Chính trị - Xã hội

Sản xuất nông nghiệp trên vùng đất trung du

10:30, 03/12/2018 (GMT+7)

Nông dân vùng trung du huyện Hòa Vang đẩy mạnh phát triển các mô hình hiệu quả, theo hướng sản xuất hàng hóa, thiết thực góp phần xây dựng và nâng chuẩn nông thôn mới.

Trại gà của vợ chồng anh Nhàn, chị Hà.
Trại gà của vợ chồng anh Nhàn, chị Hà.

Vợ chồng cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Nhàn và chị Đặng Thị Thu Hà ở thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương) nổi bật với mô hình nuôi gà thả vườn và trồng rau ăn lá. Anh chị đầu tư xây dựng hai trại giữa khu vườn rộng có lưới bao quanh, nuôi thường xuyên 1.400 con gà. Hằng ngày, anh chị mua hèm bia và bột bắp trộn đều cho gà ăn, đồng thời cho gà ăn thêm các thức ăn tự nhiên. Hai vợ chồng cùng tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm và tự thực hiện các công đoạn phòng ngừa dịch bệnh cho gà. Chị Hà cho biết, gà 4 tháng tuổi nặng khoảng 3kg/con, thương lái đến mua tận nơi, giá mỗi kg từ 70.000 - 80.000 đồng, có bao nhiêu cũng bán hết. 

Bên cạnh đó, vợ chồng anh Nhàn trồng rau húng và cải con trên 400m2 đất vườn, mỗi ngày bán được 300.000 - 500.000 đồng. Từ hoàn cảnh khó khăn hồi mới xuất ngũ, bây giờ anh chị đã xây được nhà tầng khang trang và nuôi các con ăn học chu đáo. Mô hình kinh tế vườn của vợ chồng anh Nhàn đã được các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương bình chọn là 1 trong 4 vườn kiểu mẫu nông thôn mới đạt hiệu quả cao ở xã Hòa Khương.

Mô hình Tổ hợp tác sản xuất ớt thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong) thành lập từ năm 2017, thu hút 36 hộ nông dân tham gia. Được UBND và Hội Nông dân xã cùng các cơ quan chức năng của thành phố hướng dẫn kỹ thuật, bà con tập trung trồng loại ớt xanh truyền thống đạt năng suất cao với thời gian thu hoạch liên tục trong 5 tháng. Những người trồng ớt nơi đây cho biết, trồng ớt cần vun luống cao, bón nhiều phân chuồng hoai mục và tưới nước đều, không để đất khô mặt. Ông Đinh Tiện, một trong những hộ dẫn đầu về năng suất cho biết, ông trồng 1.000m2 ớt, mỗi ngày bán khoảng 8kg ớt tươi, thương lái mua tại chỗ, giá 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Tổ hợp tác sản xuất ớt thôn Bồ Bản đã được cán bộ chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố hướng dẫn kỹ thuật sơ chế và chế biến ớt tươi thành ớt dầm, ớt khô và tương ớt. Với các sản phẩm này, bà con có thu nhập cao hơn so với bán ớt tươi. Theo thông kê mới đây của Hội Nông dân xã Hòa Phong, 100% hộ trồng ớt ở thôn Bồ Bản đều có mức sống từ khá trở lên.  

Trên vùng trung du Hòa Vang, nông dân còn trồng hoa, trồng rau chuyên canh, nuôi heo rừng, nuôi cá nước ngọt. Đặc biệt, có những hộ đầu tư sản xuất nấm linh chi - loại nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao. Thời gian một vụ nấm linh chi kéo dài hơn 8 tháng với 3 đợt thu hoạch. Anh Nguyễn Văn Nhi ở thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn) tự làm nguyên liệu sản xuất nấm linh chi bằng công nghệ hấp nóng (lò hấp do Hội Nông dân thành phố hỗ trợ). Anh Nhi điều chỉnh lượng nước tưới và độ trống các ô cửa để duy trì nhiệt độ trong trại nấm 22-230C, với độ ẩm 70-72%. “Bình quân, khoảng 85 bịch nguyên liệu sẽ cho ra 1kg nấm khô, giá từ 800.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/kg và có thương lái đến mua tại chỗ”, anh Nhi chia sẻ…

Ở từng xã, chính quyền, đoàn thể luôn chăm lo hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân làm những mô hình sản xuất-kinh doanh mới. Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Đình Khánh Vân, những mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa thúc đẩy vùng trung du Hòa Vang phát triển nhanh và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân địa phương. 

Bài và ảnh: MINH NGỌC 
                             

.