Hướng tới huyện môi trường

.

Năm 2019, môi trường tiếp tục là vấn đề ưu tiên được Đảng bộ huyện Hòa Vang đặc biệt quan tâm bên cạnh các nhiệm vụ cải cách hành chính và thu hút đầu tư. Hòa Vang đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành “huyện môi trường”.

Một đoạn mương trên tuyến đường liên thôn tại Dương Lâm 2 được nạo vét, trồng cây tạo cảnh quan sạch đẹp. 					              Ảnh: MAI HIỀN
Một đoạn mương trên tuyến đường liên thôn tại Dương Lâm 2 được nạo vét, trồng cây tạo cảnh quan sạch đẹp. Ảnh: MAI HIỀN

Xử lý dứt điểm các điểm “nóng” môi trường

Ông Lê Đức Toại, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Hòa Vang cho biết, huyện tập trung các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về nhiệm vụ bảo vệ môi trường; tiếp tục đẩy mạnh các mô hình “Xã thân thiện môi trường”, phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, các tuyến đường kiểu mẫu, “Thôn không rác”, “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới”... Song song đó, huyện đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, hoạt động khai thác khoáng sản, khu sản xuất tập trung, khu chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hộ gia đình, khu nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất nông nghiệp (lúa, hoa, rau màu...); đồng thời thành lập đường dây nóng từ thôn, xã đến cấp huyện thực hiện tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về môi trường và tập trung xử lý dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Có thể nhận thấy, trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã có những bước chuyển biến rõ rệt, nhiều biện pháp quản lý về bảo vệ môi trường đã được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả, các cấp, các ngành đã thực sự quan tâm đến vấn đề môi trường, các hoạt động bảo vệ môi trường được cộng đồng dân cư tham gia ủng hộ.

Nổi bật có thể kể đến những kết quả như hoàn thành nhanh các nội dung thực hiện tiêu chí môi trường ở các xã. Nếu như năm 2013 chỉ có 2 xã Hòa Châu, Hòa Tiến hoàn thành, thì đến năm 2017 có 11/11 xã đạt tiêu chí môi trường, góp phần đưa huyện Hòa Vang đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Nhiều điểm nóng môi trường trên địa bàn huyện đã được xóa bỏ như các điểm tập kết Đông Hòa, Quan Châu, Phong Nam, Lệ Sơn Nam, Lệ Sơn Bắc, An Ngãi Đông, An Sơn, ngã ba Hòa Liên.

Huyện cũng đã tổ chức ký cam kết cho cá nhân, doanh nghiệp bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường tại các thửa/lô đất trống chưa xây dựng khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai với tổng cộng 1.170 hồ sơ cấp mới, trong đó 100% các chủ sử dụng đất đã có cam kết bảo vệ môi trường tại lô đất trống; giám sát và thực hiện thường xuyên các hoạt động đặt hàng dịch vụ vệ sinh, xúc cát rơi vãi dọc hai bên tuyến đường để mở rộng thông thoáng lòng đường, tạo điều kiện an toàn cho người dân khi tham gia giao thông...

Một vấn đề khá “nóng” luôn được người dân quan tâm là việc khai thác, quản lý hệ thống kênh, mương, hồ... trên địa bàn cũng được xử lý ráo riết.

Cụ thể, ngành TN&MT huyện đã tổ chức khảo sát hiện trạng các hồ, thực hiện lấy mẫu, phân tích chất lượng môi trường nước tại 16 khu vực kênh hồ; đo đạc diện tích, độ sâu 16 hồ đầm.

Ngành TN&MT triển khai thí điểm xử lý ô nhiễm bằng phương pháp sinh học tại khu vực kênh Túy Loan, xã Hòa Phong, tổ chức nạo vét tuyến kênh Túy Loan, tổ chức lắp đặt 15 bè và cây thủy sinh xử lý ô nhiễm...

Tăng cường kiểm tra khai thác khoáng sản

Tại huyện Hòa Vang, thời gian qua, việc khai thác đất đồi gây hậu quả nặng nề khiến hàng trăm hecta đất sản xuất phải bỏ hoang hóa là vấn đề được chính quyền, nhân dân huyện đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, việc khai thác, xử lý hoàn thổ chậm trễ, tắc trách tại các mỏ đất đồi, đá tại một số xã như: Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Ninh... khiến người dân địa phương rất bức xúc.

Ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 20ha ruộng đã bị bồi lấp, khô cằn, không thể tiếp tục sản xuất do việc khai thác đất ở những ngọn núi quanh thôn, khiến nguồn nước tưới tiêu cho cánh đồng chảy ra từ khe núi bị cạn kiệt. Mặt khác, việc khai thác ồ ạt này còn làm đất, đá tràn xuống lấp kín dòng chảy các khe, rãnh thoát nước gây nên tình trạng ứ đọng, ngập lụt vào mùa mưa”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Toại chia sẻ, thực hiện kế hoạch triển khai Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 5-9-2017 của UBND thành phố về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Phòng TN&MT tham mưu UBND huyện, xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị vi phạm, đối với các trường hợp tái phạm báo cáo UBND thành phố chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác.

Phòng TN&MT đã tích cực phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của Sở TN&MT và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, đôn đốc các công ty, doanh nghiệp tiến hành thực hiện cải tạo phục hồi môi trường theo đề án đã được phê duyệt, đồng thời báo cáo, kiến nghị UBND thành phố, Sở TN&MT xử phạt các trường hợp thực hiện không đúng tiến độ theo đề án được phê duyệt.

Theo đó, Sở TN&MT đã tham mưu thành phố xử phạt 3 đơn vị với tổng số tiền 340 triệu đồng với hành vi không thực hiện đúng nội dung, tiến độ được phê duyệt trong đề án cải tạo phục hồi môi trường và hành vi không lập đề án đóng cửa mỏ phục hồi môi trường.

Huyện Hòa Vang quyết tâm đến năm 2020 hoàn thiện tất cả các tiêu chí để được công nhận “Hòa Vang - Huyện môi trường”; tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí môi trường trong giai đoạn 2021 - 2030.

Trong đó, tập trung phòng ngừa, khắc phục có hiệu quả ô nhiễm, suy thoái môi trường, sự cố môi trường; bảo đảm chất lượng môi trường tại các khu dân cư, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, khu khai thác khoáng sản, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở chăn nuôi; 90% rác thải sinh hoạt tại nông thôn được phân loại tại nguồn và thu gom, xử lý triệt để, không để xảy ra điểm nóng ô nhiễm môi trường; khai thác hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm cân bằng sinh thái; bảo tồn đa dạng sinh học rừng, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng để nâng độ che phủ của rừng lên 70%; phát triển diện tích không gian xanh đô thị, phủ xanh toàn bộ đất trống đồi trọc đến năm 2020...

Nguồn: Phòng TN&MT huyện Hòa Vang

THANH TÂN

;
;
.
.
.
.
.