HỘI NGHỊ THÀNH ỦY LẦN THỨ 16

Giải quyết những vấn đề nan giải, cấp bách để thúc đẩy phát triển thành phố

.

Ngày 12-4, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tổ chức Hội nghị lần thứ 16 (khóa XXI), nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhằm đánh giá tình hình các mặt công tác quý 1, bàn phương hướng, nhiệm vụ quý 2; đồng thời cho ý kiến một số nội dung khác theo chương trình công tác.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy,Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có: Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Đặng Thị Kim Liên.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu tại hội nghị.  																        Ảnh: ĐẶNG NỞ
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho biết, quý 1-2019, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với triển khai Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 và chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”; đặc biệt, chỉ đạo tổ chức thành công chương trình “Tọa đàm mùa Xuân 2019”, Tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực, đổi mới khoa học công nghệ và các hoạt động bên lề; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố, nhất là trên các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, du lịch, dịch vụ chất lượng cao… Nhờ đó, thu hút đầu tư trong và ngoài nước của thành phố đạt kết quả khởi sắc so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt khá.

Các công trình trọng điểm được chỉ đạo quyết liệt; khởi công, khánh thành nhiều dự án quy mô lớn; đẩy mạnh phân công, phân cấp công tác giải phóng mặt bằng cho các địa phương. Thành phố đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng điều chỉnh những hạn chế, bất cập, phục vụ phát triển cộng đồng. Chương trình “Thành phố 4 an”, chủ trương xây dựng văn hóa, văn minh đô thị tiếp tục được triển khai thực hiện quyết liệt, nền nếp. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn; kịp thời định hướng dư luận, chỉ đạo xử lý các vụ việc nổi cộm, dư luận quan tâm. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được chú trọng.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, bàn các giải pháp góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời gian đến. Phó Giám đốc phụ trách Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Huỳnh Thị Liên Phương nhìn nhận, thành công của chương trình Tọa đàm mùa Xuân 2019 vừa qua cùng với các dự án chất lượng, đúng định hướng phát triển của thành phố đã được dư luận và cộng đồng doanh nghiệp thành phố đánh giá cao, có tác động lan tỏa tích cực, đem lại không khí phấn khởi, hào hứng, tạo một tâm thế mới, thể hiện quyết tâm cao của chính quyền thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư; khẳng định chính quyền luôn đồng hành với doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh tại thành phố đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, để tiếp tục xúc tiến, thu hút đầu tư có hiệu quả trong thời gian đến, theo bà Liên Phương, thành phố cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2045 để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong thời kỳ mới. Bà Liên Phương cho rằng, nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Vì vậy, giải pháp trước mắt là duy trì thường xuyên tọa đàm, kết nối cung cầu nguồn nhân lực và đổi mới khoa học, công nghệ; tăng cường các hoạt động tổ chức kết nối nguồn nhân lực theo từng nhóm ngành nghề; xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và cơ sở dữ liệu về nguồn cung nhân lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp; ưu tiên quỹ đất và có chính sách ưu đãi để tạo thuận lợi cho việc thu hút các dự án đầu tư về giáo dục, y tế đạt chuẩn quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuẩn bị đầu tư, xúc tiến và quản lý đầu tư tại thành phố.

Về tình hình triển khai các dự án động lực, trọng điểm trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Trần Phước Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 67 dự án trọng điểm, động lực đang tập trung triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có 38 dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố và vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; 8 dự án được đầu tư từ nguồn vốn các bộ, ngành; 21 dự án được đầu tư từ nguồn vốn các nhà đầu tư.

Theo đánh giá của ông Trần Phước Sơn, tiến độ triển khai một số dự án hiện nay vẫn còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng tuy có khởi sắc nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, dẫn đến không có mặt bằng thi công nên có nhiều dự án trễ tiến độ, giải ngân đạt thấp. Bên cạnh đó, ông Trần Phước Sơn cũng chỉ ra những vướng mắc, bất cập, không nhất quán giữa Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định, thông tư hướng dẫn… cũng hạn chế đến công tác triển khai thực hiện các dự án. Ngoài ra, năng lực một số đơn vị tư vấn thiết kế, và nhà thầu cũng như đơn vị quản lý dự án còn hạn chế dẫn đến việc hoàn thành thủ tuc hồ sơ còn chậm; còn chưa chủ động với các sở, ngành, địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị các sở, ngành và các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án nghiên cứu xây dựng kế hoạch tiến độ và cam kết tiến độ hoàn thành cụ thể từng dự án; đồng thời xây dựng chế tài với các đơn vị chậm trễ. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ giao Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với các sở, ngành có liên quan theo dõi, kịp thời báo cáo lãnh đạo thành phố để đôn đốc, chỉ đạo.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu các ngành, các cấp phân tích, đánh giá, làm rõ vì sao một số chỉ tiêu phát triển kinh tế đạt thấp so với kế hoạch, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục tụt hạng năm thứ 2 liên tiếp (năm 2017: xếp thứ 2, 2018: xếp thứ 5). Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục việc chậm trễ trong triển khai các thủ tục xúc tiến đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố cũng như một số chủ trương lớn của Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy (các nội dung tại Thông báo Kết luận số 331-TB/TU, dự án Cảng Liên Chiểu, dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng...).

