Học sinh, sinh viên thờ ơ trước cơ hội việc làm?

.

Triển khai Kế hoạch số 6630/KH-UBND ngày 4-8-2016 của UBND thành phố về thực hiện mục tiêu “có việc làm” trong chương trình “Thành phố 3 có”, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã tích cực tổ chức các phiên chợ việc làm, phối hợp với các trường nghề tổ chức nhiều ngày hội việc làm, ngày hội tư vấn tuyển sinh... dành cho học sinh, sinh viên (HSSV). Tuy nhiên, thực tế cho thấy HSSV của thành phố chưa “mặn mà” với cơ hội này...

Các gian hàng tuyển dụng vắng vẻ là hình ảnh khá phổ biến ở những ngày hội việc làm.
Các gian hàng tuyển dụng vắng vẻ là hình ảnh khá phổ biến ở những ngày hội việc làm.

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2018, 50 phiên giao dịch việc làm đã được tổ chức, qua đó giải quyết tại “chợ việc làm” cho 7.770 lao động. Đây là con số chưa đúng sự mong đợi, đặc biệt là khá thấp so với quy mô mà các doanh nghiệp cần tuyển dụng ngay tại các phiên giao dịch việc làm hay ngày hội việc làm.

Một minh chứng mới đây, vào ngày 20-4, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Đại học Đà Nẵng tổ chức Ngày hội việc làm 2019 dành cho HSSV thành phố. Tham dự ngày hội việc làm này có đến 177 doanh nghiệp đăng ký và tuyển dụng gần 14.000 chỉ tiêu việc làm.

Để có được con số mong muốn này, Ban tổ chức, các doanh nghiệp đã đầu tư khá nghiêm túc từ khâu thông tin trước đó, sắp xếp không gian thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể giới thiệu về đơn vị mình cũng như tổ chức tư vấn, tiếp nhận hồ sơ xin việc ngay tại ngày hội...

Thế nhưng, số HSSV đến tham dự ngày hội chỉ có khoảng 500 người, khá nhiều HSSV đến lướt qua các gian hàng rồi đi thẳng ra nhà xe để về. Số HSSV ngồi tham dự buổi khai mạc cũng khá thờ ơ với thông tin các doanh nghiệp và Ban tổ chức phát biểu, hầu hết đều ở “trạng thái” ngồi  cầm điện thoại... làm việc riêng.

Trước đó, Ngày hội việc làm lần thứ 4 (năm 2018) do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tổ chức cũng rơi vào tình cảnh tương tự mặc dù Ban tổ chức đã khéo léo tổ chức Ngày hội việc làm trùng với ngày Trường Đại học Kinh tế tổ chức lễ phát bằng tốt nghiệp cho gần 400 sinh viên ra trường. 218 doanh nghiệp tham dự với tổng chỉ tiêu tuyển dụng hơn 10.000 người, tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, rất ít tân cử nhân tìm đến các gian hàng tuyển dụng để tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình.

Cũng trong năm 2018, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2018, gần 10.000 HSSV trên địa bàn đến tham dự ngày hội. Dịp này, Sở LĐ-TB&XH tổ chức lễ trao giải cho Hội thi tay nghề giỏi 2018.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn An, việc trao giải thưởng vào Ngày hội tư vấn tuyển sinh nhằm tôn vinh giá trị nghề nghiệp, xem như đó là kênh tuyên truyền trực tiếp đến các em HSSV trong việc chọn nghề cho mình. Tuy nhiên, dù thực tế có rất đông học sinh các trường THCS trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn tham dự ngày hội nhưng các em đến theo “lệnh” từ nhà trường và chủ yếu tò mò xem các gian hàng trình diễn nghề cắt tóc, trang điểm, có rất ít em quan tâm tìm hiểu nghề nghiệp tương lai của mình. Sau khai mạc không lâu, ngày hội rơi vào cảnh trống vắng vì nhiều em bỏ về khá sớm.

Việc tổ chức và duy trì thường xuyên các phiên giao dịch việc làm, ngày hội tư vấn việc làm, ngày hội tư vấn tuyển sinh... là nỗ lực rất lớn của Sở LĐ-TB&XH, các trường dạy nghề và các doanh nghiệp. Để những hoạt động này thực sự có ý nghĩa, phát huy hiệu quả trong việc tạo cơ hội việc làm cho HSSV, rất cần sự chung tay của trường học và gia đình, không những trong việc hướng nghiệp mà còn biết tận dụng cơ hội tốt để có được việc làm phù hợp với nghề nghiệp được đào tạo.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.