Tái tạo vòng đời mới cho rác thải

.

Xà phòng thừa, khăn lau trong các khách sạn hạng sang đã được chị Võ Mỹ Hạnh, Giám đốc Trang trại An Nhiên (Hội An, Quảng Nam) “biến tấu” thành những vật dụng hữu dụng và trao tặng cho các nơi cần.

Chị Võ Mỹ Hạnh, Giám đốc Trang trại An Nhiên (thứ hai, phải qua) chia sẻ về quá trình sản xuất xà phòng tái chế.
Chị Võ Mỹ Hạnh, Giám đốc Trang trại An Nhiên (thứ hai, phải qua) chia sẻ về quá trình sản xuất xà phòng tái chế.

Theo chị Võ Mỹ Hạnh, hằng tháng, các khách sạn cao cấp trên địa bàn thành phố Hội An (Quảng Nam) và Đà Nẵng bỏ lượng lớn vải là khăn lau, chăn màn (sau khoảng thời gian sử dụng nhất định theo tiêu chuẩn) và xà phòng thừa. Nếu không tái sử dụng, số xà phòng này sẽ thải ra môi trường, ngấm vào đất và nguồn nước. Trong khi đó, đa phần vải sử dụng trong khách sạn cao cấp là loại tốt và vẫn còn giá trị sử dụng cao sau khi thải ra. Vì vậy, chị Hạnh chủ động liên hệ với các chủ khách sạn xin tiếp nhận các sản phẩm xà phòng đã qua sử dụng một lần cũng như khăn, vải trắng để tái chế thành các sản phẩm hữu ích và trao tặng đến nơi cần.

Sau đó, chị Hạnh cùng các đối tác ra mắt chương trình “Tái chế xà phòng sạch” vào tháng 7-2018 và “Vải cho cuộc sống” vào tháng 9-2018 với mong muốn bảo vệ môi trường. Xà phòng thừa từ các khách sạn được xử lý vệ sinh, gọt bỏ lớp bên ngoài, sau đó cắt nhỏ và ép thành cục. Vải được giặt tẩy theo quy trình bảo đảm vệ sinh rồi chuyển đến các cơ sở may gia công “biến tấu” thành túi xách, đồng phục học sinh, khăn lau, ga trải giường…

Tùy vào đặc điểm, nhu cầu của từng nơi, chị Hạnh trao tặng các sản phẩm phù hợp. Mới đây, 50 bánh xà phòng và gần 400 sản phẩm vải y tế như ga giường, khăn trải bàn, khăn bọc bình o-xy, khăn lau… đã được trao tặng cho Trung tâm Y tế quận Thanh Khê.

Bác sĩ Phan Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Khê cho biết, các sản phẩm y tế mà bệnh viện được tiếp nhận có chất lượng rất tốt, đủ tiêu chuẩn để sử dụng trong các hoạt động y tế thông thường.

Không những giúp giảm thiểu rác thải ra môi trường, các dự án tái chế của Trang trại An Nhiên còn hướng đến tạo việc làm, thu nhập cho phụ nữ khuyết tật tại Đà Nẵng. Theo chị Mai Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (viết tắt là Trung tâm Cormis), từ cuối năm 2018, Trung tâm Cormis hợp tác với Trang trại An Nhiên thực hiện chương trình “Vải cho cuộc sống”, hướng đến giảm thiểu rác thải ra môi trường và tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhóm phụ nữ khuyết tật tại Đà Nẵng.

Hiện nay, Trung tâm Cormis có 6 chị là phụ nữ khuyết tật vận động tham gia; trong đó, 4 chị thường xuyên đến làm việc tại trung tâm và 2 chị khuyết tật nặng được ưu tiên làm việc tại nhà. Khi có các dự án tái chế vải, Trung tâm Cormis nhận vải nguyên liệu về phân phát lại cho các chị khuyết tật may với giá cả phù hợp.

Chị Ngô Thị Thu Hồng (SN 1969, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) là một trong những người khuyết tật làm việc tại Trung tâm Cormis được hỗ trợ công việc tham gia cắt, may các sản phẩm từ vải tái chế để có thêm thu nhập. Giờ đây, ngoài nguồn thu nhập từ việc may quần áo tại nhà, chị Hồng còn có thêm khoản thu nhập đến từ công việc tại trung tâm nên cuộc sống thoải mái hơn.

Tương tự, chị Lê Thị Thanh Hòa (42 tuổi, trú quận Sơn Trà) tâm sự: “Trước đây, tôi không có việc làm ổn định, thu nhập cả năm chỉ dựa vào việc kết hoa từ vải voan, hạt cườm để bán kiếm lời dịp Tết. Thu nhập chỉ đủ sắm sửa bộ quần áo, mua ít bánh mứt…”, chị Hòa tâm sự. Từ khi biết đến trung tâm, chị Hòa học nghề may, tham gia làm việc và có được khoản khu nhập từ 70.000-120.000 đồng/ngày tùy vào thời điểm hàng nhiều hay ít. “Với khoản thu nhập này, tôi có thể tự chi tiêu cho sinh hoạt cá nhân và tích lũy một ít”, chị Hòa vui vẻ.

Bài và ảnh: HUY HOÀNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.