tôi tổ chức tập huấn kiến thức về ATTP và có lồng ghép nội dung của Nghị định 115, trong đó nhấn mạnh việc xử lý vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố, vỉa hè vì đây là loại hình khá phổ biến hiện nay”, ông Trình cho biết.

Trong khi đó, theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Kim Minh, Phó phòng Y tế quận Sơn Trà, lãnh đạo thành phố và các địa phương nên có lộ trình để triển khai, áp dụng Nghị định 115 hiệu quả. Việc áp dụng Nghị định 115, theo bà Minh, là cần thiết và thuận lợi cho cơ quan chức năng khi các hành vi vi phạm được quy định cụ thể, rõ ràng.

“Từ một tháng nay, chúng tôi đã lồng ghép việc triển khai Nghị định 115 vào các chương trình kiểm tra, qua đó tuyên truyền để người dân nắm rõ. Đến thời điểm hiện tại, dù Nghị định 115 đã có hiệu lực nhưng trong quá trình kiểm tra, rà soát về ATTP, quận vẫn áp dụng mức phạt cũ theo Nghị định 178 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân có thời gian chuẩn bị và tìm hiểu kỹ hơn về nghị định mới”, bà Minh cho biết.

Riêng lĩnh vực kinh doanh thức ăn đường phố, quận Sơn Trà hiện có 1.104 cơ sở. Những thói quen trong kinh doanh như: không đeo bao tay, bảo hộ, không có dụng cụ thu gom rác, nước thải… vẫn chưa được khắc phục và theo ngành y tế quận, cần có thời gian để người dân hiểu và thay đổi những thói quen này.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố cho biết, các buổi tập huấn phổ biến Nghị định 115 đã được tổ chức đến cán bộ chuyên trách phòng y tế quận, huyện và phường, xã. Bên cạnh đó, các chủ cơ sở, quản lý của cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố cũng đã được tiếp cận, tìm hiểu những quy định mới trong Nghị định 115.

“Tuy Nghị định 115 đã có hiệu lực nhưng chúng tôi xác định công việc trước mắt vẫn là tuyên truyền để những đối tượng bị ảnh hưởng theo nghị định này hiểu được những hành vi vi phạm và mức phạt cụ thể. Việc áp dụng hình thức xử phạt sẽ được tiến hành sau khi công tác tuyên truyền, tập huấn được triển khai”, ông Hải cho biết.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.
.