'Áo mới' cho di ảnh liệt sĩ

.

ĐNO - “Còn mấy tuần nữa là đến 27-7 (Ngày Thương binh-Liệt sĩ - PV), lại một mùa kỷ niệm nữa ùa về…”, ông Lê Văn Xuân - cha của liệt sĩ Lê Văn Xanh đã hy sinh tại đảo Gạc Ma vừa nói vừa thắp nén nhang lên bàn thờ người con anh dũng. Trước mặt ông là di ảnh của liệt sĩ Xanh được đặt trang nghiêm, với hình ảnh người thanh niên tuổi độ đôi mươi trong bộ quân phục hải quân.

a
Ông Lê Văn Xuân thắp nhang trước di ảnh con trai là liệt sĩ Lê Văn Xanh hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988.

Thay "áo mới" cho di ảnh liệt sĩ

31 năm kể từ ngày con trai ra đi, ông Xuân nay đã ngoài 70 tuổi. Ông kể, ngày Xanh nhập ngũ, anh hứa với gia đình sẽ lấy vợ, sẽ có con, có cháu. Nhưng rồi… anh hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988. Ảnh thờ của anh sau ngày ấy là bức ảnh cũ, nhòe mờ.

Liệt sĩ Lê Văn Xanh là 1 trong 10 chiến sĩ quê Quảng Nam - Đà Nẵng đã anh dũng hy sinh ở đảo Gạc Ma. Tên của họ, những người ở lại vẫn khắc sâu trong tâm trí, đó là Nguyễn Bá Cường, Trần Văn Tài, Phạm Văn Sự, Trương Quốc Hùng, Nguyễn Phú Đoàn, Phạm Văn Lợi, Trần Mạnh Việt, Lê Thể, Nguyễn Hữu Lộc.

Họ cùng nhập ngũ, tham gia vào Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83 Công binh thuộc Quân chủng Hải quân khi vừa bước qua tuổi hai mươi. Vì hy sinh đột ngột, hầu như không ai kịp có bức ảnh trong màu áo Quân chủng Hải quân…

Cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Trường Sa (ban liên lạc) giai đoạn 1984-1988 kể lại: “Mỗi dịp 14-3, chúng tôi ghé thăm nhà, thắp cho đồng đội nén nhang, mới thấy ảnh thờ của anh em chưa trọn vẹn. Mấy năm ấy, anh em lên tàu ra bảo vệ biển đảo, đâu có kịp chụp tấm ảnh nào với quân phục hải quân. Có gia đình đặt di ảnh là bức ảnh thời học sinh, có gia đình đặt chứng minh nhân dân trên bàn thờ, có những anh em không có bức ảnh nào, chỉ có ảnh họa lại…”.

Nhìn cảnh ấy, người ở lại rưng rưng. Họ bàn nhau “thay áo mới” cho di ảnh người đã khuất. Nói là làm, những thành viên trong ban liên lạc đi vận động, thuyết phục từng gia đình đồng đội để phục chế di ảnh của các liệt sĩ.

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12) năm 2013, ban liên lạc nhờ một thợ ảnh đến từng gia đình chụp lại từng bức ảnh cá nhân, ghi chú cẩn thận từng thông tin liệt sĩ vào đằng sau mỗi bức ảnh để phục chế màu bằng kỹ thuật số. Kinh phí cho việc phục chế ảnh do các thành viên ban liên lạc tự huy động, đóng góp.

Niềm an ủi cho người ở lại

“Chúng tôi đi mượn một bộ quân phục chiến sĩ hải quân để chụp làm mẫu áo ghép ảnh. Rồi nhờ một anh thợ ảnh làm. Kết quả ảnh in ra đẹp, sáng trưng”, ông Tấn kể lại.

Đã 6 năm trôi qua, bây giờ, trên mỗi bàn thờ của 10 liệt sĩ Gạc Ma là những bức ảnh trọn vẹn, được đóng khung cẩn thận. Mỗi gương mặt trẻ trung, cương trực vẫn “mãi mãi tuổi 20”, nhìn oai nghiêm hơn trong màu áo lính đảo.

Với gia đình thân nhân của các liệt sĩ, những di ảnh được phục chế như một niềm an ủi lớn, làm vơi đi phần nào nỗi đau mất mát của người ở lại. Đó là niềm an ủi cho gia đình những người đã ra đi”, ông Lê Văn Xuân tâm sự.

Không chỉ có hoạt động phục chế di ảnh cho đồng đội, ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sa giai đoạn 1984-1988 còn đồng hành với gia đình đồng đội trong cuộc sống, giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình khó khăn. Đặc biệt, trong mỗi dịp tưởng niệm hải chiến Gạc Ma vào ngày 14-3 hằng năm, các thành viên ban liên lạc tự tay lên kịch bản, liên hệ khách mời, kết nối báo chí với các gia đình liệt sĩ.

Bài và ảnh: XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.