Điểm sáng dân vận khéo

.

Về khu dân cư (KDC) Bình Phước 1 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) bây giờ, khó mà hình dung đây là khu vực từng khiến nhiều người đi qua phải bịt mũi vì kênh hở Đầm Rong bốc mùi hôi thối. Giờ đây, kênh hở là khu công viên xanh mát, có sân bóng đá mini xã hội hóa, phục vụ người dân khắp nơi tham gia tập luyện thể dục, thể thao. Những con đường rộng, sạch, không một cọng rác. Những thành quả ấy là sự nỗ lực không nhỏ của người dân nơi đây.

Việc bán rác tài nguyên mang lại nguồn thu mỗi tuần 600.000 - 800.000 đồng dành cho hoạt động an sinh xã hội tại khu dân cư.
Việc bán rác tài nguyên mang lại nguồn thu mỗi tuần 600.000 - 800.000 đồng dành cho hoạt động an sinh xã hội tại khu dân cư.

Ông Phạm Công Lương, Bí thư chi bộ KDC này cho biết: từ cách đây 10 năm, KDC Bình Phước 1 đã có phong trào phân loại rác thải rắn có thể tái chế (rác tài nguyên) và thu gom bán cho thương lái để gây quỹ cho hoạt động của KDC. Tuần nào, KDC cũng thu được khoảng 600.000 - 800.000 đồng tiền bán rác tài nguyên. Riêng đầu năm 2019 đến nay, KDC đã thu được hơn 8 triệu đồng. Trước đó, KDC thu được trên 30 triệu đồng vào năm 2017, trên 29 triệu đồng vào năm 2018.

“Ban đầu, Chi bộ đặt mục tiêu thu gom rác thải rắn bán gây quỹ ở mức 5-7 triệu đồng/năm nhưng kết quả đạt được vượt quá mức mong đợi. Đó là nhờ sự đồng thuận, chấp hành tốt của người dân trong KDC và công tác tuyên truyền, dân vận khéo của cán bộ KDC”, ông Lương nói.

Bây giờ, cứ mỗi sáng, mỗi chiều đi thể dục, ông Lương mang theo túi ni-lông và nhặt chai lọ, rác tài nguyên mang về, gom vào một chỗ. Ông làm công việc này suốt nhiều năm nay. Đôi khi, đang ngủ trưa, ông Lương cũng bật dậy vì có mấy đứa trẻ nhặt được mấy chai nhựa, thùng carton mang về cho “bác Lương”, hay là có cụ già mang chai nhựa, lon bia đến gửi... Chiều chủ nhật hằng tuần, ông Lương cùng với cán bộ Mặt trận, đoàn thể, tổ dân phố đến các nhà trong KDC để gom rác tài nguyên.

Nguồn tiền thu được từ việc bán rác thải tài nguyên đều dành cho công tác an sinh xã hội trong KDC, từ thăm ốm đau, hỗ trợ các gia đình khó khăn, hỗ trợ đột xuất, tổ chức phát quà các dịp Tết, Trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi... cho các cháu học sinh. KDC Bình Phước 1 còn thành lập CLB môi trường nhí với 8 em học sinh nhỏ tuổi do Bí thư Chi bộ điều hành.

“Ban đầu, người dân chưa tin lắm về mô hình bởi việc thu - chi chưa thật sự minh bạch. Khi chi bộ lên làm chủ công, tôi giao hẳn 27 đảng viên trong chi bộ, cộng với 17 đảng viên đương chức ở KDC phải thực hiện nghiêm mô hình, đi đầu và hăng hái. Bản thân tôi, mặc ai nói gì, cứ lặng lẽ đi nhặt rác tài nguyên, gom lại, bán thu tiền cho quỹ KDC. Mình cứ vừa nói, vừa làm, thậm chí làm mà ít nói thôi. Mưa dầm thấm lâu, dần người dân thấy mình làm, kết quả thu được tốt. Từ người dân bình thường cho đến cán bộ lãnh đạo cấp sở, thành phố sinh sống trong KDC đều cùng một nhịp để bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức về rác tài nguyên”, ông Lương nói.

Chủ tịch UBND phường Thuận Phước Lê Thị Thuận đánh giá, qua 10 năm triển khai, mô hình đã mang lại những hiệu ứng tích cực. “Đó là kết quả của công tác dân vận khéo, tuyên truyền có hiệu quả của cán bộ cơ sở giúp người dân nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ môi trường ngày càng cao”, bà Thuận nói.

Bài và ảnh: MINH SƠN

;
;
.
.
.
.
.