Quận Sơn Trà là địa bàn thường xuyên được chọn là nơi để tổ chức nhiều lễ hội và sự kiện quan trọng, có nhiều dự án xây dựng lớn tập trung, thu hút đông khách du lịch đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng. Do đó, công tác bảo đảm an ninh trật tự, mỹ quan đô thị thường xuyên được địa phương quan tâm.
Những ngày cuối tuần tại các điểm đông khách du lịch thường có nhiều hàng rong đến buôn bán, ảnh hưởng đến du khách. Ảnh: XUÂN SƠN |
Ông Nguyễn Trần Bang, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà cho hay, tại một số tuyến đường đông khách du lịch như: Hà Chương, Hà Bổng, Dương Đình Nghệ, Võ Nguyên Giáp, Trần Hưng Đạo, đoạn khu vực cầu Rồng, chợ đêm Sơn Trà... là những nơi thường xuyên có đông khách du lịch lui tới, nhất là các dịp cuối tuần.
Vì thế, số lượng người bán hàng rong tại những khu vực này thường tập trung đông. Mặc dù địa phương đã chia lực lượng làm hai ca sáng (từ 8 giờ đến 17 giờ) và chiều (từ 17 giờ 30 đến 22 giờ) nhưng cũng không thể túc trực thường xuyên liên tục tại những tuyến đường này.
Theo các thành viên Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà, cái khó nhất là bên cạnh những tuyến đường cấm bán hàng rong thì vẫn có những tuyến đường không cấm.
Do đó, cứ thấy bóng dáng của đội quy tắc đô thị đến, những người bán hàng rong lại rút lui vào những tuyến đường không cấm, đến khi đông khách du lịch hoặc không thấy đội quy tắc đô thị thì hàng rong lại tràn ra đường để buôn bán. Ông Bang cho hay, cái khó nhất của việc xử xý vi phạm trật tự đô thị, xử lý hàng rong chính là mức xử phạt các trường hợp vi phạm quá thấp, chỉ từ 150.000-200.000 đồng hoặc giữ xe lâu nhất là một tuần nên nhiều trường hợp vi phạm chấp nhận đóng tiền phạt để lấy phương tiện về, thậm chí có những trường hợp còn vi phạm nhiều lần. “Đội quy tắc đô thị cũng nhắc nhở, tuyên truyền, yêu cầu các trường hợp vi phạm viết cam kết không tái phạm... nhưng một phần do mức xử phạt quá nhẹ, một phần vì lợi nhuận từ bán hàng rong cao nên nhiều trường hợp chấp nhận bị phạt. Bên cạnh đó, qua khảo sát sơ bộ, đa số những trường hợp buôn bán hàng rong tại những khu vực đông khách du lịch là người dân ngoại tỉnh, số người địa phương chỉ khoảng 20% nên công tác tuyên truyền, vận động cũng gặp khó”, ông Bang nói.
Thực tế, qua trao đổi với một vài trường hợp bán hàng rong trên đường Võ Nguyên Giáp được biết, họ biết tuyến đường này không được phép bán hàng rong nhưng vào các buổi chiều thường đông người dân địa phương và du khách tắm biển nên vẫn tranh thủ để bán được hàng. Chỉ khi đội quy tắc đô thị làm ráo riết thì những người bán hàng rong mới lùi dần vào phía trong.
Hiện nay, hai phường là An Hải Tây và Phước Mỹ thường xuyên ra quân để kiểm tra tại những vị trí trọng điểm, đông khách du lịch. Đơn cử như khu vực đường Võ Nguyễn Giáp - Nguyễn Văn Thoại rất phức tạp vì nhiều người tranh thủ sau khi đội trật tự đô thị về nghỉ (22 giờ) mới bắt đầu đẩy xe hàng ra chỗ vịnh dừng xe này để bán hàng cho khách chơi khuya. Đội quy tắc đô thị quận đã phối hợp với lực lượng của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thay nhau trực ở đó để dẹp tình trạng lấn chiếm, bán hàng rong. Đội quy tắc đô thị cũng thường xuyên hỗ trợ các phường trong công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Theo thống kê sơ bộ, đến nay, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị đã lập biên bản tham mưu UBND quận ban hành 88 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự đô thị, trong đó có 75 trường hợp bán hàng rong, 11 trường hợp để mô-tô ở lòng đường trái quy định, 2 trường hợp khác với số tiền là gần 21 triệu đồng; tạm giữ 30 biển hiệu, 45 xe bán hàng rong, 100 bong bóng bay các loại... Qua tìm hiểu, so với cùng kỳ năm 2018, việc phát hiện và xử lý ít hơn 50%. Nhìn chung trật tự vỉa hè và an toàn giao thông trên địa bàn được bảo đảm, số trường hợp vi phạm giảm. Tuy nhiên, số lượng người bán hàng rong ngoại tỉnh trên các tuyến đường cấm trên địa bàn có dấu hiệu tăng, nhất là vào các mùa lễ hội, trong khi lực lượng của đội quy tắc đô thị lại mỏng, phụ trách địa bàn rộng nên không thể sâu sát, quản lý hết địa bàn.
Những tháng cuối năm, trên địa bàn quận tiếp tục có những sự kiện và lễ hội quan trọng như Vũ hội đường phố (diễn ra định kỳ vào thứ bảy cuối cùng mỗi cuối tháng). Do đó, để bảo đảm trật tự mỹ quan đô thị, phục vụ cho các lễ hội, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị ban hành kế hoạch, thông báo phân công lực lượng trực chốt các tuyến trọng điểm, phối hợp UBND các phường ra quân xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể hơn về các biện pháp, thủ tục cưỡng chế, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính để địa phương thuận lợi trong việc áp dụng. Đồng thời, mong muốn các cấp nghiên cứu, đưa ra các giải pháp để công tác kiểm tra thuận lợi hơn trong việc tạm giữ tang vật vi phạm hành chính, bảo đảm cho việc thi hành pháp luật.
Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay, là địa bàn trọng điểm thu hút khách du lịch của thành phố nên quận luôn chú trọng xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, bảo đảm an ninh trật tự, chống chèo kéo khách, buôn bán hàng rong ảnh hưởng đến môi trường du lịch cũng như du khách. Theo đó, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận thường xuyên phối hợp với UBND các phường tăng cường xử lý vi phạm về trật tự đô thị, bán hàng rong, chèo kéo, đeo bám du khách, lang thang xin ăn, biến tướng trên các tuyến đường trọng điểm và dọc ven biển; tập trung xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, buôn bán tại tuyến đường xung quanh các chợ...
THU HÀ