Nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn là bức thiết

.

Từ nay đến năm 2022, thành phố sẽ đầu tư và kêu gọi đầu tư cải tạo, nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn (LHXLCTR) hiện đại với tổng kinh phí đầu tư khoảng 5.400 tỷ đồng. Các chuyên gia về môi trường tán thành cao về chủ trương này; đồng thời, kiến nghị cần triển khai sớm và đầu tư bài bản để xử lý triệt để vấn đề gây ảnh hưởng đến môi trường.

Việc đầu tư nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn hiện đại là cấp thiết. TRONG ẢNH: Xe thu gom rác tại bãi rác Khánh Sơn.     Ảnh: HOÀNG HIỆP
Việc đầu tư nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn hiện đại là cấp thiết. TRONG ẢNH: Xe thu gom rác tại bãi rác Khánh Sơn.

PGS.TS Trần Cát, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho rằng, về địa hình, bãi rác Khánh Sơn nằm trong khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng, diện tích chưa xây dựng còn khoảng 9,5ha, tạm đủ để triển khai một nhà máy đốt rác phát điện công suất 1.100 tấn/ngày. Trong tương lai, khi khu LHXLCTR hình thành, có thể khai thác khối lượng rác khoảng 2,3 triệu tấn đã chôn lấp ở các hộc rác cũ (từ số 1 đến số 5), giải phóng diện tích các hộc rác này để tiếp tục xây dựng một khu LHXLCTR. Xung quanh bãi rác Khánh Sơn với bán kính khoảng 1 km, không có núi cao án ngữ nên sẽ không tạo ra “vùng bóng khí động” cản trở việc khuếch tán khói thải của lò đốt rác ra môi trường...

Về địa chất, qua hoạt động nhiều năm nay của bãi rác Khánh Sơn cho thấy, cấu trúc địa chất ở vùng này đủ bảo đảm để xây dựng một khu LHXLCTR hoàn chỉnh. Về thủy văn, mực nước ngầm nói chung ổn định, các sông, suối ở gần bãi rác ngắn và có độ dốc để dẫn nước chảy về sông Phú Lộc, thoát ra biển. Các nguồn nước này không sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nên có thể sử dụng để làm nguồn thải của nước rỉ rác đã xử lý đạt quy chuẩn cho phép...

Đặc biệt, việc xây dựng khu LHXLCTR tại bãi rác Khánh Sơn sẽ không tốn diện tích mặt bằng so với việc xây dựng ở nơi khác vì sẽ tận dụng được các công trình cũ và rất thuận tiện cho việc xử lý lượng rác đã chôn lấp lâu nay, không phải vận chuyển khối lượng rác này đi nơi khác vừa gây tốn kém, vừa gây ô nhiễm môi trường khi vận chuyển…

“Việc nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn là cần thiết và khu vực bãi rác Khánh Sơn có đầy đủ các điều kiện để xây dựng thành Khu LHXLCTR hoàn chỉnh, hiện đại. Điều cần làm hiện nay là thành phố cần phải tạo được sự đồng thuận của nhân dân quanh vùng về chủ trương nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn thành khu LHXLCTR. Cạnh đó, phải có chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư thỏa đáng cho các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch. Về mặt công nghệ xử lý rác, cần phải chọn được công suất nhà máy xử lý rác thích hợp, đáp ứng xử lý khối lượng rác thải sinh hoạt phát thải ra hằng ngày của thành phố và lượng rác đã chôn lâu nay ở bãi rác Khánh Sơn. Đồng thời, phải chọn được công nghệ xử lý tốt, ít chất thải, không gây ô nhiễm môi trường, tốt nhất là chọn công nghệ đốt rác phát điện theo các tiêu chuẩn của châu Âu (EU)”, PGS.TS Trần Cát cho hay.

Theo PGS.TS Trần Văn Quang, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), việc triển khai dự án Khu LHXLCTR ở khu vực bãi rác Khánh Sơn có nhiều thuận lợi, nhất là đã có đường giao thông sẵn có, lộ trình vận chuyển rác cũng gần hơn… Mặt khác, thành phố đã lựa chọn công nghệ đốt rác thì khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước của thành phố gần như là không có.

“Nhìn chung, nếu đầu tư tốt thì không có gì tác động đến môi trường không khí. Ở các nước tiên tiến, nhất là Nhật Bản, Thụy Điển… có nhiều nhà máy đốt rác nằm ở trong thành phố vì đầu tư công nghệ xử lý không gây ô nhiễm môi trường, thậm chí là có cảnh quan rất đẹp. Tóm lại, nếu làm tốt, nghiêm túc và đầu tư lọc khói, khí thải tốt thì việc đặt nhà máy đốt rác không ảnh hưởng đến môi trường”, PGS.TS Trần Văn Quang nói.

Vào ngày 22-4-2019, UBND thành phố đã có Thông báo số 157/TB-VP ngày 22-4-2019 thống nhất định hướng triển khai nâng cấp, cải tạo bãi rác Khánh Sơn bảo đảm các tiêu chuẩn về xử lý chất thải, hiện đại và khôi phục lại môi trường sạch tại khu vực, trong đó bao gồm các hạng mục: đầu tư các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến; nâng cấp cải tạo các hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn hiện hữu, quy hoạch lại khu vực bãi rác Khánh Sơn, nghiên cứu đền bù giải tỏa các hộ dân không bảo đảm khoảng cách an toàn; đưa dự án Khu LHXLCTR tại xã Hòa Nhơn vào quy hoạch dự phòng tương lai...

 Dự kiến từ nay đến năm 2022, sẽ khởi công và đưa vào vận hành các công trình với tổng mức đầu tư 5.400 tỷ đồng nhằm cải tạo, nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn hiện đại.
Dự kiến từ nay đến năm 2022, sẽ khởi công và đưa vào vận hành các công trình với tổng mức đầu tư 5.400 tỷ đồng nhằm cải tạo, nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn hiện đại.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc khởi công xây dựng hộc chôn lấp rác số 6 sẽ tiến hành trong tháng 10-2019 với tổng kinh phí đầu tư 189 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, hoàn thành vào tháng 3-2020; khởi công công trình nâng cấp hệ thống xử lý nước rỉ rác giai đoạn 2 vào tháng 12-2019 với kinh phí đầu tư 300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, hoàn thành vào tháng 6-2020; khởi công công trình phủ bạt các hộc chôn lấp rác còn lại trong tháng 7-2019 với kinh phí đầu tư 14 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, hoàn thành vào tháng 9-2019.

Theo kế hoạch, nhà máy điện rác có công suất xử lý 650 tấn/ngày với kinh phí đầu tư 1.700 tỷ đồng (ngân sách nhà đầu tư) dự kiến khởi công trong năm 2019, hoàn thành vào tháng 3-2021; khởi công nhà máy xử lý rác y tế, nhà máy xử lý phân bùn trong năm 2019 với tổng kinh phí đầu tư 110 tỷ đồng (ngân sách nhà đầu tư), hoàn thành vào năm 2020.

Thành phố khởi công và hoàn thành xây dựng thêm hạ tầng kỹ thuật Khu LHXLCTR tại khu vực Khánh Sơn trong năm 2020 với tổng kinh phí đầu tư 85 tỷ đồng từ ngân sách thành phố; kêu gọi đầu tư thêm nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công suất xử lý rác 1.000 tấn/ngày có kinh phí đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng (ngân sách nhà đầu tư), dự kiến khởi công trong năm 2020, hoàn thành vào năm 2022.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.