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (giữa), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (trái) và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì hội nghị.    						        Ảnh: ĐẶNG NỞ
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (giữa), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (trái) và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu cần nghiên cứu, tìm ra giải pháp giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định kinh tế - xã hội của những biến động thị trường bất động sản, mua bán đất nền trên địa bàn thành phố; trách nhiệm của các ngành chức năng, công an đối với các vụ việc tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết người, cũng như các hành vi không tuân thủ luật lệ giao thông đường bộ xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, gây tâm lý bất an, lo lắng trong nhân dân; các vấn đề liên quan đến tư tưởng, động lực, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức sau các vụ việc thanh tra, điều tra, cũng như trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, đơn vị; nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2019, trên cơ sở đó, có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể; tập trung triển khai nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chuẩn bị chu đáo các nội dung chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; triển khai quyết liệt công tác điều tra, đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; tiếp tục triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy...

Ban Bí thư chuẩn y chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020

Thường trực Thành ủy trao quyết định của Ban Bí thư cho bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Lương Nguyệt Thu (thứ 2, từ trái).
Thường trực Thành ủy trao quyết định của Ban Bí thư cho bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Lương Nguyệt Thu (thứ 2, từ trái).

Trong khuôn khổ Hội nghị Thành ủy lần thứ 16, chiều 12-4, tại phiên họp nội bộ, hội nghị công bố quyết định của Ban Bí thư về việc chuẩn y bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020; quyết định của Ban Bí thư về việc bà Lương Nguyệt Thu thôi giữ chức Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 để nghỉ hưu theo chế độ.

PV

Hơn 200 sự cố nước thải tràn ra biển trong 1 năm

Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường khu vực biển phía đông thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Tô Văn Hùng cho biết, hệ thống thu gom và xử lý nước thải hiện nay không đáp ứng được tốc độ phát triển du lịch, dịch vụ tại khu vực này. Theo ông Hùng, qua số liệu thống kê, từ tháng 4-2018 đến nay, đã xử lý hơn 200 sự cố nước thải tràn ra biển. So sánh số liệu cấp nước cho lưu vực này thì đã quá tải khoảng 3.600m3/ngày đêm; dự báo đến năm 2020 lượng nước phát sinh khoảng 26.500m3/ngày đêm.

Như vậy, hệ thống thu gom hiện trạng còn thiếu khoảng 10.750m3/ngày đêm, hệ thống xử lý nước thải còn thiếu khoảng 10.300m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, theo ông Hùng, quy trình đấu nối nước thải hiện nay chưa hoàn thiện và chưa được các cơ quan, đơn vị và người dân quan tâm đúng mức nên việc đấu nối, xả thải còn mang tính tự phát, tùy tiện, không theo quy định, không có hồ sơ, bản vẽ. Trong khi đó, công tác kiểm tra còn hạn chế, cơ chế phối hợp còn nhiều bất cập, chưa quy định cụ thể, ràng buộc trách nhiệm đơn vị, cá nhân có liên quan nên hiệu quả công tác quản lý, giám sát chưa cao.

Từ thực trạng trên, ông Tô Văn Hùng kiến nghị, đề xuất các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân cần nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển của thành phố vì đây vừa là điều kiện nguồn lực, vừa là cơ hội thu hút đầu tư trong thời gian đến. Bên cạnh đó, các giải pháp đầu tư xây dụng các công trình, kỹ thuật bảo đảm môi trường ven biển cần được chú trọng.

Ông Tô Văn Hùng cho rằng, cần phải tiếp cận phương thức phát triển hạ tầng hợp lý, để có vai trò quyết định tới sự phát triển bền vững của đô thị chứ không chỉ nhìn nhận trên giải pháp thiết kế hay quy hoạch. Đây chính là khâu còn thiếu trong các chính sách quản lý phát triển đô thị, định hướng thiết kế, quy hoạch hiện nay. Theo ý tưởng của ông Hùng, thay vì thiết kế những cống thoát nước mưa lớn hơn để tránh ngập úng, chúng ta cần thu gom nước mưa để tái sử dung hoặc đưa nước mưa trở lại lòng đất tối đa. Các giải pháp đã được triển khai ở nhiều nước là xây dựng các bể chứa nước mưa lớn nơi công cộng, bể chứa nước mưa hộ gia đình; thay đổi lại giải pháp thiết kế cấp nước trong công trình bằng việc xây dựng 2 hệ thống (cấp nước sạch và nước mưa tái sử dụng); xây dựng các bề mặt nền, bãi đỗ xe mềm để nước có thế thấm xuống đất; xây dựng hạ tầng phải có khả năng thích ứng, hoàn thiện với sự biến động của đô thị và áp dụng các giải pháp mềm, giải pháp thích ứng là một điều kiện trong quy hoạch hạ tầng thay vì chỉ đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật cứng nhắc.

Cần sớm nghiên cứu quy định cụ thể ban hành hướng dẫn quy định về đấu nối nuớc thải, trong đó phải cụ thể về vị trí, biển báo, lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng, thiết kế hố ga đấu nối bên ngoài tường rào để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát của từng đơn vị; hoàn chỉnh bản vẽ, sơ đồ toàn bộ hệ thống thoát nuớc kể cả các vị trí đấu nối, thăm dò, làm cơ sở pháp lý để kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

NGỌC HÂN ghi

ĐẶNG NỞ

;
;
.
.
.
.
.