Phát triển Đà Nẵng bền vững, vì cộng đồng

.

Cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây và thành phố Đà Nẵng kể từ năm 1997 đến nay đã phát huy truyền thống của vùng đất anh hùng, của con người Đà Nẵng kiên trung, tiếp tục dồn sức xây dựng thành phố “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa kiểm tra việc triển khai dự án trên địa bàn quận Liên Chiểu. Ảnh: V.DŨNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa kiểm tra việc triển khai dự án trên địa bàn quận Liên Chiểu. Ảnh: V.DŨNG

Cú hích từ Nghị quyết 33-NQ/TW

Xác định phát triển đô thị hiện đại là nhiệm vụ then chốt để nâng quy mô, tầm vóc và vị trí chiến lược của Đà Nẵng, kể từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào năm 1997, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn; khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động nội lực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây dựng và phát triển thành phố đạt được nhiều thành tựu mang ý nghĩa lịch sử. Trong một số lĩnh vực, Đà Nẵng đã có cách làm sáng tạo, tạo sức lan tỏa trong từng giai đoạn cụ thể.   

Đặc biệt, hơn 16 năm trước, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính-viễn thông và tài chính-ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Nghị quyết số 33-NQ/TW ra đời tạo động lực to lớn cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Đảng bộ, chính quyền thành phố lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Đà Nẵng lên tầm cao mới.

Bằng sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao, Đà Nẵng duy trì nhịp độ phát triển kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành sản xuất và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao; thu ngân sách tăng khá, là một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn của cả nước. Nhờ vậy, nhiều công ăn việc làm mới được tạo ra, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2018 gần 80 triệu đồng/người/năm. Song song với quá trình phát triển đô thị, đời sống vật chất và tinh thần của khoảng 1 triệu người dân Đà Nẵng thay đổi đáng tự hào.

Làm một phép so sách, nếu như năm 1997, kinh tế-xã hội thành phố đối mặt với nhiều khó khăn, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ và hạn chế trên một số lĩnh vực thì 20 năm sau, năm 2017, Đà Nẵng đã có sự phát triển kỳ diệu trên nhiều lĩnh vực.

Kinh tế-xã hội thành phố trỗi dậy với những đột phá mang khí thế của một cuộc cách mạng trong xây dựng và phát triển thành phố. Hơn 110.000 hộ dân đồng thuận di dời, giải tỏa để thành phố có cơ hội  tái thiết và phát triển đô thị rộng mở, hiện đại.

Bên cạnh lĩnh vực thương mại, công nghiệp, xây dựng…, thành phố phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, với tốc độ tăng trưởng cao. Đây là một mũi nhọn trong phát triển kinh tế của thành phố. Nhiều năm liền, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông.

20 năm sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (1997-2017), thành phố đã huy động gần 260.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, góp phần thay đổi diện mạo thành phố và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân có điều kiện tăng khả năng tích lũy vốn, tái sản xuất mở rộng, nâng cao thu nhập. Không gian đô thị đã mở rộng đến 21.300ha, tăng gần gấp 4 lần so với năm 1997, từ việc chỉ có 360 đường phố, thì hiện nay Đà Nẵng đã có hơn 2.000 con đường có tên đường.

Dấu ấn thể hiện một Đà Nẵng vừa đột phá, sáng tạo nhưng cũng rất nhân văn đó là thành phố quyết tâm thực hiện cho bằng được những chủ trương lớn hướng về cộng đồng và cuộc sống người dân như: Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an”; chủ trương “Năm Văn hóa, văn minh đô thị”. Trên tinh thần đó, thành phố dành nguồn ngân sách lớn để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… Những thành tựu này đã tạo dựng vị thế và sức bật mới - một sự đổi thay nhanh chóng và kỳ diệu theo hướng văn minh, hiện đại và đáng sống.

Tuy vậy, so với mục tiêu mà Nghị quyết 33-NQ/TW đặt ra như xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn của cả nước có sắc thái riêng và mang tầm vóc quốc tế; trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp... vẫn chưa đạt được như kỳ vọng; còn khoảng cách giữa yêu cầu với thực tế đặt ra, đòi hỏi thành phố phải quyết tâm nỗ lực cao hơn trong những năm tới. Đây là trách nhiệm và trăn trở lớn của thành phố trong thời gian qua.

