Giữ nghiêm kỷ luật Đảng- Cách thức để tạo nên sức mạnh của tổ chức Đảng, sức mạnh của dân tộc ta hiện nay

.


1.Ngày 21-1-2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Với nhận thức cơ bản nhất của một công dân trong xã hội hiện đại, có thể thấy rằng, đối với mọi tổ chức xã hội - những thiết chế bộ máy do con người lập nên với mục đích nhân lên sức mạnh của mình trong việc theo đuổi nhu cầu lợi ích thì “lựa chọn và sàng lọc” là cách thức không thể tránh; đó là một quá trình lịch sử-tự nhiên trong sự tồn tại và phát triển của mọi cấu trúc, nhóm xã hội.

Cũng vì thế, đối với tổ chức đảng - như Đảng Cộng sản Việt Nam, việc làm đó cũng là lẽ tất nhiên. Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng cùng với đó kịp thời sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng là vấn đề có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng. Bởi thế, có thể nhận thấy, từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt, tổ chức thực hiện – hiện thực hoá tính quy luật trên.

Nhờ đó, khách quan có thể nói: Nhìn một cách tổng thể, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng, hơn 89 năm qua Đảng luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn và ngày càng lớn mạnh.

Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, hiện tại năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái...

Trong tình hình đó, Ban Bí thưban hành Chỉ thị số 28-CT/TW là hoàn toàn cần thiết. Điều đáng quan tâm trong thời gian gần đây là khi tổ chức Đảng các cấp tiến hành làm trong sạch tổ chức Đảng, kỷ luật một số cá nhân, tổ chức Đảng vi phạm Điều lệ Đảng, thậm chí vi phạm pháp luật, thì trên một số trang mạng cũng như trong xã hội xuất hiện những thông tin, dư luận thiếu thiện ý, thậm chí có tính công kích, gây chia rẽ giữa Đảng với Dân, tạo nên tâm trạng bất an, bất ổn trong đời sống xã hội.
Nhận diện và góp phần bàn luận vấn đề trên, thiết nghĩ cũng là một phần việc thể hiện lương tâm, trách nhiệm - văn hóa chính trị công dân trong xã hội dân chủ.

2. Ngày nay, cả về lý thuyết cũng như trong thực tế có thể dễ nhận thấy rằng, tính chất, trạng thái hay chất lượng của mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng, rút cục phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản: thể chế và con người - chủ thể nhận thức và hành động. Bất cứ một thực thể cấu trúc xã hội nào cũng được cấu thành bởi những con người cụ thể - những cá thể loài với những đặc điểm riêng về tâm lý, nhu cầu, lợi ích, nhờ đó mà phân biệt họ với các thành viên khác trong nhóm, cộng đồng xác định. Và ngược lại, bất cứ một cá nhân nào, với tư cách là một cá thể riêng biệt cũng là một thành viên của cộng đồng xã hội. Và trong cộng đồng đó, khi có nhu cầu, mỗi cá nhân sẽ tự nguyện tham gia vào một tổ chức nào đó mà họ cảm nhận tổ chức đó có khả năng mang đến lợi ích cho chính mình.

Bởi thế, hoạt động của con người, hoạt động xã hội luôn mang tính hướng đích. Trên cơ sở nhu cầu và sự nhận thức nhu cầu, lợi ích, về cách thức, con đường để thỏa mãn nhu cầu, lợi ích con người sẽ bắt tay hành động. Và chính hoạt động theo đuổi mục đích-nhu cầu của con người là động lực làm nên những biến đổi lịch sử. Vì lẽ trên, nhận thức và hiểu biết các giá trị chuẩn mực mà xã hội đã lựa chọn, tôn vinh là một trong những điều kiện để con người hòa nhập vào cộng đồng, trở thành thành viên của tổ chức, qua đó để vừa khẳng định “cái tôi”, cái “bản ngã”, vừa cùng tổ chức, cộng đồng cải biến xã hội - phát triển.

Chuẩn giá trị xã hội - chuẩn để là con dân của nước Việt mới, từ những năm 60 của thế kỷ trước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát cô đọng nhưng đầy đủ trong 5 Điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Trong đó, “Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” là một nội dung, chuẩn giá trị hợp thành.
Nhắc lại điều này, một lần nữa với những ai ý thức được vai trò là công dân của một nước, thành viên của một tổ chức, cộng đồng xã hội, chí ít phải hiểu và thực hành “Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt”.

Tình đoàn kết được thể hiện trong mối quan hệ giữa bạn bè, anh, chị, em trong gia đình, trong tập thể, trong cơ quan và xa hơn nữa là trong cộng đồng. Tình người, tình bạn là phải tử tế, có lòng tự trọng, phải biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, cùng nhau cố gắng khắc phục khó khăn, cùng nhau tiến bộ trong học tập, công tác.

