Phân loại rác thải tại nguồn: Yêu cầu bức thiết - Bài 1: Từng bước tách rác tài nguyên

.

Hơn 10 năm qua, Đà Nẵng đã triển khai phân loại rác thải tại nguồn và đẩy mạnh tái chế chất thải rắn; tuy vậy, tỷ lệ tái chế chất thải rắn hiện mới đạt 10% so với mục tiêu đề ra là 50-70%. Trong bối cảnh bãi rác Khánh Sơn sẽ đầy vào năm 2020 và thành phố đang có chủ trương chọn công nghệ đốt rác có phát điện để xử lý chất thải rắn không nguy hại, việc triển khai nhân rộng phân loại rác thải tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố là yêu cầu bức thiết.

Trong 2 năm gần đây, việc phân loại rác thải tại nguồn đã được thực hiện tại 3 quận Hải Châu, Sơn Trà và Thanh Khê. Đặc biệt, quận Hải Châu và Sơn Trà đã nhân rộng mô hình phân loại rác tài nguyên tại các phường.

Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ ở các địa phương đã thực hiện phân loại rác thải tại nhà và góp rác tài nguyên để thực hiện an sinh xã hội. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ ở các địa phương đã thực hiện phân loại rác thải tại nhà và góp rác tài nguyên để thực hiện an sinh xã hội.

Phân loại rác thải tại nguồn không là cách làm mới ở Đà Nẵng. Từ cách đây hơn 15 năm, trên địa bàn thành phố đã có dự án thí điểm phân loại rác thải tại nguồn trong khu dân cư (KDC) ở phường Nam Dương (quận Hải Châu). Tuy nhiên, do khâu giải quyết đầu ra của rác tài nguyên sau phân loại không được thực hiện tốt nên dự án thí điểm này phải dừng lại. Sau đó, một số hội, đoàn thể và địa phương tiến hành phân loại rác thải tại nguồn với công việc chính là tách rác tài nguyên để đem bán lấy kinh phí thực hiện công tác an sinh xã hội.

Đặc biệt, từ năm 2008, khi ban hành đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, UBND thành phố đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2011-2015 tiến hành phân loại chất thải tại nguồn, hình thành và phát triển công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng, với mục tiêu 50% chất thải thu gom được tái chế. Mục tiêu của việc phân loại rác thải tại nguồn trong đề án nói trên được điều chỉnh trong giai đoạn 2016-2020 là 70% chất thải rắn được tái chế. Mặc dù vậy, đến năm 2017, tỷ lệ tái chế chất thải rắn chỉ mới đạt dưới 10%.

Được sự giúp đỡ của thành phố Yokohama (Nhật Bản) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tháng 8-2017, UBND thành phố phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn ở 2 phường Thuận Phước và Thạch Thang (quận Hải Châu) giai đoạn 2017-2018 và bắt đầu thực hiện từ tháng 11-2017.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường, UBND quận Hải Châu và 2 phường Thạch Thang, Thuận Phước đã được sang tìm hiểu, học tập việc phân loại rác thải ở Yokohama - thành phố có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Các cán bộ, chuyên gia của thành phố Yokohama cũng đến các KDC của 2 phường nói trên tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phân loại rác tại nguồn.

Ông Nguyễn Đức Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Thang cho biết: “Người Nhật có nhiều năm kinh nghiệm phân loại rác thải và phân tách thành nhiều loại. Nhiều doanh nghiệp tư nhân nước bạn đầu tư các khâu trung gian của dòng rác, còn chúng ta chỉ mới bắt đầu. Phường Thạch Thang cùng với các chuyên gia Nhật Bản tuyên truyền thực hiện phân loại rác tài nguyên gồm 3 loại rác thải vô cơ là: nhựa (chai nước, hộp nhựa…), kim loại (lon sữa, lon bia…) và giấy (báo, thùng carton…) tại mỗi hộ gia đình. Định kỳ, người dân tập kết rác tài nguyên hoặc bán cho các cơ sở thu mua phế liệu và ghi lại khối lượng của các loại rác thải vô cơ để tính khối lượng rác thải được giảm thiểu, tái chế, tái sinh và tái sử dụng (gọi tắt là 3R), không phải đem chôn lấp ở bãi rác Khánh Sơn”.

