Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Hòa Hải giàu đẹp

.

Mỗi xóm làng, mỗi con sông, ngọn núi của phường Hòa Hải đều mang dấu tích chiến đấu hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Người dân Hòa Hải luôn thủy chung, sắt son với Đảng, với cách mạng, dù nhà tan cửa nát vẫn giữ lời thề “một tất không đi, một ly không rời”. Phường Hòa Hải anh hùng trong kháng chiến, hôm nay tiếp tục nỗ lực vươn lên trong sự nghiệp phát triển thành phố Đà Nẵng.

Diện mạo phường Hòa Hải ngày càng văn minh, hiện đại. TRONG ẢNH: Một góc đường Trường Sa.
Diện mạo phường Hòa Hải ngày càng văn minh, hiện đại. TRONG ẢNH: Một góc đường Trường Sa.

Cái nôi của phong trào cách mạng

Từ lời thề ấy, nhân dân Hòa Hải ngày là dân, tối là du kích. Các xóm làng Tân Lưu, Trà Khê, An Nông, Xuân Nhâm, Hải Châu, Khái Đông, Xóm Đa, Núi Chùa... đã trở thành những địa danh bất tử đi vào lịch sử quê hương. Từ năm 1964 đến năm 1969, thực hiện phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công”, lực lượng dân quân du kích Hòa Hải đã đánh hàng trăm trận, diệt hàng trăm tên Mỹ, ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Nhiều trận đánh dũng cảm, táo bạo, đầy mưu trí làm cho kẻ thù khiếp sợ, tiêu biểu là trận tập kích Cồn Bông vào tháng 11-1966, diệt hơn 50 tên địch.

Với thành tích xuất sắc từ năm 1954 đến năm 1968, Hòa Hải được Đảng trao tặng cờ 8 chữ vàng “Trung thành vô hạn, kiên cường bất khuất”; ngày 23-11-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND. Đây cũng là một trong những xã đầu tiên của Quảng Nam-Đà Nẵng và cả nước vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý này. Giai đoạn 1969-1975, cán bộ và nhân dân Hòa Hải phải chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và ác liệt. Nhiều đồng chí, đồng bào bị bắt tù đày tra tấn, nhiều cán bộ du kích hy sinh; 85% nhà cửa, đất đai bị cày ủi trắng. Địch bắt dân vào trại tập trung, thực hiện bình định, thanh lọc, gây bao đau thương, tang tóc. Nhưng từ trong đau thương ấy, Hòa Hải đã đánh bại mọi âm mưu tàn bạo của địch, giữ vững phong trào cách mạng.

Theo ông Đặng Văn Kỳ, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Hải, từ tháng 6-1969 đến tháng 3 năm 1975, du kích và nhân dân Hòa Hải đã đánh trên 650 trận lớn nhỏ, có 570 trận đánh độc lập; loại khỏi vòng chiến đấu 2.150 tên địch, trong đó có 120 tên Mỹ, diệt 150 tên sĩ quan, ác ôn, cảnh sát, tình báo, gián điệp, bắt sống 158 tên, trong đó có 2 tên Mỹ. Các lực lượng hiệp đồng bao vây, tấn công gọi hàng 560 tên, diệt gọn 1 trung đội dù ngụy, 1 trung đội địa phương quân, 1 trung đội biệt kích, 1 đoàn bình định và 2 mâm tề xã, thu 980 súng các loại, san bằng 6 chốt điểm, 2 khu dồn, đánh sập 18 lô cốt, 2 nhà kho, bắn rơi và hư hỏng 5 máy bay trực thăng, đánh sập 1 dàn rada, thông tin hồng ngoại tuyến và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 huy hoàng.

Xây dựng diện mạo đô thị văn minh, hiện đại

Phát huy truyền thống quê hương, sau ngày giải phóng, từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền phường, Hòa Hải đã vượt qua khó khăn, thử thách để bứt phá đi lên. Nhiều năm liền, Hòa Hải luôn hoàn thành nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, thu ngân sách hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu quận giao; là phường thu ngân sách cao nhất trong toàn quận Ngũ Hành Sơn. Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ truyền thống đã phát triển không ngừng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là niềm tự hào của người dân Hòa Hải vì đã làm ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao phục vụ khách tham quan du lịch. Cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển đồng bộ, bộ mặt đô thị được chỉnh trang với những con đường đẹp, nhiều khu dân cư mới, nhiều khách sạn, resort đã đem lại cho Hòa Hải một diện mạo mới của một đô thị văn minh, hiện đại.

Chủ tịch UBND phường Hòa Hải Huỳnh Quang Trung cho biết, dấu ấn rõ nét nhất đó là công tác giải tỏa đền bù chỉnh trang đô thị - lĩnh vực mà Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phải vượt qua nhiều cam go, thử thách để có được sự đồng thuận của nhân dân. Phường đã vận động di dời hơn 43.000 ngôi mộ về nghĩa trang Hòa Sơn; 2.150 hộ bàn giao mặt bằng hồ sơ nhà và đất; 1.920 hồ sơ đất nông nghiệp cho hơn 40 dự án trên địa bàn phường, để nhường chỗ cho những công trình, dự án hạ tầng đô thị.

Cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn phường được xây dựng khang trang, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, học sinh khá, giỏi ngày càng tăng; học sinh tốt nghiệp THPT, thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và thi vào đại học năm sau cao hơn năm trước. Công tác an sinh xã hội được quan tâm chăm lo có hiệu quả.

Đảng bộ, chính quyền luôn quan tâm thực hiện “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, xây dựng và sửa chữa hàng trăm ngôi nhà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố. Đảng bộ phường đã xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức phẩm chất tốt và luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân. Đảng bộ phường nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Giai đoạn 1969-1975, Đảng bộ và nhân dân Hòa Hải được Đảng và Nhà nước khen tặng: 5 Huân chương chiến công (nhất, nhì, ba); 1 Huân chương Thành đồng hạng ba; 8 Huân chương Giải phóng hạng nhất; 5 Huân chương Giải phóng hạng nhì; 10 Huân chương Giải phóng hạng ba; 2 Cờ thi đua quyết thắng; 1 Cờ “Sống như anh Nguyễn Văn Trỗi” của Đoàn Thanh niên cách mạng giải phóng miền Nam. Trên địa bàn phường có 228 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 9 Anh hùng LLVTND; 1 Anh hùng lao động; 45 Dũng sĩ diệt Mỹ.

Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN
 

;
;
.
.
.
.
.