Nhiều hình thức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội

.

Bằng cách tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động, ngày hội, hội thi hay nghe những người trong cuộc chia sẻ, các cấp bộ Đoàn đã góp phần giúp thanh, thiếu niên lánh xa ma túy và các tệ nạn xã hội.

Buổi tuyên truyền lưu động về phòng, chống tội phạm ma túy cho thanh niên tại quận Thanh Khê trở nên sống động hơn sau sự chia sẻ của những người trong cuộc về việc từ bỏ ma túy. Anh N.T.H chia sẻ: “Tôi đã có một thời gian lêu lổng theo bạn bè và nghiện ma túy lúc nào không hay. Phải mất gần 3 năm cai nghiện và được sự giúp đỡ của gia đình, xã hội tôi mới vượt qua”. Anh H. đang làm công nhân cho một công ty đóng trên địa bàn quận và cai nghiện gần 10 năm.

Anh cũng đã có gia đình với 3 đứa con. Anh H. nói: “Về nhà, nhiều lúc bạn bè rủ rê rất khó từ chối nhưng mỗi lần như vậy tôi lấy cớ bận việc gia đình. Hơn nữa, từ khi xin được việc trong công ty, môi trường làm việc liên tục khiến tôi không có nhiều thời gian rảnh nên ít gặp lại bạn bè cũ. Không những thế, tôi quen thêm nhiều bạn mới, sống trong môi trường tốt, không có ma túy và dần quên hẳn nó”.

N.T.V, một thanh niên từng nghiện ma túy khẳng định: “Đã dính vào thứ này khó dứt. Ngoài nỗ lực của bản thân, những người nghiện rất cần gia đình và xã hội động viên; càng lánh xa, kỳ thị, họ càng dấn sâu”. Cả H. và V. đều cho rằng, trong môi trường hiện nay, thanh niên rất dễ rơi vào tệ nạn. Vì vậy, những buổi tuyên truyền lưu động, chuyện trò, chia sẻ phần nào giúp họ hiểu hơn về tác hại cũng như cách tránh xa ma túy.

Tuyên truyền lưu động về phòng, chống tội phạm ma túy cho thanh niên là mô hình mới được Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức nhằm giảm bớt tội phạm ma túy và các tệ nạn xã hội. Thông qua các buổi tuyên truyền, các báo cáo viên giúp thanh niên nhận biết tác hại, hậu quả của ma túy và tệ nạn xã hội; từ đó nâng cao nhận thức về phòng, chống tội phạm ma túy và các tệ nạn xã hội.

Đại úy Lê Minh Cường, Bí thư Chi đoàn Phòng Tham mưu, Công an thành phố, người tham gia nhiều buổi tuyên truyền lưu động cho biết: “Việc tuyên truyền phải được thực hiện nhiều lần và theo phương thức “mưa dầm thấm lâu” chứ không phải làm theo đợt. Tại các buổi tuyên truyền, chúng tôi sắp xếp cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ngồi xen kẽ với các thanh niên từng nghiện ngập để tạo sự gần gũi; bởi chỉ khi mình tin tưởng, thật tâm giúp họ mới đủ nghị lực vượt qua”.

Tại các quận, huyện Đoàn cũng đang triển khai mô hình gặp mặt cà-phê kết hợp giáo dục, cảm hóa thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu. Mô hình này đã tạo được sự gần gũi và mở ra cơ hội chia sẻ; qua đó, các thanh, thiếu niên cũng mạnh dạn đề xuất nguyện vọng được ổn định cuộc sống để các cấp bộ Đoàn xem xét hỗ trợ.

Trong khi đó, nhiều năm qua, Đoàn khối Các cơ quan thành phố duy trì tổ chức Ngày hội tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho thanh niên. Tại các ngày hội này, ĐVTN cùng tham gia thi tìm hiểu kiến thức, thời trang và các trò chơi tập thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn, ĐVTN. Nhiều Đoàn phường cũng thường xuyên tổ chức các hội thi về chủ đề “Nói không với chất cấm”.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng nhấn mạnh: “Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ thanh, thiếu niên sử dụng ma túy là quá trình lâu dài, phức tạp, trong những năm qua, Thành Đoàn cũng như các cấp bộ Đoàn trên toàn thành phố đã nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ các bạn về tinh thần lẫn vật chất. Kết quả là nhiều em đã có việc làm ổn định, được học nghề, biết vươn lên, giúp đỡ gia đình, thay đổi về thái độ, lối sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn”.

ĐAN TÂM

;
;
.
.
.
.
.