Ngày 10-12, trên địa bàn thành phố, lượng mưa giảm so với ngày 9-12, các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai các phần việc khắc phục hậu quả do ngập úng nặng trong hai ngày qua.Trong khi đó, trên địa bàn huyện Hòa Vang, khoảng 200 hộ dân bị ngập nước.
Nhân viên Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải túc trực khơi thông, bảo đảm thoát nước chống ngập tại công trình cửa phai đường Yên Khê. Ảnh: MINH KHOA |
Sau cơn mưa lớn và liên tục 2 ngày qua, trên các tuyến đường vương vãi rất nhiều rác. Rác nổi lềnh bềnh trên mặt hồ Vĩnh Trung. Rất nhiều bao nilon đựng rác thải sinh hoạt để trên vỉa hè trôi xuống đường Hàm Nghi. Một số người dân ở đường Hùng Vương dùng que sắt khơi thông các hố thu nước trên mặt đường và đưa lên nhiều rác thải, túi nilon, áo mưa...
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho hay: “Đối với ngập úng ở khu vực đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Hùng Vương, Lê Duẩn và khu vực lân cận, hiện không có giải pháp chống ngập úng nào ngoài phân công người trực lượm rác và thông cống. Rác do người dân xả ra quá nhiều làm cản trở dòng chảy. Vì thế, công ty phải bố trí người trực thường xuyên để thông cống”.
Còn ở huyện Hòa Vang, mưa lớn kéo dài đã làm ngập trắng nhiều cánh đồng và nhiều đường liên thôn, khu dân cư. Nhiều tuyến đường dân sinh trong thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong) bị ngập sâu khoảng 50cm. Đặc biệt, trên tuyến đường liên thôn Thạch Nham Tây - Thái Lai, nước ngập sâu, lực lượng chức năng phải ngăn đường và túc trực, không cho phương tiện đi vào khu vực ngập.
Tại địa bàn xã Hòa Liên, hiện có 8 thôn bị ngập, trong đó có 3 thôn ngập sâu là Trung Sơn, Quan Nam 3, Quan Nam 2. UBND xã Hòa Liên đã triển khai nhiều giải pháp như: tổ chức lực lượng khơi thông tại một số tuyến có công trình đang xây dở dang và triển khai lực lượng di dời dân tại một số vùng thấp trũng đến nơi an toàn.
Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, huyện đã chỉ đạo các lực lượng túc trực, sẵn sàng di dời dân tại một số khu vực nguy hiểm; đồng thời, yêu cầu các địa phương phải cập nhật tình hình liên tục về cho huyện để có các biện pháp ứng phó.
Tiếp tục thực hiện công tác khắc phục sau mưa lớn, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo toàn bộ các đơn vị trong ngành khẩn trương triển khai công tác phòng chống, ứng phó. Thanh tra Sở GTVT phối hợp các lực lượng Công an thành phố kiểm tra, chốt chặn, hướng dẫn tại các vị trí ngập sâu, ách tắc giao thông.
Các đơn vị quản lý đường huy động toàn bộ lực lượng kiểm tra, khơi thông cửa thu nước, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường; nắn sửa các dải phân cách mềm, điều chỉnh, thu hồi hệ thống biển báo bị ngã; tại các vị trí sạt lở.
Sở GTVT tiếp tục điều nhân lực khẩn trương khơi thông cửa thu nước trên các tuyến đường bị ngập nặng như: khu vực quanh hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, các tuyến Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Lý Thái Tổ (nút Hàm Nghi); khu vực Đầm Rong 1, Đầm Rong 2…; đồng thời, thu hồi 25 trụ biển báo; nắn chỉnh, sửa chữa 154 trụ biển báo, 193 dải phân cách mềm; khơi thông rãnh dọc, dọn đất đá rơi vãi xuống đường để bảo đảm an toàn giao thông trên đường Hoàng Sa; triển khai các biện pháp cảnh báo, tại các vị trí sạt lở...
Tại hiện trường, các đơn vị chức năng đã điều chỉnh các vị trí đèn tín hiệu điều khiển giao thông bị chạm, chập, hư hỏng do nước tràn vào các tủ điều khiển. Các tuyến xe buýt được điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế nhằm bảo đảm an toàn như: các tuyến trợ giá 7, 8, 11, 12 và tuyến TMF hiện tại đang ngưng hoạt động.
Trong ngày 10-12, tranh thủ khi mực nước tại các trạm bơm, kênh thoát nước hạ thấp, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải tiến hành kiểm tra, khắc phục vị trí sạt lở mái kênh thoát nước dọc đường Nguyễn Nhàn, trạm bơm chống ngập cho khu di tích K20…
Các quận đã tổ chức lực lượng khắc phục và dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục gia cố và theo dõi sạt lở bờ biển tại cửa xả Mỹ An sau khi đã gia cố 50m3 đá hộc.
Các trường học trên địa bàn thành phố cũng bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh. Cô Nguyễn Quỳnh Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu) cho biết, sáng 10-12, sau khi nước rút, nhà trường huy động thầy cô giáo tiến hành làm vệ sinh lớp học.
Mưa lớn khiến bàn ghế và một số hồ sơ tại Phòng Tài vụ bị ướt; bếp và đồ dùng bán trú bị hư hỏng. Tại Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu), cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi nước rút, nhà trường đã huy động các thầy cô giáo và học sinh sống ở khu vực gần trường tổng dọn vệ sinh lớp học, khuôn viên trường để bảo đảm ổn định công tác dạy và học trong thời gian sớm nhất.
