Chiều 24-4, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì họp UBND thành phố thường kỳ xem xét 6 tờ trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chính sách trình HĐND thành phố thông qua. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cùng các Phó Chủ tịch: Hồ Kỳ Minh, Lê Trung Chinh.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp thường kỳ thông qua các tờ trình và chủ trương, chính sách. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thành phố, ngay từ năm 2012, UBND thành phố đã ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ.
Đây được xem là chính sách đặc thù, tạo động lực cho ngư dân thành phố đầu tư tàu có công suất từ 400CV trở lên vươn khơi khai thác ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển xa. Đến nay, thành phố đã hỗ trợ 110 tỷ đồng cho ngư dân đóng mới 141 tàu cá.
Cùng với đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá, các mô hình khuyến ngư đã từng bước đi vào chiều sâu, chú trọng đến công tác cơ giới hóa hoạt động khai thác, ứng dụng công nghệ, trang thiết bị hiện đại trong khai thác.
Từ thực tế các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ và thành phố, Sở NN-PTNT thành phố xây dựng và đề xuất UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về “Quy định chính sách hỗ trợ phát triển xa bờ trên địa bàn thành phố trong giai đoạn từ năm 2019-2025”.
Theo đó, thành phố sử dụng ngân sách hỗ trợ 40% bảo hiểm thân tàu cho các chủ tàu có hộ khẩu tại thành phố và nằm trong các tổ, đội đoàn kết khai thác xa bờ; hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư, lắp đặt giám sát hành trình cho các tàu có chiều dài từ 15m trở lên; hỗ trợ thiết bị bảo quản hải sản và máy, thiết bị dùng trong khai thác hải sản. Tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2019-2025 là khoảng 165 tỷ đồng.
Cũng theo Sở NN-PTNT thành phố, tiềm năng phát triển rừng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn thành phố rất lớn. Số liệu kiểm kê mới nhất cho thấy, hiện có 12.332ha rừng trồng chủ yếu là trồng gỗ nhỏ cung cấp nguyên liệu giấy và ván nhân tạo, sản lượng khai thác đạt 53.000m3 gỗ tròn. Người dân thường trồng rừng keo từ 3-5 năm và bạch đàn từ 4-7 năm rồi khai thác toàn bộ sau đó trồng lại.
Phương pháp này có ưu điểm là nhanh quay vòng vốn, nhưng chi phí nhân công lớn, nguy cơ sâu bệnh hại cao và gây suy thoái đất nghiêm trọng. Việc trồng rừng có thời gian dài hơn để thành gỗ lớn có nhiều ưu điểm về giá trị, hiệu quả kinh tế cũng như giảm xói mòn, giữ nước và tăng độ che phủ rừng.
Từ thực tế đó, Sở NN-PTNT thành phố phối hợp với các sở, ngành xây dựng chính sách hỗ trợ trồng mới, trồng lại rừng nguyên liệu gỗ lớn 4 triệu đồng/ha cho các chủ rừng, tương đương với chi phí đầu tư giai đoạn đầu (cây giống, chăm sóc) trong 3 năm đầu tiên.
Các ủy viên UBND thành phố đã thống nhất thông qua nội dung dự thảo 2 chính sách này và chủ trương cho phép Sở Du lịch, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tiếp tục đấu giá cho thuê khai thác các bãi tắm công cộng ven biển theo phương thức đấu giá, để trình HĐND thành phố thông qua trong kỳ họp gần nhất.
Các ủy viên UBND thành phố cũng thông qua tờ trình về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khu Nhà nước thu hồi đất; tờ trình về phân cấp thẩm quyền cho phép miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công cách mạng trên địa bàn thành phố; tờ trình về quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng: “Trong những năm qua, thành phố đã có nhiều hỗ trợ phát triển thủy sản với mục tiêu không chỉ phát triển kinh tế mà còn góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là chính sách tiên phong và đặc thù của thành phố Đà Nẵng; thể hiện sự đóng góp của thành phố vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và nâng cao đời sống của ngư dân”.
Đối với chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn và hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, chính sách này còn vì mục tiêu lớn hơn của thành phố, đó là xây dựng thành phố môi trường, nâng cao độ che phủ của rừng và tăng cao sự đa dạng sinh học. Rừng rất quan trọng đối với đô thị Đà Nẵng, thời gian kéo dài độ che phủ của rừng càng làm cho thành phố xanh và đẹp hơn.
Nghiên cứu di dời Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật vào Làng Đại học Đà Nẵng Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ giao các sở, ngành, đặc biệt là Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ theo nhu cầu công việc, xét thấy cần thiết thì mời Đại học Đà Nẵng tham gia với vai trò nghiên cứu, phản biện, tư vấn vì Đại học Đà Nẵng đang có những chuyên gia đầu ngành, có tổ chức hợp tác quốc tế... Trước mắt, mời Đại học Đà Nẵng tham gia nghiên cứu, phản biện điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, thiết kế chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch UBND thành phố giao Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì, chỉ đạo các sở, ngành liên kết, phối hợp với Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên. Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động làm việc với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) nhằm giúp đỡ nghiên cứu, xúc tiến di dời, bố trí đất và nghiên cứu phương thức hỗ trợ đầu tư xây dựng lại trường này tại Làng Đại học Đà Nẵng, để góp phần giải tỏa vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Làng Đại học Đà Nẵng. |
Tin và ảnh: HOÀNG HIỆP