Giúp trẻ đặc biệt hòa nhập

.

Lắng nghe, trò chuyện, xóa bỏ khoảng cách với trẻ đặc biệt (tự kỷ, khiếm thị, khiếm thính, tăng động, bại não…), nạn nhân chất độc da cam là những điều các bạn trẻ trong dự án Angels Smile (Nụ cười thiên thần) muốn mang đến cho cộng đồng.

Bố mẹ và các con là trẻ đặc biệt tham gia trò chơi “Cảm thông”.
Bố mẹ và các con là trẻ đặc biệt tham gia trò chơi “Cảm thông”.

Cảm thông và sẻ chia

Một buổi tối, tại căn phòng nhỏ, xen lẫn giữa tiếng cười đùa rộn rã là những giọt nước mắt nghẹn ngào của các ông bố, bà mẹ khi kể về hành trình “chiến đấu” cùng con - những đứa trẻ đặc biệt hoặc bị nhiễm chất độc da cam. Mở đầu buổi giao lưu, thành viên của dự án Angels Smile đưa ra trò chơi mang tên “Cảm thông”. Với trò chơi này, mỗi trẻ đặc biệt sẽ cùng bố hoặc mẹ ngồi ở hai chiếc ghế quay ngược nhau và cùng viết vào giấy về ước mơ của trẻ.

Mười phút trôi qua, thông qua người dịch ký hiệu (trẻ bị khiếm thính), hai bố con anh Nguyễn Ngọc Tuấn (quận Hải Châu) hoàn thành phần trả lời. Bối rối mở tờ giấy trong tay, anh Tuấn nói: “Ở nhà, thấy con thường say sưa ngồi trên máy vi tính, tôi đoán ước mơ của con sẽ liên quan đến máy tính”. Căn phòng như lắng lại khi cậu con trai chìa mảnh giấy ghi dòng chữ: “Ước mơ của con là làm bác sĩ”. Cố giấu những giọt nước mắt chực trào, anh Tuấn nghẹn ngào: “Ở nhà, hai bố con thường hay chơi với nhau nhưng có lẽ chưa bao giờ tôi hỏi con về ước mơ. Sau buổi giao lưu, tôi sẽ trò chuyện nhiều hơn để con có thể cởi mở, bày tỏ những mong muốn, cảm xúc với gia đình”.

Con trai của anh Tuấn năm nay 16 tuổi. Khi phát hiện con khiếm thính bẩm sinh, vợ chồng anh nghỉ việc đưa con đi khắp nơi chữa trị; đồng thời, cho con học ở trường dành cho trẻ đặc biệt, vợ chồng anh cho con theo học. Anh Tuấn khoe: “Nay cháu đã học được nhiều thứ, riêng môn Tiếng Anh và môn vẽ, cháu học rất tốt. Ngoài những buổi học ở trường chuyên biệt, gia đình tìm các buổi ngoại khóa hay chương trình do các bạn trẻ của dự án Angels Smile tổ chức để cháu được giao lưu với các bạn cùng cảnh ngộ”.
Cũng trong trò chơi trên, mẹ con chị Trần Thị Diệu Huyền (quận Thanh Khê) lại có chung câu trả lời. Chị Huyền vui vẻ: “Ở nhà, con gái thích ăn bánh nên hai mẹ con thường cùng làm bánh cho cả gia đình thưởng thức. Vì vậy, tôi biết ước mơ của con gái là muốn được làm bánh”. Giọng chị lắng lại: “Những đứa trẻ khiếm khuyết như con rất thiệt thòi, vì vậy, trẻ cần được yêu thương và quan tâm. Từ khi biết cháu bị bệnh, gia đình tôi đã gác lại công việc để đưa cháu đi chữa trị và dành nhiều thời gian cho cháu hơn”.

Góc nhìn mới về trẻ đặc biệt

Với mong muốn gia đình, cộng đồng quan tâm hơn đến trẻ đặc biệt, các bạn trẻ trong dự án Angels Smile đã tổ chức buổi triển lãm tranh về trẻ đặc biệt, về những nụ cười, ước mơ, hoài bão của trẻ. Anh Nguyễn Việt Tuấn, cố vấn chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục đặc biệt thành phố Đà Nẵng, Chủ nhiệm dự án Angels Smile, cho biết: “Triển lãm là cột mốc ghi dấu 2 năm ra đời của Angels Smile với mong muốn đem đến góc nhìn khác về trẻ đặc biệt, nạn nhân chất độc da cam.

Qua đó, cha mẹ có cơ hội giao lưu, chia sẻ để hiểu hơn về con của mình cũng như tìm hiểu thêm về thế giới của trẻ; từ đó, thay đổi quan niệm về cách tương tác, hướng đến những điều các bạn cần hơn là những gì chúng ta muốn. Lâu nay, các gia đình có trẻ đặc biệt chỉ chú tâm vào việc đưa trẻ đi can thiệp mà quên mất rằng trẻ cần vui chơi, yêu thương như những trẻ bình thường khác. Và qua những góc nhìn từ triển lãm tranh hay các câu chuyện, hoặc sẻ chia từ chính người trong cuộc, mọi người hiểu hơn về trẻ đặc biệt. Chính các em là nguồn cảm hứng và hy vọng để dự án Angels Smile tiếp tục kết nối và truyền tải thông điệp chung tay giúp trẻ đặc biệt hòa nhập tốt hơn vào cuộc sống”.

Hai năm qua, dự án Angels Smile đã góp phần tiếp thêm sức mạnh giúp trẻ đặc biệt vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để thực hiện những khả năng vốn có của mình bằng nhiều hoạt động thiết thực như cho trẻ trải nghiệm ước mơ. Anh Nguyễn Việt Tuấn cho biết thêm, sắp tới, dự án Angels Smile sẽ hướng đến việc tạo công ăn việc làm cho trẻ bằng cách liên hệ với các cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ để trẻ đến học và tham gia sản xuất.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.