Theo đặc phái viên TTXVN, đúng 8 giờ giờ 15 sáng 17-4 (theo giờ địa phương), tức chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam, Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam thăm chính thức CH Séc đã diễn ra trang trọng tại Phủ Thủ tướng ở thủ đô Praha. Thủ tướng CH Séc Andrej Babis đã chủ trì lễ đón.
Thủ tướng Cộng hoà Séc Andrej Babis đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng Andrej Babis chào mừng và bắt tay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại nơi đỗ ôtô, đầu khu vực thảm đỏ đại sảnh Phủ Thủ tướng Séc; trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiến vào thảm đỏ.
Ngay khi hai Thủ tướng di chuyển tới hàng Đội Danh dự, Quân nhạc đã cử quốc thiều Việt Nam và Séc. Sỹ quan Đội trưởng Đội danh dự CH Séc tới chào hai Thủ tướng theo nghi thức dành cho lãnh đạo cấp cao.
Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc duyệt đội danh dự. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng Andrej Babis trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng duyệt Đội Danh dự. Hai Thủ tướng nghiêng mình chào quốc kỳ hai nước và cùng giới thiệu thành phần quan chức hai nước có mặt tại lễ đón.
Kết thúc lễ đón, hai Thủ tướng cùng tiến vào khu vực bắt tay chào mừng và dẫn đầu Đoàn Cấp cao hai nước tiến hành hội đàm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis giới thiệu các thành viên đoàn đại biểu hai nước. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Nằm ở khu vực Trung Âu, CH Séc là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh và ổn định, có uy tín trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp từ thế kỉ 19. Quốc gia xinh đẹp này có dân số chỉ hơn 10 triệu người, thu nhập Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người hàng năm ở mức hơn 20.000 USD.
Các ngành công nghiệp chính của Séc là sản xuất ôtô, luyện kim, khai mỏ, chế tạo máy, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, hóa dầu, xây dựng nhà máy nhiệt điện và thủy điện, sản xuất đầu máy xe lửa, xử lý môi trường, dệt may, hóa chất, dược phẩm, thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, gốm sứ, bia và pha lê.
CH Séc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1950. Hiện, hai nước đang chuẩn bị phối hợp tổ chức các hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ vào năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thương mại giữa hai nước những năm gần đây có tăng trưởng nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng, ở mức 307 triệu USD vào năm 2018. Việt Nam xuất khẩu sang Séc các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu, hoa quả tươi - khô, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính… Việt Nam nhập khẩu từ Séc hàng điện tử, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, máy móc thiết bị, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí, chất dẻo, sản phẩm thuỷ tinh…
Tính đến nay, Séc có 38 dự án đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 42 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 90 triệu USD, tập trung vào các các lĩnh vực bất động sản, bia, thiết bị điện, vật liệu xây dựng... Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Séc là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu.
Năm 2013, Chính phủ Séc đã quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng Dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Séc gốc Việt như một dân tộc thiểu số tại Séc.
Theo TTXVN