Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương

.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản từ ngày 27-6 đến ngày 1-7-2019.

Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Năm 2009, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. Năm 2011, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Tháng 5-2016, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3-2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.  Về thương mại, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Tổng kim ngạch thương mại 5 tháng đầu năm 2019 đạt 15,28 tỷ USD (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó xuất khẩu đạt 7,93 tỷ USD (tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018), nhập khẩu đạt 7,35 tỷ USD (tương đương so với cùng kỳ năm 2018).

Việt Nam và Nhật Bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực có bước đột phá, đặc biệt ở các lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu… Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục-đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đến tháng 6-2018 khoảng 80.683 người, đứng thứ hai tại Nhật Bản.

Nhật Bản đang hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, phổ thông cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 10-2018, hai bên đã ký Biên bản hợp tác về các biện pháp giảm thiểu tình trạng du học sinh Việt Nam vi phạm pháp luật tại Nhật Bản.

Nhật Bản là một trong những nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam. Hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác du lịch Việt Nam-Nhật Bản, tạo điều kiện cho việc thu hút khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam. Hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ.

Về Hội nghị Thượng đỉnh G20,  Việt Nam được mời tham dự lần đầu tiên vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN. Trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và đã tích cực tham dự và đóng góp có trách nhiệm tại hội nghị cũng trong quá trình tham gia các hoạt động của G20 trong năm, tạo được ấn tượng tốt đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong Năm APEC 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị G20 xây dựng Khuôn khổ toàn cầu mới về thúc đẩy tự do thương mại, chuyển giao công nghệ các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số và xem xét lập Diễn đàn toàn cầu về khởi nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều sáng kiến đóng góp của Việt Nam đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, phát triển bao trùm và bền vững, nông nghiệp và an ninh nguồn nước, việc làm trong kinh tế số…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này khẳng định chủ trương đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương tạo cơ sở, góp phần tiếp tục đề cao vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương, quảng bá hình ảnh Việt Nam phát triển năng động, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy, Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản, nhấn mạnh những cơ hội hợp tác giữa hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển ngày càng toàn diện và thực chất hơn.

Theo TTXVN


 

;
;
.
.
.
.
.