Tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bhutan

.

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Quốc gia (Thượng viện) Vương quốc Bhutan do Chủ tịch Tashi Dorji dẫn đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11 đến 14-5.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp ông Tashi Dorji, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia (Thượng viện) Vương quốc Bhutan.  Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp ông Tashi Dorji, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia (Thượng viện) Vương quốc Bhutan.  Ảnh: TTXVN

Chiều 13-5, tại buổi hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Bhutan Tashi Dorji cùng cho rằng, Việt Nam và Bhutan có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, nền văn hóa đa dạng, di sản Phật giáo, nhân dân yêu chuộng hòa bình; do đó có thể hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm phát triển đất nước và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, cùng khai thác các lợi thế kinh tế của nhau. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bhutan có những chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư vào Bhutan, nhất là đối với các lĩnh vực Bhutan đang có nhu cầu nhập khẩu như thiết bị máy móc phục vụ ngành nông nghiệp, du lịch.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm với Bhutan trong phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, giáo dục, các chính sách bảo trợ xã hội.

Hai nhà lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Quốc gia đánh giá cao việc kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2012, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước hiện đang phát triển tốt đẹp, tuy nhiên, kết quả còn thấp so với tiềm năng và thế mạnh hai nước; quan hệ song phương còn nhiều hạn chế, ít có trao đổi đoàn. Vì vậy, hai bên cần thúc đẩy hợp tác du lịch và tăng cường giao lưu nhân dân nhằm khai thác các điểm tương đồng về văn hóa, đặc biệt là Phật giáo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn hai bên triển khai hợp tác khai thác các đường bay như cho thuê chuyến; khuyến khích các địa phương hai nước tăng cường kết nối, lập thành phố kết nghĩa, cũng như hợp tác giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam và Hội đồng Du lịch Bhutan hoặc Hội đồng Du lịch Bhutan và tỉnh Hà Giang - một địa điểm du lịch nổi tiếng và có nhiều nét giống với Bhutan. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên sớm ký Thỏa thuận miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ; xem xét và khuyến khích mở Lãnh sự danh dự ở hai nước - cầu nối hiệu quả trong thúc đẩy quan hệ và mở rộng hợp tác giữa hai nước.

Hai nhà lãnh đạo cùng đồng ý, hai nước cần thúc đẩy một số hoạt động cụ thể như: đẩy mạnh trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

* Cùng ngày, tiếp Chủ tịch Thượng viện Bhutan Tashi Dorji đang ở thăm Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu mà Bhutan, đất nước nhỏ bé, dân số ít nhưng lại có chỉ số hạnh phúc cao nhất trên thế giới, đã đạt được.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ toàn diện, nhiều mặt với Bhutan. Hai nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, do đó có thể hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh hợp tác kinh tế, thương mại song phương còn khiêm tốn, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực Bhutan có nhu cầu như máy móc và phụ tùng ngành nông nghiệp và sản xuất, đồ gỗ nội thất. Hai bên thúc đẩy hợp tác du lịch, các chuyến bay charter nhằm khai thác các điểm tương đồng về văn hóa, đặc biệt là Phật giáo; mong muốn phía Bhutan tiếp tục tạo điều kiện để công dân Việt Nam sinh sống, làm việc ở sở tại, đóng góp vào nền kinh tế Bhutan và làm cầu nối cho quan hệ hai nước. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trên lĩnh vực nông nghiệp với Bhutan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong Bhutan sẽ tiếp tục ủng hộ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để hai nước có tiếng nói đồng thuận tại các tổ chức mà hai bên là thành viên.

Theo Quochoi.vn, TTXVN

;
;
.
.
.
.
.