Tăng tuổi nghỉ hưu: Còn nhiều băn khoăn

.

Dự luật đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động hình thành nên 2 luồng ý kiến trái ngược khi một bên ủng hộ và bên còn lại còn rất... băn khoăn!

Theo dự án Bộ luật Lao động được Quốc hội thảo luận ngày 12-6, thì có 2 phương án về tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện phổ thông bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ, sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi mới nghỉ hưu.

Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và 55 tuổi 6 tháng đối với nữ, sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 và nữ đủ 60 tuổi.

Nói chung cả 2 phương án chỉ khác nhau cách cộng (+) thêm số tháng/năm, nhưng vẫn hướng đến mục đích chung là nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60. Lý do về việc nâng tuổi về hưu của người lao động thì có nhiều, như: tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng hơn trước đây nên thời gian làm việc phải tăng thêm; tránh mất cân đối giữa số người lao động và số người nghỉ hưu; bảo đảm an sinh xã hội; do so sánh tuổi nghỉ hưu của Việt Nam là còn khá trẻ so với thế giới...

Đây là những vấn đề đúng với thực trạng hiện nay, phản ánh đúng xu thế phát triển của đất nước. Thế nhưng, điều này chỉ mới đúng chứ chưa đủ, nếu chỉ thuần túy đem ra so sánh về tuổi nghỉ hưu của người Việt với các nước, nhất là ở các nước phát triển tuổi nghỉ hưu khá cao.

Với những người còn... băn khoăn, vẫn còn quá nhiều điều khập khiễng khi so sánh tuổi nghỉ hưu của người Việt với người nước khác, cũng như điều kiện làm việc của người Việt với người nước khác lại càng khập khiễng hơn. Lấy một ví dụ trong ngành y, ở những nước phát triển thì một điều dưỡng chăm sóc 1 bệnh nhân nặng. Trong khi đó, ở Việt Nam thì “định biên” này là 1 điều dưỡng chăm sóc 2 bệnh nhân nặng.

Đây cũng chỉ là lý thuyết, thực tế những điều dưỡng ở Việt Nam, nhất là ở những bệnh viện tuyến cuối thì con số này thường là gấp 3-4 lần, thậm chí là cả chục lần. Trong khi điều kiện làm việc còn thiếu thốn nhiều phương tiện hỗ trợ mà phải làm việc gấp nhiều lần như vậy, với thời gian kéo dài suốt cả đời công chức như vậy thì lấy đâu ra sức để họ làm cho đến tuổi 60 với nữ và 62 đối với nam!? Tương tự, ở những nước phát triển quy định rất rõ là mỗi ngày bác sĩ không được khám quá 15 bệnh nhân, thế nhưng ở Việt Nam con số này thường phải nhân lên gấp 10 lần.

So với y tế, “người anh em” ngành giáo dục cũng không khá hơn. Một ví dụ, trong khi ngành quy định mỗi cô giáo mầm non chỉ được trông dưới 8 trẻ, tuy nhiên thực tế ở hầu hết các trường mầm non công lập phải gấp 2-3 lần con số này. Quá tải là vậy nhưng gần đây rất nhiều trường mầm non còn không dám cho giáo viên nghỉ hè lâu mà rút dần xuống chỉ còn 3-7 ngày. Nguyên nhân là nếu trường nào nghỉ lâu, phụ huynh sẽ gửi con nơi khác, như vậy thì... thất nghiệp.

Ngay như nghề lái xe đường dài, dù quy định rất rõ là đối với cung đường trên 300km thì phải có 2 tài thay phiên nhau lái nhằm bảo đảm sức khỏe cho người lao động, vừa tránh gây ra tai nạn giao thông do quá mệt mỏi. Thế nhưng, thực tế thì hiếm khi đơn vị vận tải nào bảo đảm đúng điều này, bởi lẽ nếu có đủ 2 tài với những cung đường dài trên 300km cũng có nghĩa phải thêm 1 suất lương nữa!

Xuất phát từ chính thực tế này mà theo rất nhiều người lao động, nên chăng trước khi tính chuyện tăng tuổi nghỉ cho bằng, hoặc tiệm cận các nước, đảm bảo an sinh xã hội... thì trước hết phải tạo ra một môi trường làm việc tương tự, hoặc ít ra cũng gần được như vậy. Chỉ có môi trường lao động tốt, an toàn, đúng định mức ban hành, thì mới bảo vệ được sức khỏe của người lao động. Còn nếu chỉ tập trung tăng tuổi nghỉ hưu, dù là theo lộ trình, theo cách nói của đại diện Bộ LĐ-TB&XH để tránh sự thay đổi đột ngột cho người lao động cũng sẽ không đem lại kết quả như mong đợi.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.