Hội nghị Ban Chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) lần thứ 44 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 18 đến 20-4-2019 do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đăng cai.
Bên lề sự kiện, đại diện các Hãng Thông tấn thành viên đã có những chia sẻ về một số vấn đề được tập trung thảo luận tại Hội nghị lần này.
Chiến lược đối phó với tin giả
Trước thực trạng tin giả đang lan tràn, gây ra những tác động tiêu cực cho xã hội, Giám đốc điều hành Hãng Thông tấn WAM (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), ông Mohamed Alrayssi cho rằng, các Hãng Thông tấn cần thực hiện hai chiến lược để đối phó với tin giả. Đó là đưa tin nhanh, chính xác thông qua các ấn phẩm báo chí và mạng xã hội. Cùng với đó là tăng tính nhận diện thương hiệu.
Ông Mohamed Alrayssi, Giám đốc điều hành Cơ quan Tin tức Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE) trả lời phỏng vấn của phóng viên Truyền hình Thông tấn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Ông Mohamed Alrayssi cho biết, Hãng WAM đã và đang tăng cường nhận diện và xây dựng lòng tin của công chúng. Hàng năm, WAM đưa ra khảo sát về nhận diện thương hiệu và sự tin tưởng của độc giả. Nhờ đó, WAM đã tiếp cận được với rất nhiều khách hàng. Hãng ngày càng nỗ lực trong việc tiếp cận, cố gắng trả lời những câu hỏi về thông tin của độc giả. Đây cũng chính là chiến lược xây dựng mối quan hệ với công chúng của WAM.
Theo ông Karel Petrak, Giám đốc phụ trách sản phẩm của Sourcefabric, hãng dịch vụ cung cấp công cụ nguồn mở cho các Hãng Thông tấn lớn nhất ở châu Âu, nếu khách hàng của Sourcefabric, các Hãng Thông tấn muốn sử dụng một hệ thống đối phó nạn tin giả, Sourcefabric có thể xây dựng phần mềm “phát hiện tin giả” bằng cách tích hợp các công cụ có sẵn khác với phương thức hoạt động đơn giản giống như một công cụ soát lỗi chính tả dành cho nhà báo.
Đại diện Hãng thông tấn Antara của Indonesia tại cuộc họp. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN |
Chia sẻ quan điểm đối với nạn tin giả, bà Nur Cahya Aryani, Trưởng phòng Tin Quốc tế, Hãng Thông tấn ANTARA (Indonesia) cho rằng, việc chiến đấu với tin tức giả là một trong những nhiệm vụ của một Hãng Thông tấn. Cùng với đó, việc định hướng công chúng là một trong những trách nhiệm của Hãng Thông tấn. Đặc biệt, với một Hãng Thông tấn, một trong những điểm mạnh của ANTARA là uy tín.
Theo bà Nur Cahya Aryani, để đáp ứng nhu cầu công chúng đối với thông tin chính thống, ANTARA đã thành lập một ban xử lý tin tức giả gọi là “Ban kiểm chứng sự thật”. Ban này gồm khoảng 10 phóng viên và biên tập viên. Nhiệm vụ chính của đơn vị này là xác minh tin tức giả mạo lan truyền trong công chúng, đặc biệt là trên mạng xã hội. Ban này có một mục riêng trong hệ thống thông tin trên trang web của ANTARA, đó là mục Anti-Hoax (mục thông tin chống tin giả mạo). Bà Nur Cahya Aryani cho biết: Tin tức giả mạo gồm những thông tin sai lệch về chính sách của Chính phủ, về mối nguy hiểm trước mắt như sóng thần hoặc động đất...
Tổng Biên tập Hãng tin Australia Associated Press (AAP), ông Tony Gilles chia sẻ quan điểm: Trong môi trường có quá nhiều luồng thông tin gây “nhiễu”, các nguồn thông tin đáng tin cậy như phương tiện truyền thông truyền thống và các Hãng Thông tấn đóng vai trò rất quan trọng. Đối với AAP, bên cạnh tiếp tục thông tin nhanh chóng về các sự kiện, AAP thành lập hệ thống kiểm định tin tức trên website APP, Apple News, Facebook và Google News. Với hệ thống này, AAP có khả năng kiểm tra lại những tuyên bố của các nhân vật công chúng là đúng hay sai; từ đó giúp AAP tăng cường niềm tin của khách hàng và củng cố thêm thương hiệu AAP.
Ông Hwang Sun-Ik (giữa) đại diện Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap tham dự cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Chia sẻ quan điểm với các đồng nghiệp ở các Hãng Thông tấn trong khu vực, đại diện Hãng Thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), bà Lee Dong Min nhận định, tin giả đang trở thành một vấn đề lớn ở Hàn Quốc. Để ứng phó với thực trạng này, Yonhap đã tạm thời thành lập một nhóm xác minh thông tin trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017. Khoảng một năm trước, từ tháng 3-2018, Yonhap đã nâng cấp nhóm này thành một nhóm thường trực trong tòa soạn với công việc là lựa chọn tin tức; trung bình ba hoặc bốn tin trong một tuần, sau đó xác minh một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là những tin liên quan đến những người nổi tiếng, xem các phát biểu của họ có đúng hay không.