Sau hơn 1 năm, đã có 29/31 KDC trên địa bàn phường Thạch Thang thực hiện phân loại, thu gom hơn 20 tấn rác tài nguyên với tổng số tiền thu được từ việc phân loại này là 88,3 triệu đồng. Tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu), hiện có 37/37 KDC với hơn 80% hộ gia đình thực hiện phân loại rác tài nguyên tại nhà đúng quy trình thu gom. Tổng số tiền thu được từ thu gom, bán rác tài nguyên của phường Thuận Phước lên đến 191,3 triệu đồng.

Bà Lê Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho hay: “Định kỳ thứ bảy hoặc chủ nhật hằng tuần, rác tài nguyên được người dân ở các KDC và các khu vực Nhà thờ Thanh Đức, Ngọc Quang tiến hành thu gom rồi bán ngay sau đó để không gây ô nhiễm môi trường, số tiền thu được lập quỹ phục vụ an sinh xã hội. Phường cũng tổ chức các ngày hội thu, đổi rác tài nguyên với sự tham gia của đông đảo người dân, giáo viên và học sinh, cán bộ và nhân viên. Rác được tận dụng để tái chế, tái sử dụng thành những sản phẩm hữu ích trong đời sống hằng ngày”.

Chi cục Bảo vệ môi trường cũng đầu tư kinh phí triển khai Đề án 3R tại hộ gia đình ở 2 phường Hòa Cường Bắc và Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu). Tại phường Hòa Cường Bắc đã hình thành 57 cơ sở thu gom rác tài nguyên và có 5.880 hộ thực hiện phân loại rác tài nguyên với tổng số tiền thu được 107,2 triệu đồng. Phường Hòa Thuận Tây xây dựng lộ trình thu gom cho 8 điểm thu, đổi rác tài nguyên và triển khai phân loại rác tại 52/52 tổ dân phố với tổng số tiền thu được 111,8 triệu đồng.

Cuối tháng 3-2018, trên cơ sở thành công bước đầu của việc phân loại rác thải tại 4 phường nói trên, UBND quận Hải Châu quyết định nhân rộng mô hình này trên địa bàn 9 phường còn lại với mục đích ban đầu là hình thành thói quen phân loại rác tại mỗi hộ gia đình và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

“Qua hơn 1 năm thực hiện, số tiền thu được từ hoạt động phân loại rác tài nguyên của 13 phường là 1,182 tỷ đồng. Năm 2019, quận triển khai kế hoạch phân loại rác tại nguồn trên cơ sở khắc phục các tồn tại của năm 2018 ở cả 13 phường”, ông Nguyễn Minh Huy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho hay.  

Chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn người dân quận Hải Châu cách phân loại rác tài nguyên.
Chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn người dân quận Hải Châu cách phân loại rác tài nguyên.

Tại quận Sơn Trà, trong khuôn khổ dự án “Đại dương không nhựa - Chương trình thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn vì cộng đồng khỏe và thành phố xanh” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) hỗ trợ, từ giữa năm 2018, UBND quận Sơn Trà tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động phân loại rác thải tại nguồn ở 4 KDC. Đến tháng 9-2018, quận Sơn Trà tiếp tục nhân rộng mô hình này đến 70 KDC ở cả 7 phường với khoảng 14.000 hộ tham gia.

Ngày 19-12-2018, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 204/NQ-HĐND về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố với mục tiêu đến năm 2025 có 95% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025. Tất cả các phường, xã trên địa bàn thành phố tổ chức phân loại rác tại hộ gia đình và bảo đảm 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn…

Sở Tài nguyên và Môi trường đang trình UBND thành phố thống nhất ban hành kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Sở này cũng đang triển khai các công tác chuẩn bị để phát động phân loại rác tại nguồn trên toàn thành phố trong quý 2-2019.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP
 

 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.