Sau khi đăng loạt bài “Phân loại rác thải tại nguồn: Yêu cầu bức thiết” (ngày 7, 8 và 9-3-2019), Báo Đà Nẵng ghi nhận nhiều ý kiến của đại diện tổ chức chính trị, xã hội, địa phương, ngành liên quan… bày tỏ quyết tâm thực hiện có hiệu quả việc phân loại rác thải tại nguồn từ năm 2019.
Tại bãi rác Khánh Sơn, trong rác sinh hoạt vẫn còn nhiều rác tài nguyên. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
* Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê: Nhân rộng phân loại rác tại nguồn trên toàn quận
Trong năm 2018, thực hiện chủ trương của UBND thành phố về việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn, quận đã triển khai thí điểm phân loại rác tài nguyên (giấy, nhựa, kim loại) tại 2 phường Thạc Gián và Tam Thuận. Đồng thời, từ tháng 6-2018, UBND quận phối hợp Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) triển khai chương trình nâng cao nhận thức và thực hiện các mô hình giảm thiểu, thu gom, phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt tại phường Xuân Hà; đến tháng 11-2018 đã nhân rộng ra 3 phường Thanh Khê Đông, Vĩnh Trung và Tân Chính. Ngoài ra, cuối năm 2018, UBND quận Thanh Khê chọn 2 phường Thanh Khê Tây và Hòa Khê tham gia dự án Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại rác và tái chế do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
Năm 2019, quận Thanh Khê triển khai nhân rộng việc thực hiện phân loại rác tài nguyên (giấy, nhựa, kim loại) trên cả 10 phường. Bước đầu, phải làm tốt việc phân loại rác tài nguyên, sau này khi thành phố đầu tư và đưa vào vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn mới tiến hành thêm các loại rác khác. Quận Thanh Khê đã chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai, thực hiện tốt phân loại rác thải tại nguồn, không “đánh trống bỏ dùi”, không dừng lại giữa chừng khi gặp khó khăn…
* Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố: Phụ nữ đóng vai trò rất lớn
Xác định bảo vệ môi trường là mục tiêu xuyên suốt chương trình hoạt động của năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố đã chọn chủ đề năm công tác là “Chống rác thải nhựa” để triển khai trong các cấp Hội. Việc chống rác thải nhựa phải bắt đầu từ việc phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa khó phân hủy, đặc biệt là phải “nói không” với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Hội LHPN thành phố cũng đã phát động phong trào sử dụng phích hoặc bình đựng nước bằng thủy tinh, inox thay thế các chai nhựa tại các cuộc họp, buổi tiếp khách hay các chuyến du lịch, kỳ nghỉ và đang được các chị em hội viên hưởng ứng. Ngoài ra, Hội cũng đang có các giải pháp vận động nữ doanh nghiệp, nữ tiểu thương giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mua bán hằng ngày.
Trong việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn, phụ nữ đóng vai trò rất lớn và chủ công. Bởi từ trong gia đình, phụ nữ thường xuyên tham gia nội trợ nên việc phân loại rác thải ngay tại gia đình xuất phát nhiều từ phụ nữ. Nhiều cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn thành phố cũng đang triển khai việc phân loại rác thải tại nguồn bằng cách tách rác tài nguyên, rác có thể tái sử dụng để gây quỹ. Hoạt động này không những giúp duy trì các tổ chức Hội mà còn góp phần hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, nhiều trẻ em khó khăn và nhân lên ý thức bảo vệ môi trường.
*Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng: Thanh niên xung kích chống rác thải nhựa
Trong tháng 3 - Tháng Thanh niên, Thành Đoàn Đà Nẵng lấy chủ đề “Tháng thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, trong đó, nhấn mạnh việc kêu gọi các cấp bộ Đoàn và toàn thể đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia bảo vệ môi trường, phân tách rác tái chế và tái sử dụng, chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon và bảo vệ nguồn nước.
Thành Đoàn Đà Nẵng cũng kêu gọi các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình phân tách rác tái chế và tái sử dụng, chống rác thải nhựa; tiếp tục phát động ĐVTN tham gia các ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp để làm sạch môi trường, thu gom rác thải tại các khu đất trống. Các cấp bộ Đoàn cũng đồng loạt đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa và nilon nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần để cùng thành phố thực hiện thành công việc phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa.
