Dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó bão số 6

.

ĐNO – Sáng 8-11, Phó Chủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến về ứng phó bão số 6 với lãnh đạo các bộ, ban, ngành và 7 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì điểm trực tuyến Đà Nẵng.

Hướng di chuyển của bão số 6.
Hướng di chuyển của bão số 6.

Theo báo cáo của ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, đến sáng 8-11, bão số 6 đang ở cách bờ biển tỉnh Phú Yên khoảng 850km về phía đông. Các nhà mạng viễn thông đã gửi 7,1 triệu tin nhắn SMS đến các thuê bao di động ở khu vực Nam Trung Bộ để thông báo cho người dân biết tình hình bão số 6 và đề nghị chủ động ứng phó. “Từ hôm nay, đề nghị 7 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận có thể dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão số 6”, ông Trần Quang Hoài đề nghị.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cho hay, do có 2 luồng gió đông bắc và tây nam tương tác nên cơn bão số 6 được đánh giá là dị thường và phức tạp. Cơn bão sẽ đạt cường độ cực đại khi ở phía bắc quần đảo Trường Sa. Hiện các trung tâm dự báo lớn của Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc… chưa có sự thống nhất về cường độ của bão khi tiếp cận gần đất liền cũng như thời gian đổ bộ. Trong khi đó, cơ quan dự báo của quân đội Mỹ thì dự báo bão cập bờ có cường độ gió cấp 9, giật cấp 12-13.

Trên cơ sở chắt lọc kết quả các mô hình tính toán, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra dự báo dự báo gió bão ở bờ là cấp 9-10, giật cấp 12-13. Tại vùng biển Bình Định và Phú Yên, sẽ có sóng cao từ 5-6m. Sóng cao kết hợp với gió mạnh dễ gây chấn thương cho khu vực dân cư ven biển và các khu neo đậu tàu thuyền, đê biển...

Do ảnh hưởng kết hợp hoàn lưu bão số 6 và không khí lạnh, nên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ có mưa lớn với dự báo tổng lượng mưa từ 200-400mm. Thời điểm bắt đầu mưa là từ chiều tối 9-11 đến ngày 12-11, nhất là trong 2 ngày 10 và 11-11. Nguy cơ xảy ra lũ ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và khu vực phía bắc tỉnh Khánh Hòa ở mức từ báo động (BĐ) 2-BĐ 3, có nơi trên BĐ 3; khu từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam và Tây Nguyên có nguy cơ cao ngập lụt ở các vùng trũng thấp, đô thị.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, dải hội tụ nhiệt đới này rất đặc biệt do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và băng tan ở hai cực. Sự xuất hiện của bão số 6 này cũng rất đặc thù do tác động của các yếu tố trên. Bão số 6 gió rất mạnh, diện tích ảnh hưởng rất rộng, vì thế không được chủ quan, nhất là với 7 tỉnh, thành phố ven biển và khu vực trung và bắc Tây Nguyên. Mặt khác, dự kiến bão cập bờ dự kiến vào chiều tối ngày chủ nhật và thời gian hoạt động ở đất liền rất dài, nên mức độ nguy hiểm rất lớn. Các địa phương phải hình thành ngay các kịch bản ứng phó với bão số 6 và thực hiện quyết liệt các yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Phòng chống thiên tai.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động triển khai phương án phòng chống bão, lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn tối đa cho các phương tiện và người ở trên biển, đặc biệt, phải sơ tán người dân đang kinh doanh, nuôi trồng thủy sản trên biển. Cạnh đó, chú ý sơ tán khẩn cấp người dân đang có nhà ở không bảo đảm an toàn và thấp trũng, nhất là khu vực ven biển và các chòi canh, khu vực nuôi trồng thủy sản; chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Các địa phương chủ động hướng dẫn và giúp đỡ người dân giằng, chống nhà cửa, gia cố các đê biển xung yếu; bảo vệ các công trình đang thi công, cơ sở sản xuất, du lịch... Sau bão, sẽ có mưa rất lớn nên rất dễ gây ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ ở khu vực trung du và miền núi. Vì thế, các địa phương chủ động dự báo những khu vực nguy hiểm và tiến hành sơ tán dân đến nơi trú ẩn an toàn. Đặc biệt, chú ý bảo đảm an toàn các hồ đập thủy điện, thủy lợi, nhất là ở Quảng Nam…

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cử ngay 2 đoàn đi kiểm tra và động viên, chỉ đạo các địa phương chủ động các phương án phòng chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải… hỗ trợ các địa phương về lực lượng, phương tiện để bảo đảm phòng chống bão số 6, nhất là tại Quy Nhơn (Bình Định).

Tin và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.