Theo bà Lee Dong Min, ngày nay công chúng không chỉ dựa vào báo chí, các hãng tin hay thậm chí là truyền hình để nắm bắt thông tin. Họ sử dụng các dịch vụ mạng xã hội nhiều hơn. Đây là lý do tại sao không thể kiểm soát sự lan truyền của tin tức, đặc biệt là tin tức giả mạo, Vì vậy, với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của giới truyền thông, các hãng thông tấn phải tìm giải pháp để ngay khi có tin giả bắt đầu lan ra trên mạng, các hãng thông tấn có thể thông báo ngay với độc giả rằng tin tức này còn cần phải kiểm tra và xác minh. Đây chính là vai trò của các cơ quan thông tấn trên toàn cầu.
Chủ tịch OANA, Tổng Giám đốc Hãng tin AZERTAC (Azerbaijan), ông Aslan Aslanov cho biết, tại cuộc họp Ban Chấp hành OANA lần này, các Hãng Thông tấn đã đưa ra thảo luận về vấn nạn tin giả. Chủ đề này đóng vai trò trung tâm của các cuộc thảo luận. AZERTAC sẽ tiếp tục kêu gọi các đồng nghiệp dành sự chú ý đặc biệt cho vấn đề này, bởi tin giả đang nhanh chóng trở thành một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với báo chí toàn cầu.
AZERTAC cũng như cộng đồng OANA luôn theo dõi sát tin tức của Thông Tấn Xã Việt Nam nói riêng, truyền thông Việt Nam nói chung và nhận thấy tin giả cũng là một chủ đề trọng điểm trong tin tức và các sản phẩm thông tin truyền thông Việt Nam. AZERTAC cũng như OANA cảm ơn các đồng nghiệp Việt Nam đã luôn chú trọng tới chủ đề này và mong muốn các đồng nghiệp Viêt Nam tiếp tục có những chú ý tới vấn đề này.
Đón đầu công nghệ dành cho báo chí
Chia sẻ về chiến lược trong việc ứng phó với việc thay đổi thói quen sử dụng thông tin tập trung vào các nội dung video và nền tảng youtube, Giám đốc điều hành Hãng Thông tấn WAM (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), ông Mohamed Alrayssi cho biết: Hãng Thông tấn WAM sử dụng toàn bộ nền tảng công nghệ hiện nay như: Twitter, Facebook, Instagram đến Snapchat... Hãng luôn tìm kiếm những nét mới trong lĩnh vực công nghệ báo chí và thích ứng, thậm chí là đón đầu công nghệ.
Ông Mohamed Alrayssi cho rằng, các Hãng Thông tấn cần đáp ứng ngay và sử dụng thành thạo những công cụ mới trên mạng xã hội. Hiện tại, Hãng Thông tấn WAM không chỉ là tin nguồn cho báo chí trong nước và trên thế giới mà còn cung cấp thông tin trực tiếp, do đó, Hãng cần thường xuyên ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để ngày càng thu hút công chúng.
Ông Renat Ishmukhamedov, Giám đốc kinh doanh của Sourcefabric, Hãng dịch vụ cung cấp công cụ nguồn mở cho các hãng thông tấn lớn nhất ở châu Âu, cũng nêu quan điểm đối với việc thay đổi thói quen sử dụng thông tin tập trung nội dung video và nền tảng Youtube, thay vì các phương thức truyền thống.
Đại diện Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản tham dự cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Theo đó, mỗi Hãng Thông tấn đều muốn hiện diện trên tất cả các nền tảng công nghệ nơi khách hàng mục tiêu của họ có mặt. Nền tảng nào cũng có mặt thuận lợi và bất lợi, do đó tùy thuộc vào người quản lý hãng thông tấn/truyền thông đó quyết định về chiến lược trực tuyến của họ. Hệ thống biên tập Superdesk của Sourcefabric cho phép các hãng thông tấn tự sản xuất nội dung video. Tuy nhiên, nếu các Hãng thông tấn muốn sử dụng Youtube hay các nền tảng khác cũng rất thuận lợi.
Cho biết về chiến lược nhằm ứng phó với việc thay đổi thói quen sử dụng thông tin tập trung vào các nội dung video và nền tảng youtube, bà Nur Cahya Aryani, Trưởng phòng Tin Quốc tế, Hãng Thông tấn ANTARA (Indonesia), nêu quan điểm: Mạng xã hội là cách thức truyền thông mới. Khả năng chia sẻ tin tức và ý kiến tương tác trong thời gian nhanh chóng là điểm cốt lõi của mạng xã hội. Báo chí truyền thống không thể loại bỏ điều này.
Theo bà Nur Cahya Aryani, ANTARA lựa chọn sử dụng mạng xã hội là một trong những kênh truyền tải thông tin bởi thế hệ trẻ ngày nay phần nhiều tương tác qua mạng xã hội. Trong hai năm qua, ANTARA sử dụng các mạng xã hội để truyền tải thông tin như: Instagram, facebook, youtube và twitter; đặc biệt là instagram và youtube vì số lượng người sử dụng hai mạng xã hội này ở Indonesia rất lớn. Hiện nay, gần 1/4 sản phẩm thông tin của ANTARA được phát trên mạng xã hội nhằm thúc đẩy sự tham gia và liên kết với công chúng. ANTARA đã lập Ban mạng xã hội để xử lý thông tin phát trên mạng xã hội và tương tác với công chúng.
Theo Báo Tin tức