Tháng 7 vừa qua, theo chân nhóm bạn từ thiện đi thăm, tặng quà cho những người nông dân “rời quê lên phố” ở các tỉnh lân cận đến Đà Nẵng làm thêm tranh thủ lúc nông nhàn và bị tai nạn giao thông (TNGT).
Đến chứng kiến những hoàn cảnh bi đát của các nạn nhân sau tai nạn, chúng tôi muốn góp phần rung lên tiếng chuông báo động: Hãy tham gia giao thông đúng luật để bảo vệ chính mình ! Nằm bất động trên chiếc giường tre, với cái chân vẫn còn băng bột, anh L.V.B., ở xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) tâm sự:
“Đang lúc rảnh rỗi tôi theo bạn ra Đà Nẵng phụ hồ. Làm được tuần đầu tiên, nhận tiền công lại đúng vào cuối tuần, thế là mấy anh em rủ nhau lai rai mấy chai bia. Khi đứng lên thấy người lảo đảo, biết đã say nhưng cố về nhà sợ vợ con trông, lúc đến xã Đại Hiệp thì xe tôi quẹt vào chiếc xe tải cùng chiều ngã ra giữa đường. Tỉnh dậy trong bệnh viện mới biết chân trái bị gãy 2 đoạn. Giờ nằm trên giường nhìn vợ xoay xở cho 2 đứa con vào năm học mới mà ân hận quá! Giá như tôi không ham ly bia, thì giờ đâu đến nỗi”.
Với chiếc xe chở hàng cồng kềnh này từ Hội An ra Đà Nẵng bán, chị B. cho biết nhiều lần bị té nhưng may mắn là chỉ bị trầy xướt nhẹ. Ảnh: THANH VÂN |
Không uống rượu, bia và cũng đã có “thâm niên” bán vé số ở Đà Nẵng, thế nhưng bà B.T.B., ở xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) lại đi sai luật để bây giờ trở thành người tàn phế. Bà kể, lúc đang bán vé số trên đường Nguyễn Văn Thoại, bên kia đường có người gọi sang mua, mừng quá bà vội vàng băng qua đường mà không quan sát và kết quả là bị chiếc xe máy tông ngã đập đầu xuống đường, chấn thương sọ não; gia đình lâm vào cảnh nợ nần sau 3 tháng bà nằm viện.
Tình trạng người lao động phổ thông từ các tỉnh lân cận, tranh thủ lúc nông nhàn đổ về thành phố kiếm việc đang là giải pháp được rất nhiều nông dân chọn lựa. Thế nhưng với thói quen đi lại ở làng quê đã khiến họ trở thành nạn nhân TNGT, trở thành gánh nặng cho gia đình, thậm chí có người quẩn trí còn muốn tìm đến cái chết.
Rất nhiều vụ TNGT sau khi được cấp cứu và điều trị, người lao động đã trở về quê tự lo liệu, nên ít được các cơ quan chức năng biết đến. Một ví dụ là chỉ trong 2 ngày lễ Quốc khánh vừa qua, chỉ riêng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận 44 bệnh nhân bị TNGT, trong số này bệnh nhân ngoài tỉnh đến 22 người. Điều đáng báo động là có trên 50% nạn nhân bị chấn thương sọ não, để lại di chứng rất nặng nề cho người bệnh và gánh nặng cho gia đình.
Theo thống kê của Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) xã Hòa Phước, trung bình mỗi tháng chỉ riêng trên trục quốc lộ 1A nối giữa hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam, đơn vị đã lập biên bản xử phạt khoảng 100 trường hợp người dân ở tỉnh Quảng Nam vi phạm với 2 lỗi chính là đi sai làn đường và quá tốc độ cho phép.
Theo Thiếu tá Trần Thị Thu, Trạm CSGT Hòa Phước, có khá nhiều trường hợp đến trạm nộp phạt đến lần thứ 2 hoặc 3 với cùng lỗi là đi sai làn đường, hoặc quá tốc độ và mỗi lần như vậy họ đều chung lời giải thích: “Tụi tôi ở quê đi như rứa quen rồi, ra đây khó thay đổi quá (!)”.
Để hạn chế người ngoài tỉnh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, từ nhiều năm qua, Công an thành phố đã có kế hoạch phối hợp với Công an các địa phương lân cận là Huế và Quảng Nam lập tổ phối hợp kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông vi phạm ở trục đường giáp ranh các địa phương; qua đó, số người vi phạm giảm và số vụ TNGT cũng giảm rõ. Tuy nhiên vì hạn chế về nhân sự, nên việc phối hợp tuần tra, xử lý này cũng không thể duy trì thường xuyên. Do vậy người dân các tỉnh vi phạm khi tham gia giao thông vẫn khá phổ biến.
THANH VÂN