Phân loại rác thải tại nguồn: Yêu cầu bức thiết - Bài 2: Gỡ khó đầu ra

.

Dự kiến, từ giữa năm 2019, Đà Nẵng thực hiện phân loại rác tại nguồn quy mô lớn. Để kế hoạch này đạt hiệu quả và tạo được niềm tin đối với nhân dân, cần sớm gỡ khó về hạ tầng và việc thu gom, xử lý.

Việc phân loại rác thải, nhất là rác thải nhựa và nilon tại nhà rồi đưa đến các điểm tập kết được các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận Hải Châu hưởng ứng nhiệt tình.
Việc phân loại rác thải, nhất là rác thải nhựa và nilon tại nhà rồi đưa đến các điểm tập kết được các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận Hải Châu hưởng ứng nhiệt tình.

Từ việc triển khai phân loại rác tại nguồn trong thời gian qua tại 2 quận Sơn Trà, Hải Châu và một số khu vực dân cư của quận Thanh Khê cho thấy, người dân luôn đồng thuận và sẵn sàng tham gia. Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu cho biết, trước đây, người dân đã được tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn và phân tách một số loại rác tài nguyên nên khi nghe hướng dẫn trở lại hoặc tiếp theo, người dân sẵn lòng thực hiện.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) - đơn vị đang hỗ trợ 2 quận Sơn Trà và Thanh Khê triển khai phân loại rác tại nguồn cho hay, muốn triển khai phân loại rác ở cộng đồng dân cư phải bắt đầu từ tuyên truyền và trong thực tế công tác tuyên truyền không hề khó. Người dân rất có nhận thức và mong muốn phân loại rác nhưng thiếu thông tin cụ thể. Trong khi đó, các đơn vị chức năng thiếu giải pháp kỹ thuật và giải pháp quản lý.

“Khi thiếu những vấn đề nói trên sẽ gây mất niềm tin đối với người dân. Thành phố đã triển khai phân loại rác từ lâu lắm rồi nhưng người dân cứ phân loại rác xong thì bị… trộn chung một chỗ. Người dân rất nhiệt tình thực hiện phân loại rác nên các cơ quan chức năng cần có giải pháp hợp lý để thực hiện. Trước khi phát động phân loại rác đồng loạt trên địa bàn thành phố cần phải có những nghiên cứu để đưa ra số liệu cụ thể về rác và có công cụ, giải pháp kỹ thuật cụ thể, khả thi, hiệu quả”, bà Nguyễn Ngọc Lý nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Quách Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng) cho rằng, việc triển khai nhân rộng phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố ngay từ giữa năm 2019 quá khó và chỉ nên làm trước ở các địa phương đã có cơ sở hạ tầng, nhất là địa điểm tập kết, trung chuyển rác tài nguyên. “Các khu dân cư (KDC) đang gặp khó khăn về điểm tập kết rác, vì thế sự chuẩn bị về hạ tầng hết sức cần thiết. Trước mắt, nếu chưa chuẩn bị được hạ tầng cho từng phường và cụm dân cư, nên tập trung làm ở các cơ quan, tổ chức, nhất là trường học”, bà Xuân đề xuất.

Tuy nhiên, các KDC đã có những vận dụng sáng tạo về hạ tầng, nhất là địa điểm tập kết rác tài nguyên như: sân nhà của chi hội trưởng phụ nữ, góc vỉa hè, góc cầu thang chung cư…

Bà Trần Thị Cẩm Nhiên, Phó Trưởng phòng TN&MT quận Hải Châu cho biết: “Phần lớn các KDC trên địa bàn quận Hải Châu đang tận dụng điểm tập kết rác tài nguyên tại nhà chi hội trưởng phụ nữ chứ không sử dụng những vị trí đã dự kiến trước đó như: nhà sinh hoạt cộng đồng, khu đất trống… Mạng lưới thu gom rác tài nguyên đang tạm thời do cán bộ hội, đoàn thể ở KDC đảm trách. Về lâu dài, đối tượng thực hiện thu gom sẽ được điều chỉnh dần để ổn định và bền vững”.

Về “đầu ra” của rác tài nguyên tại các quận Sơn Trà, Hải Châu và Thanh Khê, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng chưa tham gia thu mua, vận chuyển đi tiêu thụ hoặc vận chuyển về nơi tập kết tạm để tìm đơn vị tiêu thụ. Tại địa bàn các quận trên, chủ yếu rác tài nguyên sau phân loại được các hộ gia đình ủng hộ cho chi hội phụ nữ làm quỹ phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, nhiều hộ đem bán cho cơ sở thu mua phế liệu hoặc cho nhân viên thu gom rác sinh hoạt.

Bà Trần Thị Cẩm Nhiên giải thích thêm: “Thời gian qua, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng không tham gia vì các lý do: không có nhân lực, không có phương tiện, không có vị trí tập kết, thời gian thu gom không phù hợp với thời gian công nhân thu gom rác thải sinh hoạt… Vì thế, quận Hải Châu đã để các đơn vị kinh doanh, mua bán phế liệu vào cuộc. Hiện nay, nếu có sự tham gia của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thì sẽ tổ chức đấu thầu thu mua, vận chuyển, xử lý rác tài nguyên”.

Còn ông Nguyễn Minh Huy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu thông tin: “Hiện đã có hơn 80% KDC trên địa bàn quận tham gia hệ thống phân loại rác tài nguyên và hình thành mạng lưới thu gom rác tài nguyên trên nền tảng hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp”.

Để việc phân loại rác thải trên toàn thành phố diễn ra thành công, rõ ràng, khâu “đầu ra” cho rác tài nguyên cần được nghiên cứu và giải quyết thấu đáo, bền vững, ổn định.

Bà Nguyễn Ngọc Lý đề xuất việc lập chuỗi giá trị rác vì trong chuỗi giá trị rác đang thực hiện ở quận Thanh Khê và Sơn Trà cũng không có sự tham gia của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng.Với tình hình rác ngày càng phát sinh nhiều và yêu cầu cấp bách là phải thực hiện phân loại rác thải, nếu không có công ty này tham gia thì phải có con người, đơn vị khác tham gia.

“Những doanh nghiệp tư nhân thu gom rác tài nguyên sau phân loại của Nhật Bản hiện nay chính là những người nhặt rác, thu gom phế liệu trước đây. Sau 30 năm, họ trở thành những doanh nghiệp lớn. Vì thế, cần phải có sự hỗ trợ cho các đối tượng thu gom rác sau phân loại. Cụ thể, đối với rác là thức ăn thừa thì cần hỗ trợ cho những doanh nghiệp, hộ chăn nuôi để họ thu gom về nuôi lợn. Đối với rác phế phẩm rau, vỏ trái cây thì hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thu gom làm các loại làm phân hữu cơ… Những doanh nghiệp này sẽ giúp thành phố tiết kiệm tiền vận chuyển, nhân công và có hiệu quả về mặt môi trường. Như vậy, phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp trong lĩnh vực thu gom rác tài nguyên, rác tái chế, tái sử dụng hoặc sử dụng kinh phí đã bố trí cho công tác phân loại rác hỗ trợ cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp này giúp lại thành phố thu gom, tiêu thụ, xử lý rác tài nguyên”, bà Nguyễn Ngọc Lý nói.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.