Khát vọng vươn tầm châu Á…

Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 33-NQ/TW, tháng 1-2019, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

 Thành phố chú trọng thu hút đầu tư, quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tạo đà tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững. TRONG ẢNH: Dây chuyền sản xuất sợi theo công nghệ hiện đại và tự động tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã nâng công suất lao động lên nhiều lần so với sản xuất thủ công.
Thành phố chú trọng thu hút đầu tư, quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tạo đà tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững. TRONG ẢNH: Dây chuyền sản xuất sợi theo công nghệ hiện đại và tự động tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã nâng công suất lao động lên nhiều lần so với sản xuất thủ công.

Theo đó, có 3 trụ cột chính mà thành phố tập trung trong thời gian đến là du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển với 5 lĩnh vực mũi nhọn là du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng được cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền. Điều này hứa hẹn sẽ tạo cơ hội, động lực phát triển kinh tế, xây dựng khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, làm cho lợi ích của chính quyền, doanh nghiệp gắn kết hài hòa với lợi ích cộng đồng.

Từ chủ trương này, thành phố đặt vấn đề không thu hút đối với dự án có nguy cơ ô nhiễm, làm hủy hoại môi trường. Điều đó đồng nghĩa với chủ trương không phát triển kinh tế bằng mọi giá mà bỏ qua 2 trụ cột khác trong phát triển bền vững là xã hội và môi trường.

Tín hiệu khởi sắc sau “Tọa đàm mùa Xuân 2019” đến nay là thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài của thành phố tăng cao. Riêng vốn đầu tư nước ngoài đến cuối tháng 7-2019, thành phố đạt gần 600 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2019, nhiều dự án đầu tư trong nước, đặc biệt là các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ… khởi công tại Đà Nẵng cho thấy sức hút của thành phố đối với các doanh nghiệp vẫn rất lớn.

Một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố trong năm 2019 và những năm tiếp theo đó là thường xuyên theo dõi, tiếp nhận, xử lý nhanh chóng các đề xuất, hiến kế, kiến nghị, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Thành phố ưu tiên phát triển Khu Công nghệ cao, các khu công nghiệp và khu công nghệ thông tin, mở rộng các cụm công nghiệp song song với tăng cường thu hút đầu tư đối với các dự án có nguồn vốn lớn, tạo giá trị gia tăng cao.

Nhiệm vụ quan trọng trong thời gian đến là thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực như xây dựng cảng Liên Chiểu, mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa, nâng cấp sân bay Đà Nẵng, phát triển khu đô thị Đại học Đà Nẵng, di dời ga đường sắt và phát triển đô thị, dự án phối hợp với tỉnh Quảng Nam, mở rộng cửa khẩu Đắc Ốc thành cửa khẩu quốc tế, nâng công suất cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, hành lang kinh tế Đông Tây 2 (quốc lộ 14D), mở rộng quốc lộ 14B, quốc lộ 14G, khơi thông sông Cổ Cò và hệ thống hạ tầng đường thủy, xây dựng Khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

Có thể khẳng định, từ các nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Thực tiễn quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong gần 22 năm qua đã được Đảng bộ thành phố đúc kết thành những bài học quan trọng, trong đó nguồn lực về con người luôn đóng vai trò quyết định.

Mới đây, Đảng bộ thành phố cũng đã đúc kết 5 bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ 2015-2020. Đây là những điểm tựa vững chắc và căn bản để toàn thành phố xác định rõ vị thế, vai trò, nắm bắt thời cơ cũng như dự báo những khó khăn, thách thức mới trong tiến trình xây dựng, phát triển Đà Nẵng hài hòa và bền vững cho những giai đoạn tiếp theo.

Dự báo đến năm 2020 dân số thành phố khoảng 1,4 triệu người. Đến năm 2030 dân số Đà Nẵng khoảng 2,5 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 2,3 triệu người. Để phát triển đô thị hài hòa, dành nhiều không gian công cộng và xanh, thành phố Đà Nẵng đã thuê tư vấn Singapore lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố tầm nhìn 2030-2045.

 VIỆT DŨNG

;
;
.
.
.
.
.