Tìm lời giải cho bài toán không gian công cộng - Bài cuối: Cần thay đổi nhận thức

.

Cùng với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 1-2-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 147/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045. Đây là cơ hội để Đà Nẵng điều chỉnh, dành quỹ đất cho không gian công cộng.

Đà Nẵng cần nhiều khoảng xanh giữa lòng đô thị.
Đà Nẵng cần nhiều khoảng xanh giữa lòng đô thị.

Theo KTS Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố, yếu tố mang tính then chốt chính là cần nhận thức một cách sâu sắc tầm quan trọng của mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường; từ đó, lưu tâm đến việc đưa các không gian công cộng với công viên, mảng xanh, bãi biển xanh - sạch - đẹp, các thiết chế văn hóa… vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố sắp tới.

KTS Tô Văn Hùng đề xuất, đối với đô thị hiện đại như Đà Nẵng, thì ý tưởng “thành phố vườn” là mô hình đô thị rất cần được quan tâm. Thực tế, mô hình “thành phố vườn” đã được đưa ra lần đầu tiên trên thế giới từ năm 1898 và được nhiều thành phố trên thế giới áp dụng thành công với mục tiêu “hài hòa cả đô thị và nông thôn, cả con người và tự nhiên: vừa đủ lớn để tạo thuận lợi cho sự tập trung dân cư, nhưng cũng đủ nhỏ để duy trì sự gần gũi”.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng này cần sự quyết tâm chính trị rất cao, cụ thể hóa bằng kế hoạch và lộ trình thực hiện, sự khắt khe trong tuân thủ quy chuẩn, quy chế quản lý, cam kết và thực hiện đúng về việc dành đất cho phát triển cây xanh; đồng thời, cần đặt ra yêu cầu công trình kiến trúc thân thiện môi trường như thế nào, tổ chức giao thông “xanh” ra sao… Ngay cả việc trồng loại cây gì, tổ hợp ra sao gắn với giải pháp tưới tiêu hiệu quả như thế nào, đều cần phải được tính toán kỹ lưỡng.

KTS Tô Văn Hùng đưa ra một số giải pháp khả thi và mang tính lâu dài như: tăng diện tích cây xanh bằng việc tận dụng tối đa những khoảnh đất thừa, đất rẻo trong đô thị theo mô hình “công viên bỏ túi”, bảo đảm trong phạm vi từ 300-500m sẽ có 1 khuôn viên cây xanh. Cần tổ chức không gian cảnh quan đô thị trên nguyên tắc lấy dòng sông Hàn tạo “lõi xanh”, dãy núi nam Hải Vân tạo thành hình cánh cung ôm lấy vịnh Đà Nẵng vừa là phông nền tạo cảnh, vừa “đóng khung” không gian biển; lấy ngọn Ngũ Hành Sơn lịch sử làm trung tâm phát triển khu đông nam (việc đóng khung và chia cắt ngọn núi như hiện tại đã phá hủy cảnh quan tự nhiên vốn có), lấy bán đảo Sơn Trà tạo yếu tố “nút” cho không gian phía đông và ngọn núi Bà Nà là điểm hội tụ phía tây thành phố.

Ở góc nhìn khác, KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng cho rằng, cần dành quỹ đất dọc theo bờ sông Hàn để phát triển công viên bằng cách thu hồi lại những thửa đất đã cho doanh nghiệp thuê lâu năm, không để đất thuê này biến thành đất sở hữu của doanh nghiệp. Có như vậy mới mong xây dựng được công viên mang tầm cấp thành phố như đã từng đưa ra trong đồ án quy hoạch trước đó.

Ngoài ra, thành phố phải luật hóa thành những quy định về “không gian xanh”, trong đó có những yêu cầu bắt buộc thay vì khuyến khích; bảo tồn các khu vực hiện có bằng những định chế như cắm mốc, khoanh núi, ven sông, tạo hành lang bảo vệ; xanh hóa các công trình, khuyến khích người dân trồng cây, tăng mật độ xanh…

“Đất nước Singapore được biết đến với thương hiệu xanh và sạch. Đó là do chính phủ coi trọng phát triển mảng xanh đô thị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Tại Singapore, người ta thiết kế và thi công các tường xanh, mái nhà xanh, thậm chí trồng cây ngay trong lòng tòa nhà; người dân cũng ý thức về tăng mật độ xanh xung quanh nơi họ sinh sống… Có rất nhiều cách để tạo nên những khoảng xanh”, KTS Phan Đức Hải góp ý.

