Chính trị - Xã hội
Chăm lo cho người khuyết tật
Những năm qua, thành phố có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ người khuyết tật (NKT) như: hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình, sinh kế, giới thiệu học nghề, cho vay vốn... Nhờ đó, NKT không chỉ có nghề mà còn tự tin hòa nhập cộng đồng.
Hỗ trợ máy may cho người khuyết tật lao động sản xuất, từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. |
Hơn 20 năm trước, khi đang giám sát công trình tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Đẩu (55 tuổi, nay ngụ phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) bị trượt ngã khiến đôi chân không còn lành lặn. Không đi được, cuộc sống của ông tiếp nối với chuỗi ngày khó khăn. Vợ bỏ đi và lập gia đình mới, ông gửi con vào miền Tây cho người thân chăm sóc, còn ông sống cùng gia đình với ba anh chị em trong căn nhà nhỏ tại đường Đinh Tiên Hoàng, Đà Nẵng.
“Do điều kiện không đi lại được, tôi chọn nghề sửa giày dép để nuôi sống bản thân, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Từ khi được Hội NKT thành phố hỗ trợ thêm vật liệu, dụng cụ sửa chữa giày dép, tôi làm mới đồ nghề, biển hiệu, mọi thứ tươm tất hơn hẳn, khách hàng cũng chú ý đến tiệm hơn. Có ngày tôi kiếm được vài trăm ngàn đồng đủ để trang trải chi tiêu sinh hoạt cần thiết”, ông Đẩu chia sẻ.
Không chỉ hỗ trợ phương tiện sinh kế, Hội NKT thành phố còn huy động nguồn vốn hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình cho NKT. Là người vừa được hỗ trợ chân giả trong năm 2018, ông Phạm Ba (ngụ xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) vui mừng bày tỏ: “Được hỗ trợ chân giả, việc sinh hoạt của tôi thuận tiện hơn rất nhiều”. Trước đây, trong một lần đi làm ruộng, gặp phải vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, ông Ba đã mất chân phải. Năm 2018, được Hội NKT thành phố hỗ trợ thay chân giả, cuộc sống của ông đã thay đổi. “Chân phải tôi giờ đi lại bình thường nên tôi có thể phụ giúp vợ làm những công việc nhà hay chăn nuôi gia súc. Nay vợ ốm nặng phải nằm bệnh viện, tôi cũng thuận tiện đi lại chăm sóc vợ”, ông Ba chia sẻ.
Bà Đặng Hương Giang, Phó Chủ tịch Hội NKT thành phố cho biết, nhằm trợ giúp NKT tiếp cận các dịch vụ xã hội, hòa nhập cộng đồng, từ năm 2013 đến nay, Quỹ quay vòng của Hội đã giúp đỡ hàng trăm lượt NKT được vay không lãi suất với số tiền 5 triệu đồng/người/năm. Trong năm 2017, Hội phối hợp với Quỹ MoveAbility và Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng thành phố kết nối, hỗ trợ lắp dụng cụ trợ giúp như: nẹp, chân giả, giày, tất chỉnh hình… cho NKT các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Đến nay, đã có 291 người được hỗ trợ dụng cụ từ chương trình này, trong đó Đà Nẵng có 68 người. Mới đây, Hội hỗ trợ phương tiện sinh kế cho 10 NKT khó khăn với mức 5 triệu đồng/trường hợp. Hội còn phối hợp với Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ trao tặng máy may cho 20 hội viên NKT với tổng trị giá hơn 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội thực hiện vận động chính sách, tư vấn kết nối học nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ sửa chữa nhà, tư vấn pháp lý miễn phí cho hội viên.
Ngoài ra, thời gian qua, thành phố còn có nhiều chính sách hỗ trợ NKT như: giảm giá vé, giá dịch vụ cho NKT khi sử dụng các dịch vụ văn hóa, giải trí, thể thao, du lịch theo quy định; thiết kế lối đi riêng, các điều kiện cần thiết tại công trình công cộng, các dịch vụ xã hội để NKT có thể tiếp cận và sử dụng.
Trong năm 2018, thành phố ban hành kế hoạch triển khai công tác trợ giúp NKT; theo đó, bảo đảm 100% NKT có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật được công nhận và cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật. NKT nặng, đặc biệt nặng được trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ mai táng theo quy định.
Những NKT đặc biệt nặng không nơi nương tựa có nhu cầu, đủ điều kiện sẽ được đưa vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Thành phố bảo đảm 100% hộ gia đình có NKT là hộ nghèo, chính sách đang ở nhà cấp 4 xuống cấp, hư hỏng nặng được ưu tiên hỗ trợ xây, sửa chữa nhà; trường hợp chưa có nhà ở, đang ở nhà thuê, thật sự bức xúc về chỗ ở sẽ được thành phố ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư. Thành phố tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ NKT học nghề, phương tiện sinh kế phù hợp cho NKT khó khăn tự tạo việc làm; bảo đảm 100% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi tạo việc làm từ nguồn vốn ủy thác của thành phố...
“NKT vẫn còn tự ti về ngoại hình, hoàn cảnh nên khó hòa nhập cộng đồng. Chính nhờ những chính sách, sự trợ giúp, tạo điều kiện để NKT có khả năng tiếp cận với các hệ thống chính sách và dịch vụ, NKT dần vượt qua mặc cảm tự ti, có thể làm được nhiều việc nuôi sống bản thân và trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội”, bà Đặng Hương Giang nói.
Bài và ảnh: THU THẢO