Cấp bách xây dựng hạ tầng giao thông, thoát nước ven biển phía đông

Bài cuối: Thoát nước mưa về sông Hàn, giám sát xả nước thải

.

Khu vực ven biển phía đông quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn có tốc độ phát triển du lịch nhanh và tập trung nhiều khách sạn, công trình cao tầng ở những trục đường chính. Để bảo đảm môi trường du lịch biển, cần sớm đưa nước mưa thoát về sông Hàn và thu gom hoàn toàn nước thải, không để chảy ra bãi biển như hiện nay; đồng thời, tăng cường công tác quản lý xả thải vì hiện còn nhiều cơ sở khách sạn, nhà hàng vi phạm đấu nối, xử lý nước thải.

Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời phát hiện tình trạng xả nước ngầm trong quá trình thi công hố móng, tránh để xảy ra sự cố nước thải tràn ra bãi biển.
Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời phát hiện tình trạng xả nước ngầm trong quá trình thi công hố móng, tránh để xảy ra sự cố nước thải tràn ra bãi biển.

1 năm, 200 sự cố tràn nước thải ra biển

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Tùng Lâm, hầu hết hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực ven biển phía đông quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn được đầu tư từ năm 2007 đến năm 2015. Hệ thống đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nguyên lý ban đầu đề ra đối với hệ thống thoát nước nửa riêng (chỉ thu gom nước thải vào mùa khô, khi xảy ra mưa thì chấp nhận trường hợp cho chảy ra biển). Công suất thiết kế các trạm xử lý nước thải cũng tính toán trên cơ sở này.

Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, với tốc độ phát triển dịch vụ du lịch rất cao trong khu vực, hệ thống thu gom nước thải đã nhiều lần xảy ra sự cố về môi trường và bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập về khả năng đáp ứng cho khu vực nhạy cảm, có yêu cầu cao về tiện nghi sử dụng, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Trong khi đó, tốc độ đầu tư xây dựng, năng lực vận hành, bảo trì, nâng cấp, cải tạo các hạng mục của hệ thống xử lý nước thải chưa theo kịp và cũng chưa hoàn thành đáp ứng yêu cầu thực tiễn.         

Qua thống kê, từ tháng 4-2018 đến nay, do hệ thống thu gom và xử lý nước thải không đáp ứng được tốc độ phát triển của du lịch, dịch vụ tại khu vực ven biển phía đông 2 quận nên đã có khoảng 200 sự cố tràn nước thải ra biển, thường vào giờ cao điểm sử dụng nước (từ 18 giờ đến 22 giờ hằng ngày) tại cống xả Mỹ An, Furama và các cống xả cuối đường Thành Vinh, cuối tuyến cống Thọ Quang - Biển Đông… Trong đó, ở lưu vực phía đông quận Sơn Trà, dù các trạm bơm chính đủ khả năng thu gom nước thải phát sinh cho toàn bộ lưu vực, nhưng nếu phát sinh nước ngầm thì sẽ bị quá tải.

Còn ở lưu vực phía đông quận Ngũ Hành Sơn, hệ thống thu gom nước thải đang bị quá tải khoảng 3.600m3/ngày; riêng khu vực phía nam đường Hồ Xuân Hương chưa có hệ thống thu gom nước thải nên thường xuyên có nước thải chảy ra biển.

Dự báo đến năm 2020, trữ lượng nước thải phát sinh tại lưu vực phía đông quận Sơn Trà là 15.900m3/ngày và quận Ngũ Hành Sơn là 26.500m3/ngày. So với năng lực của hệ thống thu gom nước thải hiện nay, còn thiếu khoảng 10.750m3/ngày và trạm xử lý nước thải còn thiếu 10.300m3/ngày…

Vì thế, Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thu gom và xử lý nước thải quy mô lớn nhằm xử lý triệt để tình trạng nước thải tràn ra biển, gây ô nhiễm môi trường.

Theo kế hoạch, dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà được hoàn thành vào năm 2020 có khả năng thu gom nước thải được  khoảng 30.000m3/ngày. Hệ thống thu gom nước thải (tách và thu gom nước thải riêng) lưu vực Mỹ Khê - Mỹ An đang triển khai thi công, dự kiến đưa vào vận hành vào tháng 4-2020 với khả năng thu gom đến 30.000m3/ngày.