Còn kỷ luật tốt, đơn giản nhất là thể hiện ở việc chấp hành tốt nội quy, quy định của đơn vị, những quy định chung của tổ chức, cộng cộng. Rộng ra là thực hiện đúng, thực hiện nghiêm minh Hiến pháp và pháp luật. Có lẽ vì thế, Hồ Chí Minh đã từng lưu ý: Học, trước hết để làm việc, làm người,... rồi sau đó - khi xứng đáng là CON NGƯỜI, mới có thể làm cán bộ, đảng viên.

3. Chủ nghĩa xã hội - mục tiêu và lý tưởng mà những người Cộng sản ở Việt Nam theo đuổi là sự tìm kiếm một phương thức, một con đường kiến tạo một mô hình xã hội mới, “trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự tự do của mọi người” . Nói cách khác, chủ nghĩa xã hội sẽ là một chế độ xã hội trong đó hy vọng có thể tạo lập những điều kiện cần thiết để giải quyết hài hòa mối quan hệ: cá nhân - xã hội, từng thành viên - tổ chức.

Trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên một phương diện nhất định là mỗi người đã tự nhận thức và tự giác tham gia vào việc giải quyết tốt, hài hòa nhu cầu, lợi ích cá nhân và nhu cầu, lợi ích xã hội. Bởi đó không chỉ là điều kiện cơ bản cho sự phát triển xã hội, ổn định xã hội mà còn là nhân tố thiết yếu cho sự hoàn thiện bản thân con người cũng tức là có tác dụng ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân trong tiến trình xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Hãy bình tâm nghe lại lời dặn của Bác Hồ trong thời kỳ “cả dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn... Cuộc trường kỳ kháng chiến này tức dân tộc cách mạng đến trình độ tối cao. Trong lúc này tư tưởng và hành động của mỗi một đồng chí rất có quan hệ đến toàn quốc... Vì vậy chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm...: Địa phương chủ nghĩa, ...óc bè phái..., óc quân phiệt, quan liêu..., óc hẹp hòi..., ham chuộng hình thức..., làm việc lối bàn giấy..., vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm..., ích kỷ, hủ hóa...” . 

Trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhờ việc thường xuyên tuyên truyền đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân mà Đảng ta nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung có được sức mạnh tinh thần to lớn. Vào thời kỳ đó, quả đúng là “cả dân tộc ra trận”, đạo đức cách mạng lúc đó là phải khắc phục chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích Tổ quốc cao hơn lợi ích bản thân. Tất cả cho danh dự của dân tộc.

Rất tiếc, gần đây, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhất định, trên thực tế một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thậm chí là cả tổ chức Đảng đã vi phạm quan hệ lợi ích, buông lỏng hay thực hành công tác giáo dục đạo đức mang tính hình thức, thiếu hiệu quả..., vì thế trong Đảng đã xuất hiện những tình huống có vấn đề.  Đó là “mảnh đất hiện thực” cho chủ nghĩa cá nhân có điều kiện trỗi dậy trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng và xã hội nói chung.

Có thể thấy rằng, chất keo kết dính mọi thành viên xã hội, mọi công dân, cái mẫu số chung về lợi ích trong bất cứ giai đoạn nào cũng phải là sự tương đồng về lợi ích, phổ quát là lợi ích quốc gia dân tộc. Vì thế, việc giáo dục và làm cho mọi đảng viên, dù ở bất kỳ địa hạt nào cũng phải nhận thức và hành động theo mục tiêu đó, và từ đó có cơ chế kiểm tra, thẩm định chính xác kết quả việc thực hiện mục tiêu này là thước đo phản ánh trình độ, năng lực và đạo đức của mỗi đảng viên, cán bộ công chức trong hệ thống chính trị ở nước ta.

Tất cả điều đó là “bộ quy tắc ứng xử”, trở thành hệ giá trị định hướng tư tưởng, hành động của mọi đảng viên. Cũng vì lẽ đó, những cá nhân, tổ chức nào trong Đảng có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, vi phạm Điều lệ Đảng- vi phạm những chuẩn giá trị mà chính họ đã tự nguyện “tuyên thệ” khi đứng vào hàng ngũ của Đảng thì các cấp độ có thẩm quyền có trách nhiệm phát hiện, xem xét. Tùy theo mức độ vi phạm của mỗi cá nhân, tổ chức để kịp thời có hình thức xử lý thỏa đáng, kể cả khai trừ ra khỏi tổ chức Đảng những người không còn xứng đáng. Đương nhiên, tất cả những việc làm đó của tổ chức Đảng cần thiết công khai, minh bạch trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó là biểu hiện của sự cầu thị - dũng cảm thấy sai lầm, kiên quyết sửa chữa sai lầm của Đảng trước Dân; cũng là giải pháp hợp lý, hợp lẽ nhìn từ mọi phía.

PGS.TS Hồ Tấn Sáng

 

;
;
.
.
.
.
.