Quyết liệt triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

.

Với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 đã được quận Cẩm Lệ triển khai thực hiện quyết liệt.

Các ngành chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Cẩm Lệ.
Các ngành chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Cẩm Lệ.

Cứ đến tầm 15 giờ 30, loa phát thanh tuyên truyền các nội dung về an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự tại chợ Hòa Xuân lại vang lên. Những khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn thực phẩm, cách nhận biết thực phẩm sạch, thực phẩm kém chất lượng, số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về an toàn thực phẩm... được nhắc đi nhắc lại trên loa.

Cô Phúc, một tiểu thương buôn bán ở chợ cho hay, các tiểu thương ở chợ cũng như người đi chợ hầu như thuộc lòng các nội dung tuyên truyền. “Nghe hoài cũng thuộc. Mà nội dung cũng bổ ích lắm, qua đó mình nắm được một số kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm để từ đó kinh doanh, buôn bán, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn”, cô Phúc nói.

Ông Phan Phú Cương, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân cho hay, hằng ngày, hệ thống loa phát thanh ở chợ sẽ phát 2 lần, buổi sáng từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 30 phút, buổi chiều từ 15 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút. Với cách làm này, địa phương vận dụng hình thức “mưa dầm thấm lâu”, qua đó tác động đến ý thức của người dân nói chung, tiểu thương nói riêng trong việc kinh doanh, sử dụng thực phẩm sạch.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng clip, slide hình ảnh tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm nói riêng, Chương trình Thành phố “4 an” nói chung để chiếu tại các quán cà-phê, tại các khu dân cư nhân các buổi sinh hoạt... Cách làm này bước đầu mang lại hiệu quả, đặc biệt ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt”, ông Cương cho biết thêm.

Tính đến nay, công tác triển khai thực hiện “Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2019 được các ngành, các địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện quyết liệt.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa An cho hay, địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời thành lập tổ kiểm tra độc lập để thực hiện công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm trong Tháng hành động. Ngoài ra, địa phương cũng xây dựng cam kết cho các hộ buôn bán thức ăn đường phố cũng như các hộ buôn bán cố định, công bố đường dây nóng của phường để tiếp nhận thông tin về an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, phường Khuê Trung cũng đã tổ chức khám sức khỏe, tập huấn cho 247 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhóm trẻ gia đình theo phân cấp quản lý trên địa bàn phường, hướng dẫn những quy định về dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, cách bảo quản thực phẩm, vệ sinh bát, đĩa, nước uống, tiêu chuẩn phụ gia, gia vị...

Theo bác sĩ Võ Văn Tỵ, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận Cẩm Lệ, riêng trong tháng 4-2019, trên địa bàn quận đã có 4/6 phường tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe cho chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng như nhóm trẻ gia đình, bếp ăn tập thể... với số lượng khoảng 820 người.

Nhiều hoạt động cũng đã được đẩy mạnh thực hiện trong Tháng hành động an toàn thực phẩm năm 2019 như thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm...

Ông Phạm Nam Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho hay, bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm, quận Cẩm Lệ cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân. “Sắp tới quận sẽ nhân rộng mô hình tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh ở chợ cũng như tuyên truyền bằng video, hình ảnh của phường Hòa Xuân đến các địa phương khác. Nội dung tuyên truyền sẽ được chọn lọc, phù hợp với từng chợ, từng địa phương, nhưng về cơ bản vẫn là để nâng cao nhận thức người dân về an toàn thực phẩm”, ông Sơn nói.

Trong quý 1, đoàn kiểm tra liên ngành của quận Cẩm Lệ đã kiểm tra nhắc nhở, chấn chỉnh 24 cơ sở kinh doanh, 16 cơ sở dịch vụ ăn uống tại 4 chợ. Các phường  đã kiểm tra 277/1.384 cơ sở, không có cơ sở vi phạm. Trong khi đó, Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường đã phát hiện và xử lý 1 vụ, 1 tổ chức đối với hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; phạt tiền 28 triệu đồng. Chủ tịch UBND thành phố đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một cơ sở bánh mì tại phường Hòa Xuân với số tiền phạt là 98 triệu đồng vì đã gây ra 1 vụ ngộ độc bánh mì.

Bài và ảnh: NAM TRUNG

;
;
.
.
.
.
.