Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới

.

Nước ta đã đạt ngưỡng 100 triệu dân; vì vậy, dân số là một trong những vấn đề mấu chốt để quốc gia phát triển bền vững và bảo đảm chất lượng dân số. Những năm qua, chất lượng dân số đã được nâng cao nhiều mặt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Chỉ số phát triển con người của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đánh giá: Việt Nam thuộc nhóm có chỉ số trung bình cao, ngang bằng những nước có thu nhập cao trong khu vực và thế giới; tuổi thọ dân số Việt Nam đã đạt mức xấp xỉ 74 tuổi; tỷ lệ suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng ở thể thấp còi ở trẻ em liên tục được cải thiện…

Hội thi công tác dân số trong tình hình mới do Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế) tổ chức.
Hội thi công tác dân số trong tình hình mới do Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế) tổ chức.

Công tác dân số nước ta đã đạt thành tựu rất đáng ghi nhận, nhưng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát triển ở tầm cao, yêu cầu hội nhập quốc tế thì còn nhiều thách thức chưa giải quyết được. Thách thức lớn nhất và khó nhất là mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó phải kể đến tâm lý của người dân luôn luôn muốn có con trai để “nối dõi tông đường” hay làm “trụ cột” trong gia đình vẫn tồn tại, khiến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành nguy cơ hiện hữu.

Chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng với già hóa dân số diễn ra trong cùng một thời điểm. Giai đoạn dân số vàng của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các nước khác, chỉ vào khoảng 17 năm (tới khoảng năm 2025). Việt Nam cũng là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Cơ cấu dân số vàng nghĩa là dân số trong độ tuổi từ 15 - 64, mới chỉ mang lại khả năng và cơ hội chứ chưa phải là đã đem lại kết quả ngay cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Dân số vàng mới chỉ là “vàng” về số lượng chứ chưa xét đến chất lượng. Trong khi đó, một số cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ công tác dân số, chưa nhận thức đúng, đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác dân số và phát triển… Nên công tác lãnh đạo, điều hành về công tác dân số của một số địa phương chưa quyết liệt và chưa có hiệu quả cao.

Để nâng cao chất lượng dân số trong tình hình hiện nay, cần có những giải pháp mạnh để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì cơ cấu tuổi của dân số ở mức hợp lý, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển một cách bền vững; thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phân bố dân số hợp lý, bảo đảm hài hòa các quyền và nghĩa vụ của người di cư, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh… Đặc biệt, cần các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo nhiều ý kiến, để nâng cao hiệu quả công tác dân số, cần đưa các hoạt động truyền thông giáo dục, chuyển đổi hành vi tạo sự cam kết ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội về chương trình nâng cao chất lượng dân số; tăng cường tuyên truyền tư vấn, hỗ trợ nâng cao sức khỏe thể chất, trí tuệ và tinh thần cho các nhóm đối tượng đặc biệt… Nâng cao tầm vóc, thể lực và trình độ dân trí cũng là hai nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng dân số trong thời điểm hiện tại. Đây là giải pháp yêu cầu có sự phối hợp tích cực của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, vị thành niên, người cao tuổi. Vì vậy, đó không chỉ là câu chuyện riêng của ngành dân số mà phải là một quá trình đồng bộ của các cấp, các ngành cùng tham gia mới mong có những thành công nhất định.

Bài và ảnh: MINH PHÚC

;
;
.
.
.
.
.