Đề xuất Quốc hội họp 4 kỳ/năm, mỗi kỳ 2 tuần

Tại buổi thảo luận ở tổ sáng 29-10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng: “Hiện nay Quốc hội đang họp 2 kỳ/năm.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước thay đổi, phát triển nhanh chóng, công tác chuẩn bị các dự án luật của các ngành, các địa phương, các Ủy ban của Quốc hội kéo dài, nên chăng, các kỳ họp có thể tổ chức thành 4 kỳ/năm, mỗi kỳ chỉ kéo dài khoảng 2 tuần, để đáp ứng yêu cầu giải quyết được những công việc gấp, cần thiết, cấp bách”.

Hiện nay, cơ cấu của đại biểu Quốc hội chủ yếu là kiêm nhiệm, nên công việc chuyên môn nhiều. Việc thiết kế 4 kỳ họp/năm, mỗi kỳ ngắn hơn sẽ giúp các đại biểu có thời gian kết hợp cả công việc chuyên môn và công việc Quốc hội, giảm bớt việc đại biểu phải họp Quốc hội mà không giải quyết được công việc.

Đa số đại biểu cũng ủng hộ quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên, nên đề nghị không sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong luật hiện hành.

Tỷ lệ cụ thể đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ được xác định trong đề án bầu cử gắn với từng nhiệm kỳ để bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và nguồn nhân sự thực tế. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, các đại biểu như ông ở cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm về công tác quản lý, cơ chế chính sách pháp luật, khâu tổ chức thực hiện nhưng phân cấp cho địa phương rất lớn. Nhiều câu hỏi đặt ra bộ trưởng không nắm được, bị nhân dân phê bình nhưng thực tế thẩm quyền đó đã phân cấp cho địa phương.

Liên quan đến cơ cấu đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng vẫn chưa thực sự đổi mới khi nhiều bộ trưởng, thậm chí chủ tịch UBND tỉnh cũng làm đại biểu Quốc hội thì việc chỉ đạo, điều hành rất khó khăn. “Quốc hội vẫn có thể sử dụng quyền của mình để yêu cầu bộ trưởng giải trình, để có những phiên chất vấn nhưng phải chăng bộ trưởng, chủ tịch UBND cứ phải là đại biểu Quốc hội? Vì vậy, chúng tôi muốn chuyển phần này sang để chúng ta không tăng số lượng nhưng tăng số đại biểu chuyên trách của Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng pháp luật.

Tôi nghĩ như vậy sẽ cần hơn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nếu thay đổi cách làm này và quy định trong tổ chức này thì đây là bước thay đổi hoạt động của Quốc hội, vừa hiệu quả, thiết thực và phù hợp. Vì vậy, cần nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, không chỉ 35% mà cần tăng 50-60% để đội ngũ Quốc hội có vai trò khác đi.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo tờ trình của Chính phủ, Điều 3 của luật theo quy định hiện hành thì đang có khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nên không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với các hành vi trên từ ngày 1-7-2018. Nếu đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; nếu đã bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành hình phạt còn lại; nếu đã kết án mà chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Thủ tướng yêu cầu thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các phiên thảo luận của Quốc hội

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước tại hội trường từ ngày 30-10 đến 1-11-2019. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ chủ động đăng ký phát biểu và giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ, ngành mình được đại biểu Quốc hội nêu tại các phiên thảo luận.

Theo Chinhphu.vn

B.T (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.