"Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa"

.

Sinh thời, Bác Hồ hết sức quan tâm đến chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển ngày 10-4-1956, Bác Hồ chỉ rõ: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? (…) Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên… Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển.

Du khách xem triển lãm về Hoàng Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: S.TRUNG
Du khách xem triển lãm về Hoàng Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: S.TRUNG

Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”. Hết sức quan tâm đến chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc nên chỉ hai tháng sau khi Cục Hải quân - tiền thân của quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam, lực lượng trụ cột canh giữ vùng biển thân yêu của Tổ quốc và các biển, đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam - được thành lập, ngày 30-3-1959, Bác Hồ đã đến thăm Trường Huấn luyện bờ biển của Hải quân và Xưởng X46, rồi xuống tàu T.524 đi kiểm tra một số đảo trên vùng biển Đông Bắc như Hòn Rồng, Tuần Châu...

Bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 16-3-1961, Bác Hồ đến thăm bộ đội Hải quân lần thứ hai tại Quân cảng Bãi Cháy. Khi đi tàu trên sông Bạch Đằng lịch sử để ra cửa biển, Bác ân cần căn dặn những người lính biển: “Bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng.

Vì vậy, nhiệm vụ của hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”(*).

Truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên mà Bác Hồ muốn nói chính là kinh nghiệm 3 lần ông cha ta chống quân xâm lược trên Bạch Đằng giang: lần thứ nhất là trận thủy chiến Bạch Đằng năm 938 gắn liền với chiến công của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán; lần thứ hai là trận thủy chiến Bạch Đằng năm 981 gắn liền với chiến công của Lê Hoàn đánh tan quân Tống và lần thứ ba là trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 gắn liền với chiến công của Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên.

Như vậy, trong tư duy của Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, giữ biển, đảo là phải giữ cả vùng biển lẫn vùng bờ; giữ biển, đảo không chỉ là nhiệm vụ của cư dân miền biển/cư dân hải đảo mà còn và chủ yếu là nhiệm vụ của quân chủng Hải quân; giữ biển, đảo là phải kết hợp giữa sức mạnh hiện đại và sức mạnh truyền thống - vừa phải nắm vững kỹ thuật quân sự tiên tiến, vừa phải biết ôn cố tri tân.

Quán triệt tư duy Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, ngày 3-7-2012, tại kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII đã thống nhất đưa vấn đề phản đối Trung Quốc lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” ở Biển Đông trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào nghị quyết kỳ họp, trong đó nêu rõ:

“HĐND thành phố Đà Nẵng khẳng định huyện Hoàng Sa là một đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng. Việc Trung Quốc quyết định thành lập thành phố Tam Sa với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị về mặt pháp lý. HĐND thành phố Đà Nẵng kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ quyết định này”.

Quán triệt tư duy Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, cuối tháng 3 năm 2018, Nhà Trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng chính thức khánh thành và đi vào hoạt động. Khó có thể hình dung một Đà Nẵng đang từng ngày phát triển mà không có một nơi để trưng bày và quảng bá rộng rãi những bằng chứng vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ.

Điều rất có ý nghĩa là bản thân Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã được nhóm tác giả Fuminori Minakami, Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang thiết kế có hình “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” hết sức ấn tượng.

Ý tưởng thiết kế độc đáo này đã thể hiện sinh động sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời chứng tỏ Việt Nam đã có quá trình xác lập và thực thi chủ quyền rất sớm đối với quần đảo Hoàng Sa, ít nhất từ thời các chúa Nguyễn mà việc vua Minh Mạng đóng dấu trong văn bản thành lập hải đội Hoàng Sa là một trong những dấu mốc quan trọng của quá trình xác lập và thực thi chủ quyền không thể tranh cãi này.

Nhà Trưng bày Hoàng Sa.Ảnh: THANH QUỲNH
Nhà Trưng bày Hoàng Sa.Ảnh: THANH QUỲNH

Quán triệt tư duy Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, tại Hội nghị lần thứ 17 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII tổ chức chiều 29-7-2019, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Vũ Trọng Kim đã phát biểu rất đúng rằng, đánh giá tình hình Biển Đông dậy sóng hiện nay, MTTQ Việt Nam phải đóng vai trò “người trong cuộc” chứ không phải như một “quan sát viên”, nhấn mạnh đã là “người trong cuộc” thì không thể chỉ nêu rằng “tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và căng thẳng” trong bối cảnh nhóm tàu Hải Dương Địa Chất Bát Hào đang có những hành vi bất hảo ở bãi Tư Chính của nước ta.

Cũng trong ngày 29-7-2019, Hội Nghề cá Việt Nam có văn bản “kịch liệt lên án và phản đối hành động của phía Trung Quốc vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển, đảo Việt Nam”, nhấn mạnh “hành vi này gây cản trở việc khai thác hải sản của ngư dân vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ” và yêu cầu Trung Quốc rút ngay nhóm tàu Hải Dương Địa Chất Bát Hào ra khỏi vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam...

Quán triệt tư duy Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, trong khuôn khổ Ngày hội Sử học Đà Nẵng 2014, cuộc thi Viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu do Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND huyện đảo Hoàng Sa, Thành Đoàn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức sau khai giảng năm học mới 2014-2015, đã nhận được 87.701 bức thư viết tay gửi dự thi của sinh viên các trường cao đẳng, đại học và học sinh.

Người dự thi được yêu cầu thể hiện tình cảm của bản thân đối với huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng - phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị ngoại bang chiếm đóng, trong một bức thư viết dưới dạng văn xuôi gửi cho một người bạn thân đang là học sinh/sinh viên ở một tỉnh, thành phố trong nước hoặc nước ngoài.

Đầu năm 2015, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Sở GD-ĐT, Nhà Xuất bản Giáo dục tại Đà Nẵng biên soạn và phát hành bộ tài liệu Lịch sử Đà Nẵng gồm hai cuốn - một cuốn dành cho học sinh THCS; một cuốn dành cho học sinh THPT, phục vụ việc dạy - học lịch sử địa phương.

BÙI VĂN TIẾNG

(*) Dẫn theo Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, tập 8, 1961-1963, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, trang 46.
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.