Theo ông Nguyễn Phúc Thọ, Viện phó Viện Quy hoạch-Kiến trúc thành phố, thời điểm này đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nhằm tiến hành rà soát thực trạng và quy hoạch đô thị của thành phố nhằm có những  đóng góp ý kiến để đơn vị tư vấn Singapore có cái nhìn toàn diện trong việc điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Hy vọng, các vấn đề liên quan đến khuôn viên công cộng như cây xanh, công viên… sẽ được đặc biệt quan tâm nhất là khi thành phố muốn học tập mô hình phát triển từ Singapore, một quốc gia rất chú trọng đến các mảng xây trong việc quy hoạch.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng tiếp tục phát huy hơn nữa các phong trào ngày chủ nhật xanh - sạch- đẹp, trường học xanh, cơ quan xanh, quận/huyện môi trường... với tiêu chí cụ thể, như: mỗi em học sinh sẽ trồng một cây xanh, mỗi nhân viên văn phòng tham gia đóng góp quỹ dành cho việc trồng và chăm sóc cây xanh nơi công sở, mỗi doanh nghiệp đến đầu tư làm ăn sinh sống trên địa bàn thành phố tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí phát triển mảng xanh, quỹ chăm sóc cây xanh nơi công cộng, trong các khu dân cư…

* Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố: Dành đất thu hồi từ các dự án cho không gian công cộng

Đối với ngành văn hóa, chúng tôi vô cùng phấn khởi bởi gần đây, thành phố có chủ trương dành đất cho không gian công cộng như: mở rộng Công viên APEC; mở lối xuống biển… Tại cuộc họp mới đây về các phương án kiến trúc Bảo tàng Đà Nẵng (42, 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú), lãnh đạo thành phố cũng đồng tình với việc hạn chế tối đa xây dựng các công trình bê-tông hóa, tăng không gian xanh.

Điều đó cho thấy chuyển biến tích cực trong tư duy, nhận thức; chúng tôi kỳ vọng thành phố kiên định chủ trương dành đất thu hồi từ các dự án cho không gian công cộng, giảm thiểu bê-tông hóa, bởi so với các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng…, Đà Nẵng thiếu không gian xanh, đặc biệt công viên lớn.

* Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố: Cần thêm không gian xanh ven sông Hàn

Người Đà Nẵng - nhất là những người sống ở nội thành - rất cần không gian sinh hoạt cộng đồng để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, cũng là để tránh giam mình suốt ngày do kín cổng cao tường then cài cửa đóng… Không gian sinh hoạt cộng đồng cũng là nơi người Đà Nẵng bảo tồn và quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình. Nhưng hiện nay, thành phố đang thiếu trầm trọng không gian sinh hoạt cộng đồng - từ cấp thành phố cho tới khu dân cư. Quyết định số 147/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 nhen nhóm lên hy vọng rằng nếu khu vực ven sông Hàn sẽ có thêm công viên - một rừng cây trong phố ven sông - thì quá đỗi tuyệt vời.

* Ông Phùng Phú Phong, Phó trưởng ban Ban Đô thị HĐND thành phố: Phải rà soát lại công tác quy hoạch và triển khai xây dựng tiện ích công cộng

Tôi cho rằng đây là thời điểm thành phố cần rà soát lại hiện trạng quy hoạch, triển khai xây dựng các tiện ích phục vụ công cộng, trong đó có các công viên, vườn dạo, mảng xanh… Hiện nay, Đà Nẵng chưa có công viên xứng tầm với vị trí của một đô thị loại I. Các dự định về công viên Thành Điện Hải, công viên do xã hội hóa đầu tư ở huyện Hòa Vang, công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn… vẫn chưa được hình thành. Lần điều chỉnh quy hoạch này là cơ hội để thành phố, người dân cùng đóng góp ý kiến và đề xuất các ý tưởng để thành phố hoàn thiện quy hoạch chung. Với lợi thế về thiên nhiên, Đà Nẵng có nhiều cách để tiếp cận, hình thành nên các dạng khuôn viên công cộng, các mảng xanh khác nhau. Nếu cần, có thể phát động người dân trồng cây. Vấn đề này thành phố vẫn chưa làm được trong khi thế giới luôn dành sự ưu tiên lớn cho mảng xanh và nguồn lực từ xã hội hóa luôn sẵn sàng.

* Bà Lê Thị Hoàng Thanh (ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu): Cần có những công viên, vườn bách thú cho thế hệ sau

Theo tôi, thành phố không nên đầu tư dàn trải vì hiện nay quỹ đất của thành phố không còn nhiều, chỉ cần đầu tư một vài công trình thực sự có quy mô, chất lượng. Thật tốt nếu Đà Nẵng vừa có công viên, sở thú, cây xanh cùng hệ thống các trò chơi làm nơi tham quan, vui chơi, giải trí cho người dân cũng như khách du lịch.

Bài và ảnh:  NGỌC HÀ – KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.