Sau gần 9 năm hoạt động, Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) nhận “nhiệm vụ” trở thành khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ có đẳng cấp quốc tế. Để làm được điều đó, Khu CNC cần chiến lược hợp lý và sự hợp sức của các nhà đầu tư, các trường đại học, cơ sở nghiên cứu.
Khởi công Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn Universal Alloy (Mỹ) vào tháng 3. |
Những tháng đầu năm, Đà Nẵng đón nhiều tin vui đến Khu Công nghệ cao. Nổi bật như việc Tập đoàn Universal Alloy (Mỹ) chọn Khu CNC là nơi đặt Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, dự kiến sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Boeing, Airbus…
Bên cạnh đó, Nhà máy số ESTEC (Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ điện tự động Biển Đông làm chủ đầu tư) khánh thành, trở thành dự án đầu tiên trong lĩnh vực tự động hóa và số hóa đi vào hoạt động tại Khu CNC. Dự án nhà xưởng công nghệ cao Long Hậu (thuộc Công ty CP Long Hậu) cũng được khởi công, tiên phong trong lĩnh vực nhà xưởng phụ trợ cho thuê tại Khu CNC.
Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, công nghiệp CNC nói chung và Khu CNC nói riêng là đối tượng cần được đặc biệt chú trọng. Cùng với du lịch và kinh tế biển, CNC là một trong ba trụ cột chính trong việc phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng.
Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ cho Đà Nẵng phải ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn, trong đó có việc phát triển công nghiệp CNC gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp. Đồng thời, Khu CNC phải trở thành khu đô thị sáng tạo - khoa học- công nghệ đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao.
Theo các chuyên gia, đây là các nhiệm vụ cần thiết đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của Đà Nẵng. PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho biết, các khu CNC trên thế giới được xem là phương tiện tập trung nguồn lực tiên tiến, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo công nghệ cao và đón nhận làn sóng cách mạng công nghệ phiên bản 4.0. Đà Nẵng không có lợi thế đất đai, nhưng lại có những thế mạnh và tiềm năng quan trọng về vị trí và năng lực kết nối, nguồn lực sẵn có và huy động, môi trường chính sách có hiệu quả và hiệu năng cao hơn nhiều địa phương khác. Do đó, việc phát huy hiệu quả Khu CNC tại thành phố là cần thiết, có thể trở thành đột phá chiến lược trực tiếp.
Nói về mối liên hệ giữa Khu CNC và khởi nghiệp sáng tạo, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng phân tích, việc khuyến khích đầu tư vào Khu CNC sẽ tạo động lực phát huy tinh thần doanh nhân khởi nghiệp trên nền tảng CNC, giảm thiểu khởi nghiệp từ các ngành nghề giản đơn và có giá trị gia tăng thấp. Các biện pháp thúc đẩy đầu tư vào Khu CNC cần trở thành động lực, truyền cảm hứng đến đối tượng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dù việc khởi nghiệp có thể không trực tiếp thực hiện trong Khu CNC.
Ông Phạm Trường Sơn, Phó Ban Quản lý Khu CNC và các Khu Công nghiệp cho biết, đối với các hoạt động sáng tạo - khoa học - công nghệ, thời gian qua, Khu CNC Đà Nẵng tập trung thực hiện 3 đầu mục chính, gồm: đầu tư kết cấu hạ tầng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu- phát triển (R&D) của các nhà đầu tư tại Khu CNC; liên kết, hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước về sáng tạo và khởi nghiệp.
Theo ông Sơn, năm 2018, tại Khu CNC đã triển khai xây dựng Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp CNC với kinh phí ban đầu là 10 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư 102 tỷ đồng), dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư mới vào Khu CNC như EEC (Việt Nam), Danapha (Việt Nam), Estec (Việt Nam), Atoma (Việt Nam), Dentium (Hàn Quốc) đều là các dự án trong lĩnh vực R&D hoặc có hạng mục đầu tư R&D.
“Trên thực tế, kinh nghiệm của các Khu CNC tại các nước tiên tiến trên thế giới cho thấy mục tiêu hàng đầu trong phát triển các Khu CNC không phải là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mà là tập trung xây dựng các trung tâm, cơ sở R&D, hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng công nghệ của các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp đang trong giai đoạn phôi thai chưa thành hình”, ông Sơn cho biết.
Bài học phát triển của Khu CNC Daedok (thành phố Deajon, Hàn Quốc - được mệnh danh là thành phố của công nghệ) cho thấy, trong các nhiệm vụ trọng tâm của Khu CNC, cần có nhiệm vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Cụ thể, ngoài cung cấp trang thiết bị, máy móc hỗ trợ R&D, cần cung cấp dịch vụ, mô hình đào tạo, dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp...
Hơn nữa, các Khu CNC cũng cần gắn kết mật thiết với các trường đại học, viện nghiên cứu cùng các doanh nghiệp địa phương nhằm xác định các lĩnh vực nghiên cứu sát với nhu cầu thị trường công nghiệp, mang tính ứng dụng.
Tại tọa đàm Kết nối cung - cầu nguồn nhân lực Đà Nẵng được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Jon Kevin Loebbaka, Giám đốc điều hành Tập đoàn Universal Alloy cho biết, 1 trong những nhiệm vụ chính của Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine sau khi vào Khu CNC Đà Nẵng là xây dựng mạng lưới đối tác từ các doanh nghiệp địa phương, từ đó chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm quản trị, nhân sự... dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Trong khi đó, ông Trần Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Hậu nhận định, dự án Nhà xưởng CNC Long Hậu sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và phụ trợ công nghệ cao trong và ngoài nước vào Khu CNC Đà Nẵng.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology tại Khu CNC. |
Giữa tháng 4 vừa qua, tuyến xe bus công cộng R-14 đi từ trung tâm thành phố lên Khu CNC chính thức đi vào hoạt động, giải quyết bài toán đã tồn tại nhiều năm nay về việc bảo đảm an toàn và thuận tiện khi đi làm của người lao động tại Khu CNC.
Tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài đến Khu CNC cũng đã được hoàn thiện, dần “xóa nhòa” những suy nghĩ cho rằng Khu CNC nằm ở vị trí quá... xa xôi, không thuận tiện. Khu CNC là một trong những hạt nhân thúc đẩy sự phát triển tại cánh tây bắc thành phố. Dự kiến đến năm 2020, toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của Khu CNC sẽ được hoàn thành, bao gồm khu nhà ở, trung tâm đào tạo, trung tâm dịch vụ..., dần đưa Khu CNC trở thành một khu đô thị thực thụ.
Theo ông Phạm Trường Sơn, để đẩy mạnh tính sáng tạo - khoa học - công nghệ, Khu CNC Đà Nẵng cần thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, gồm: phát triển hoạt động R&D và chuyển giao công nghệ tại Khu CNC đến năm 2030, trong đó tập trung thành lập và vận hành hiệu quả Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ. Ngoài ra, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và xúc tiến đầu tư các dự án sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế.
Trên thực tế, dẫu thành lập tại Đà Nẵng từ năm 2010, nhưng Khu CNC chỉ mới phát triển mạnh trong hơn 2 năm lại đây, nhất là khâu xúc tiến đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đây sẽ là bước đà để Khu CNC Đà Nẵng thực hiện những nhiệm vụ mà Bộ Chính trị giao phó, trở thành động lực thúc đẩy khoa học công nghệ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và là Khu CNC có tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Bài và ảnh: KHANG NINH