Hiện nay, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và chuyển tải nước mưa về sông Hàn. Bên cạnh đó, đơn vị triển khai công tác chuẩn bị đầu tư công trình nâng cấp, cải tạo trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn có công suất xử lý nước thải 30.000m3/ngày…

Sở Xây dựng cũng đề nghị chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ về khơi thông, nạo vét thường xuyên hệ thống cống rãnh, thoát nước hiện có; tăng cường quản lý xả thải của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các công trình xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp xả nước thải, nước ngầm không đúng hồ sơ bảo vệ môi trường đã phê duyệt; kịp thời phát hiện tình trạng xả nước ngầm trong quá trình thi công hố móng…

Tăng cường quản lý xả thải

Trong tháng 3-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương thuộc hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn tiến hành kiểm tra chuyên đề tình hình thực thi pháp luật về đấu nối, thoát nước và xử lý nước của các cơ sở, hộ kinh doanh khu vực hai quận.

Theo đó, trong 61 cơ sở có quy mô lớn do thành phố phê duyệt, xác nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kế hoạch bảo vệ môi trường (57 cơ sở đã đi vào hoạt động toàn bộ, 3 cơ sở đang thi công, 1 cơ sở đã hoạt động giai đoạn 1), có 5 cơ sở đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải không đúng ĐTM đã được phê duyệt; 2 cơ sở đã đi vào hoạt động, nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải; 2 cơ sở có phát sinh hạng mục giặt ủi so với hồ sơ bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; 4 cơ sở tăng tổng cộng 70 phòng lưu trú so với ĐTM đã được phê duyệt; 3 cơ sở chưa có giấy phép đấu nối nước thải… Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường đã tiến hành lấy mẫu nước thải sau xử lý của 6 cơ sở và kết quả phân tích cho thấy có đến 4/6 mẫu nước có chất lượng nước thải không đạt theo cam kết.

Qua kiểm tra 34 cơ sở khách sạn, nhà hàng ven biển có quy mô nhỏ hơn trên địa bàn phường Mỹ An và Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), có 16 cơ sở không có giấy phép hoặc văn bản thỏa thuận đấu nối thoát nước; 16 cơ sở không có lắp đặt bể tách mỡ tại khu vực nhà bếp; 16 cơ sở không có giấy phép thoát nước mưa...

Kiểm tra 58 khách sạn, nhà hàng có quy mô nhỏ hơn trên địa bàn quận Sơn Trà, có đến 23/58 cơ sở chưa có hồ sơ bảo vệ môi trường, 11 cơ sở thực hiện không đúng cam kết theo hồ sơ bảo vệ môi trường; 9 khách sạn và 7 nhà hàng không có giấy phép xây dựng; 34 cơ sở không có giấy phép đấu nối nước thải (phần lớn nhà hàng có giấy phép xây dựng là nhà ở, biệt thự); 10 cơ sở có khai thác nước dưới đất nhưng không đăng ký…

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đối với các tồn tại, vi phạm của các cơ sở đã xác định, sở đang xem xét xử lý vi phạm hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm và yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục các tồn tại.

Trong thời gian tới, sở sẽ tổ chức hướng dẫn thực hiện các quy định về vận hành hệ thống xử lý nước thải, thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường và yêu cầu các chủ cơ sở bố trí cán bộ kỹ thuật có chuyên môn vận hành hệ thống xử lý nước thải đối với hệ thống công suất lớn hơn 30m3/ngày; khuyến khích xử lý nước thải đạt yêu cầu và tái sử dụng lại với mục đích phù hợp.

Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND thành phố giao Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải hướng dẫn về thủ tục đấu nối nước thải, đấu nối tạm thời cho các dự án đang thi công trên tuyến đường từ 10,5m trở lên; tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình các đơn vị triển khai xây dựng đấu nối vào hệ thống.

Đối với các dự án đang xây dựng, đề nghị có biện pháp giám sát chặt chẽ sau khi cho phép đấu nối tạm, lưu ý điều tiết xả thải phù hợp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận hướng dẫn về thủ tục đấu nối nước thải, đấu nối tạm thời cho các dự án đang thi công trên tuyến đường nhỏ hơn 10,5m; hướng dẫn đăng ký thủ tục cấp phép khai thác nước ngầm thuộc thẩm quyền; rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp thay đổi quy mô công trình so với hồ sơ bảo vệ môi trường...

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.