Cải cách hành chính để người dân hài lòng hơn

.

Sau 5 năm xếp hạng dẫn đầu liên tiếp cả nước, trong hai năm 2017 và 2018, Đà Nẵng xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về cải cách hành chính (CCHC). Thành phố đạt 87,43% về mức độ hài lòng, xếp thứ 17/63 theo kết quả điều tra xã hội học về sự hài lòng của tổ chức, công dân (gọi tắt là Sipas) trên địa bàn thành phố. Hai chỉ số này khẳng định sự nỗ lực của thành phố trong CCHC. Tuy nhiên, các sở, ngành và mỗi địa phương cần cải thiện những nội dung chưa đạt như mong muốn để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Năm 2018, Đà Nẵng được xếp hạng Cải cách hành chính thứ 4/63 tỉnh, thành phố.  TRONG ẢNH: Giao dịch tại Trung tâm hành chính thành phố. Ảnh: Đ.S
Năm 2018, Đà Nẵng được xếp hạng Cải cách hành chính thứ 4/63 tỉnh, thành phố. TRONG ẢNH: Giao dịch tại Trung tâm hành chính thành phố. Ảnh: Đ.S

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng với 83,7 điểm theo bảng xếp hạng CCHC năm 2018, Đà Nẵng được xếp trong nhóm A (9 tỉnh, thành phố), được đánh giá có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong công tác CCHC và đạt điểm cao ở các chỉ số thành phần: công tác điều hành, chỉ đạo CCHC; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa hành chính, cải cách tài chính công. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC vẫn còn những nội dung cần tiếp tục phải cải thiện.

Theo chỉ số Sipas, tỷ lệ người dân hài lòng với nội dung tiếp cận dịch vụ năm 2018 thấp hơn năm 2017. Năm 2018, việc đầu tư trang thiết bị còn hạn chế, một số máy móc sau thời gian sử dụng đã bị hư hỏng, tuy nhiên việc thay thế, sửa chữa chưa kịp thời; việc bố trí các trang thiết bị vẫn chưa thuận tiện cho người dân; một số bộ phận vẫn chưa bảo đảm diện tích bố trí theo quy định chuẩn phường, xã điện tử; đặc biệt là một số phường ở trung tâm và các xã vùng núi trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Theo Sở Nội vụ, về nội dung thủ tục hành chính cho thấy hồ sơ trễ hẹn trên lĩnh vực đất đai khá cao đối với hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu, vì hồ sơ còn lại hiện nay có tính pháp lý phức tạp, thành phần hồ sơ không đầy đủ, cần xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị, nhất là những trường hợp phải xin ý kiến của bộ, ngành của Trung ương... Phần lớn hồ sơ lý lịch tư pháp trễ hẹn do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc cơ quan Công an các tỉnh, thành phố cung cấp, trả lời kết quả xác minh chậm so với thời gian quy định. Kết quả khảo sát cho thấy số lần đi lại từ 5-7 lần và trên 7 lần chiếm tỷ lệ vẫn cao (1,57%). Kết quả này phản ánh thực trạng người dân phải đi lại quá nhiều lần để thực hiện thủ tục hành chính.

Giao dịch hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND quận Thanh Khê. Ảnh: Đ.S
Giao dịch hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND quận Thanh Khê. Ảnh: Đ.S

Hồ sơ thể hiện trên sổ sách vẫn đúng và sớm hẹn, tuy nhiên nếu căn cứ theo quy định và theo thời gian thực hiện thực tế thì hồ sơ trễ hẹn rất nhiều, tiêu biểu là lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện. Theo kết quả trả lời nhận định của người dân, tổ chức, có 2,66% ý kiến đánh giá cho rằng công chức gây phiền hà sách nhiễu và 1,88% công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí. Kết quả trên phản ánh đúng với tỷ lệ đánh giá thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU về tinh thần “5 xây, 3 chống” trên địa bàn thành phố trong năm 2018.

Tỷ lệ khá và trung bình đối với nội dung “Chống quan liêu” và nội dung “Chống tiêu cực” đạt tỷ lệ lần lượt là: 2,15% và 1,97%. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra cơ quan thông báo về việc trễ hẹn đạt tỷ lệ 34,09%; cơ quan xin lỗi về việc trễ hẹn đạt tỷ lệ 27,27%. Số liệu này cho thấy việc thông báo trễ hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ chưa kịp thời, vẫn còn nhiều hồ sơ trễ hẹn chưa được thông báo và chưa tiến hành xin lỗi theo quy định.

Để nâng cao hơn nữa công tác CCHC, ông Võ Ngọc Đồng cho biết trong tháng 7 vừa qua, Sở Nội vụ đã báo cáo kết quả công bố chỉ số CCHC năm 2018. Báo cáo này đã phân tích làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan từ các sở, ngành, địa phương đã làm giảm điểm ở một số tiêu chí đánh giá xếp hạng CCHC.

Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ kiến nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã bám sát kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020; triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo lộ trình tại báo cáo số 19/BC-UBND (ngày 21-1-2019) của UBND thành phố về chương trình CCHC Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và kế hoạch CCHC từng năm của thành phố. “Các sở, ngành, địa phương phải chủ động nghiên cứu các giải pháp mới phù hợp với điều kiện thực tế của mình để xây dựng kế hoạch CCHC và triển khai thực hiện có hiệu quả, nâng cao chất lượng CCHC tại ngành, địa phương mình.

Bên cạnh đó, cần xác định nhiệm vụ CCHC là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức, viên chức, từng cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao phải chủ động đề xuất các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành kế hoạch chung của thành phố. Đó cũng là thược đo năng lực, trách nhiệm trong việc lắng nghe và phục vụ tổ chức và người dân khi giao dịch với chính quyền”, ông Võ Ngọc Đồng nhấn mạnh.

ĐOÀN SƠN
 

;
;
.
.
.
.
.