VĂN PHÒNG KHU ỦY 5

Một thời hào hùng

.

Ra đời từ kháng chiến chống Pháp (1946), Văn phòng Liên khu ủy 5 sau này là Khu ủy 5 có quân số gần 800 người. Các bộ phận: nghiên cứu, văn phòng, điện đài, cơ yếu, hành chính quản trị, giao liên, vận tải tiếp liệu... với công việc thầm lặng của mình đã trực tiếp phục vụ cho cơ quan đầu não của Khu 5, góp phần thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến của đất nước.

Các đại biểu và Ban liên lạc Văn phòng Khu ủy 5 bên Bia lưu niệm mới được xây dựng.
Các đại biểu và Ban liên lạc Văn phòng Khu ủy 5 bên Bia lưu niệm mới được xây dựng.

Một bộ máy hoạt động gian khổ, ác liệt không kém gì người lính ra trận - đó là khẳng định của ông Khuông Văn Bông, Trưởng ban liên lạc Văn phòng Khu ủy 5 về đơn vị mình. Nhiều cuộc gặp mặt cựu cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Văn phòng do ông và Ban liên lạc tổ chức chính là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Trong câu chuyện, ông Bông luôn nhắc đến từ Làng Văn (mật danh của Văn phòng) đầy tự hào, nhất là giai đoạn Mỹ đổ bộ vào miền Nam và đánh phá ác liệt miền Bắc.

Trong điều kiện chiến tranh, lại ở núi rừng, phương tiện nghe nhìn không có, trình độ cán bộ nghiên cứu, tham mưu không mấy ai qua trường lớp, nhưng với ý chí tiến công, Văn phòng Khu ủy 5 đã tham mưu Khu ủy tổ chức các hội nghị Khu ủy mở rộng, các đợt sinh hoạt chính trị (chỉnh huấn) toàn khu; tổ chức các đoàn công tác phục vụ Bí thư Khu ủy Võ Chí Công xuống chiến trường có Mỹ để nghiên cứu cách đánh Mỹ và chư hầu. Cuộc hành quân lớn thứ hai trong giai đoạn này là tổ chức các đoàn (điện đài, cơ yếu, bảo vệ) xuống các chiến trường phục vụ kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Phó ban liên lạc Văn phòng Khu ủy 5 Trần Hữu Toàn xúc động nhớ lại: “Ngày ấy, lực lượng văn phòng như con thoi đi về các cánh quân, địa phương. Trong Ban cơ yếu, tôi luôn ở bên cạnh Bí thư Khu ủy Võ Chí Công để phục vụ dịch mật mã chỉ đạo các Mặt trận. Thầy trò vừa thoát chết khỏi trận lũ kinh hoàng mấy năm trước lại sém lãnh trọn quả bom trên đường xuống Gò Nổi mùa xuân Mậu Thân, chúng tôi vừa ra khỏi hầm thì bom địch dội xuống. Tôi may mắn bình yên ra khỏi cuộc chiến nhưng hơn 20 năm ấy, 9 đồng chí cơ yếu đã hy sinh...”.

Khi được hỏi, giữa núi rừng trùng điệp, đạn bom chằng chéo, việc liên lạc với Văn phòng Trung ương Đảng, các Tỉnh ủy miền Trung, Tây Nguyên và Trung ương Cục miền Nam không dễ dàng, nhờ đâu Khu ủy vẫn tổ chức tốt các hội nghị lớn, ông Trần Hữu Toàn cho rằng: “Thành công ấy có một phần công sức, trí tuệ và cả xương máu của lính Làng Văn”. Tiếp tục thành công với Đại hội chiến sĩ thi đua toàn Khu 5 năm 1972, tháng 12-1973, Đại hội Đảng bộ Khu 5 lần thứ III đã in dấu không thể phai mờ với những ai ở chiến khu ngày ấy.

Từng cán bộ, nhân viên văn phòng không kể ngày đêm, lao vào chuẩn bị các văn kiện, báo cáo, tài liệu, nhân sự, cơ sở vật chất, hậu cần, bảo vệ an toàn bí mật lãnh đạo khu và đại biểu, huy động các phương tiện vận tải phục vụ cho đại hội hơn 600 đảng viên diễn ra suốt 8 ngày. Từ giữ đất, giành dân, xây dựng thực lực sau Hội nghị Paris, đến năm 1974, chiến trường Khu 5 bước sang trang mới, đó là mở rộng vùng giải phóng, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đây là thời điểm sục sôi và khí thế hào hùng chưa từng có của những người lính Văn phòng. Ban Thông tin vô tuyến điện, cơ yếu gấp rút đào tạo các tổ lưu động, nối mạng với Trung ương và các địa phương. Đội xe đưa Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí Trung ương lên Tây nguyên, rồi về lại căn cứ; tổ chức các cuộc họp cấp tốc, sau đó phục vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xuống Quảng Đà chỉ đạo tiến công giải phóng Tam Kỳ.

Chiều 29-3-1975, đoàn công tác đưa Bí thư Khu ủy Võ Chí Công vào trung tâm thành phố Đà Nẵng. Văn phòng tiếp tục phục vụ đắc lực cho Khu ủy chỉ đạo tiến công giải phóng các tỉnh Khu 5 và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.

Trải qua 21 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những người lính Văn phòng Khu ủy 5 không ngại hy sinh, gian khổ, ngày đêm tận tụy phục vụ mọi yêu cầu cho lãnh đạo Khu ủy chỉ đạo kháng chiến; đón tiếp và bảo vệ an toàn nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài (Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, Lào), lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Khu 5 làm việc; phục vụ hàng ngàn cuộc hội nghị, đại hội, giao ban các cấp; đánh máy hàng triệu tài liệu và lưu trữ bảo mật; giao liên nội tuyến đã vượt mọi bom đạn thác lũ, thú dữ giao nhận hàng triệu công văn; tổ chức di chuyển cơ quan trên 50 lần, làm hàng ngàn nhà ở, 1.500 hầm trú ẩn, 300 bếp Hoàng Cầm; sản xuất tự túc 900 tấn lương thực; tiếp nhận quản lý lượng lớn tiền mặt và tài sản quý khác cho tiêu dùng mà không hề hư hao, bớt xén.

Với những thành tích của mình, cán bộ, nhân viên Văn phòng Khu ủy 5 đã được tặng thưởng 2.000 huân, huy chương các loại; 1 cán bộ ở Ban Thông tin vô tuyến điện được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Được thành lập sau ngày giải phóng, Ban liên lạc Văn phòng Khu ủy 5 đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, như: quy tập 31 liệt sĩ ngành văn phòng về các nghĩa trang; phối hợp cùng các cơ quan chức năng tọa đàm về bảo tồn và phát huy các khu di tích Khu ủy; biên soạn ra các tập sách về Khu căn cứ Nước Là; tổ chức cho hàng trăm cựu cán bộ, nhân viên của Văn phòng thăm Khu căn cứ Phước Trà (Hiệp Đức, Quảng Nam)...

Mới đây nhất, Ban liên lạc đã làm cầu nối cho Văn phòng Trung ương Đảng xây dựng Nhà bia ghi danh hơn 600 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên văn phòng qua các thời kỳ với kinh phí hơn 800 triệu đồng. Đây là địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ khi đến tham quan Khu di tích Khu ủy Khu 5.

HÀ MY
 

;
;
.
.
.
.
.