* Ông Đinh Quang Trưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê): Đã chuẩn bị 1.400 thùng đựng rác tài nguyên
Phường Thanh Khê Tây đã thành lập 17 nhóm vận động và tổ chức thực hiện phân loại rác tài nguyên với sự góp mặt của 100% bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ khu dân cư, tổ trưởng tổ dân phố. Sau 3 tháng tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân về việc phân loại rác tài nguyên đã được nâng cao, nhất là phụ nữ. Hiện nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành và đang tiến đến triển khai thực hiện phân loại rác tài nguyên tại khu dân cư. Bên cạnh đó, phường cũng đã chuẩn bị 1.400 thùng đựng sơn đã sử dụng để phát về cho các hộ dân làm thùng đựng rác tài nguyên sau phân loại.
Tất cả các tổ dân phố trên địa bàn phường thực hiện phân loại rác tài nguyên trong năm 2019. Mỗi tuần một lần, người dân đưa thùng đựng rác tài nguyên ra trước nhà hoặc tập kết về một nơi để chi hội phụ nữ khu dân cư và tổ dân phố thu gom, bán rác tài nguyên để phục vụ công tác an sinh xã hội ở khu dân cư.
* Ông Đinh Phạm Công Anh Tuân, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ: Cần đặt thùng chứa rác tài nguyên sau phân loại trên đường phố
Trước đây, quận Cẩm Lệ từng triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn ở khu dân cư số 3, phường Khuê Trung. Tiếp đó, các hội, đoàn thể trên địa bàn quận đã triển khai phân loại rác tài nguyên và tái chế để có quỹ hỗ trợ cho các hội viên và phục vụ sinh hoạt của hội, đoàn thể đó. Quận cũng đã phát các dụng cụ và thực hiện công tác tuyên truyền đến từng khu dân cư về phân loại rác thải vô cơ, hữu cơ tại nguồn.
Hiện nay, người dân trên địa bàn quận rất mong muốn thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tách rác tài nguyên. Tuy nhiên, để thực hiện thành công việc phân loại rác thải trên địa bàn quận, đề nghị thành phố phải gắn trách nhiệm của các đơn vị thu gom và vận chuyển rác tài nguyên sau phân loại. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn và bố trí thùng, nơi chứa rác sau phân loại ở đường phố. Sở Tài nguyên và Môi trường cần ra một bộ quy tắc chung về đấu thầu thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó có việc thu gom rác tài nguyên, tái chế đã phân loại để các quận, huyện làm việc với các đơn vị trúng thầu thu gom.
Một bức xúc ở các quận, huyện hiện nay là rác thải xây dựng và rác thải có kích thước lớn đang bị đổ trái phép ở nhiều điểm, cần phải có biện pháp giải quyết tình trạng này. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, người dân phải trả tiền để xử lý những loại rác thải nói trên chứ không phải Nhà nước bao cấp. Do đó, cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để người dân trả tiền xử lý các loại rác xây dựng và rác cồng kềnh. Quận Cẩm Lệ đề nghị thành phố bố trí một quỹ đất trống để người dân tập kết rác thải xây dựng, rác cồng kềnh. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường phải có cơ chế cho phép đơn vị quản lý vận hành điểm tập kết này, thu tiền của người dân.
* Ông Lê Duy Hòa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Liên Chiểu: Cần có mô hình phù hợp từng phường để áp dụng
Trên địa bàn quận Liên Chiểu tập trung nhiều công nhân và sinh viên ngoại tỉnh tạm trú. Việc phân loại rác thải tại nguồn đối với quận Liên Chiểu rất khó khăn nên cần tính toán và triển khai từng bước, cụ thể, chặt chẽ. Vì thế, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch và hệ thống hóa thành các mô hình để giúp quận bắt tay vào làm ngay được, đặc biệt là tham khảo ý kiến của từng phường để xây dựng các mô hình thực hiện phù hợp với các địa bàn dân cư sao cho thực hiện có hiệu quả chứ không áp dụng một mô hình cho toàn quận. Quan trọng nhất là công tác thu gom và vận chuyển, cần phải tìm được đơn vị thu gom phù hợp và gắn trách nhiệm. Hơn nữa, quận Liên Chiểu cũng là địa bàn nóng về rác thải xây dựng, vì thế, đề nghị khi cấp phép cho một cá nhân, đơn vị xây dựng, sửa chữa nhà, công trình, phải ký hợp đồng với một đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải xây dựng.
HOÀNG HIỆP - THANH TÌNH (ghi)