Cô Huệ cho biết, xác định trường ở địa điểm thấp, dễ ngập, nhà trường đã sớm di chuyển thiết bị máy móc, hồ sơ cùng một số bàn ghế lên tầng trên nên không bị thiệt hại nhiều.
Tuyến đường liên thôn xã Hòa Nhơn từ khu vực Túy Loan vào thôn Thái Lai bị chia cắt hoàn toàn ở khu vực thôn Thạch Nham Tây. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố, tính đến chiều 10-12, trong khi các khu vực nội thành đã rút hết nước thì ở khu vực huyện Hòa Vang có khoảng 200 hộ dân ở các xã bị ngập nước.
Qua thống kê ban đầu, trong những ngày qua, mưa và ngập úng đã làm thiệt hại 126,2ha rau, màu tại huyện Hòa Vang và các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu cùng nhiều cây cảnh, hoa phục vụ Tết và khoảng 8 tấn tôm, 2 tấn cá nuôi ở quận Ngũ Hành Sơn...
Theo Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông, các quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng tiếp tục có mưa to đến rất to.
Mực nước trên các sông thành phố Đà Nẵng tiếp tục có dao động ở mức báo động 1 và trên báo động 1; nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, lũ quét trên các sông suối nhỏ, đặc biệt khu vực Hòa Vang, Liên Chiểu; tình hình ngập úng vùng trũng thấp tiếp tục diễn ra, nhất là các quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Liên Chiểu.
Để tiếp tục ứng phó với ngập úng cục bộ, ngày 10-12, Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố tiếp tục có công điện chỉ đạo UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất, triển khai phương án sơ tán nhân dân ở những vùng nguy hiểm, trũng thấp, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn; thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng chống lũ và có biện pháp chốt chặn người dân và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, lũ đi lại trong những vùng trũng thấp và nước lũ, người, phương tiện qua ngầm, cầu tràn; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố cũng chỉ đạo các lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố và các sở, ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ theo phân công...
Bảo đảm an toàn cho du khách Trước tình hình mưa kéo dài và ngập lụt trên nhiều tuyến đường, Sở Du lịch cho biết, khách du lịch đến Đà Nẵng không bị ảnh hưởng nhiều. Khi các tuyến đường bị ngập, ảnh hưởng đến tour, kế hoạch đã lên sẵn từ trước thì khách chuyển hướng sang đi mua sắm hoặc tham quan tại những điểm gần, không bị ảnh hưởng. THU HÀ Khan hiếm thực phẩm Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 10-12, hoạt động buôn bán ở chợ đầu mối Hòa Cường vắng hơn thường lệ. Trong chợ chỉ còn chưa đến một nửa số tiểu thương bán hàng. Những dãy hàng bán thủy hải sản tươi gần như không có; tôm, cá… đa phần là hàng ướp đông với giá cao hơn khoảng 1,2 - 1,5 lần so với bình thường. Trong khi đó, tại các siêu thị mini như: Vinmart+, Danamart… các mặt hàng thực phẩm như: rau, quả, thịt, tôm, cá cũng luôn trong tình trạng “cháy hàng”; tuy nhiên, giá cả không tăng so với ngày thường. KHANG NINH-THU HÀ |
Ngày 11-12, một số trường mầm non, tiểu học và THCS nghỉ học Tối 10-12, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Đình Vĩnh ủy quyền cho Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện trên địa bàn căn cứ tình hình thực tế, quyết định cho học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS bị ảnh hưởng ngập nước nghỉ học trong ngày 11-12. Theo đó, các Phòng GD&ĐT quận, huyện thông báo, một số trường nghỉ học ngày 11-12 gồm: các trường tại 5 xã: Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang); phường Khuê Mỹ và Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn); các trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, Hàm Nghi và Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê); Trường tiểu học Hồng Quang, phường Hòa Khánh Nam, khu vực lẻ Trường mầm non Tuổi Ngọc, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Học sinh toàn quận Sơn Trà đi học. Trong khi đó, học sinh toàn quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ nghỉ học. AN NHIÊN Công an, Biên phòng hỗ trợ dân Trong những ngày mưa lớn vừa qua, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã điều động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) các đơn vị giúp dân cứu kéo và đưa các phương tiện vào bờ; giúp bà con chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền. Đồn Biên phòng Non Nước huy động 20 CBCS phối hợp với các lực lượng địa phương khắc phục sạt lở tại phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn). Tối 9-12, Hải đội 2 BĐBP thành phố cứu nạn thành công tàu cá BĐ97837 cùng 8 lao động bị chìm trên biển khi vào bờ tránh thời tiết xấu. Trong khi đó, khuya 9-12, Công an phường Chính Gián (quận Thanh Khê) có mặt tại các điểm ngập, phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Thanh Khê cứu nạn 6 nạn nhân của 2 gia đình bị mắc kẹt trong nước ngập tại đường Điện Biên Phủ. Ngày 10-12, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố phối hợp với Ban quản lý chung cư Hoàng Anh Gia Lai (đường Hàm Nghi, quận Thanh Khê) tiến hành bơm nước để sớm đưa xe máy và ô-tô đang bị ngâm trong nước tại tầng hầm của chung cư này. Chiều tối 10-12, UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu tiến hành di dời khẩn cấp hộ anh Lê Niệm (ở tổ 2) do bờ kênh sát nhà bị sạt lở hơn 10 m. BÁ VĨNH - N.PHÚ |
HOÀNG HIỆP - THÀNH LÂN - NGỌC PHÚ