Vườn hoa nhân ái

.

Các hoạt động thiện nguyện sẻ chia với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thời gian qua như vườn hoa phong phú sắc màu, được dệt nên bởi những tấm lòng nhân ái.

Vợ chồng bà Mười.
Vợ chồng bà Mười.

Học bổng đặc biệt

Đó là học bổng vừa được doanh nhân Nguyễn Thành Lân (47 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), khởi xướng và thực hiện từ năm học 2019-2020. Cụ thể, học bổng sẽ trao 20 triệu đồng/em/năm cho 10 sinh viên nghèo ở Đà Nẵng (10 sinh viên này do Hội Khuyến học thành phố lựa chọn bảo đảm tiêu chí sinh viên nghèo, học lực khá, giỏi). “Học bổng này nhằm giúp các em có đủ điều kiện trên con đường học vấn, không phải phân tâm lo chuyện áo cơm, học phí”, ông Lân bày tỏ tâm nguyện.

Buổi trao học bổng lần thứ nhất diễn ra sáng 25-10 vừa qua trong không khí xúc động, đúng vào dịp kỷ niệm 28 năm Ngày thành lập Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng 26-10 (1991-2019). Em Nguyễn Quang Việt ở phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu), sinh viên năm thứ nhất lớp Chất lượng cao, chuyên ngành Cơ khí động lực, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được nhận số tiền lớn đủ trang trải chi phí trong cả kỳ học, tôi tự hứa luôn phấn đấu học giỏi để không phụ công lao nuôi dưỡng của cha mẹ và những tấm lòng như bác Lân”. Phạm Thị Ngọc Thùy trú phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế, cũng nhận 10 triệu đồng trong đợt trao học bổng, từ tốn trải lòng: “Ông Nguyễn Thành Lân và Hội Khuyến học thành phố đã trở thành ân nhân của chúng tôi trên con đường học vấn”...

Tại buổi trao học bổng, ông Lân cho biết, các em được nhận học bổng hôm nay sau mỗi năm học nếu đạt kết quả xuất sắc, ông sẽ thưởng 100 triệu đồng/em và kết quả giỏi được thưởng 20 triệu đồng/em, đồng thời ông sẽ tích cực vận động bạn bè cùng tham gia nhằm tăng thêm số lượng học bổng mỗi năm.

Lan tỏa những tấm lòng nhân ái

Cứ vào sáng sớm thứ năm hằng tuần, bà Đặng Thị Mười, 68 tuổi, ở phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) lại cùng với mấy người bạn chở 500 suất cháo đến Bệnh viện Đà Nẵng để phát cho bệnh nhân nghèo. Thùng cháo to được nấu trong đêm, do chồng bà Mười - ông Nguyễn Đức Trung, 74 tuổi, trực tiếp đứng bếp. Từ chiều hôm trước, bà Mười đã cùng với các thành viên trong nhóm lo mua sắm, sơ chế thực phẩm, còn ông Trung chuẩn bị một bếp lò cạnh nhà, đến 21 giờ là bắt đầu nhóm lửa. Ông Trung, bà Mười cùng giỏi nấu ăn, nồi cháo hôm nào cũng mềm nhuyễn, thơm lừng và ông bà đặt tên là “Nồi cháo tình người”. Nồi cháo tình người ấy được duy trì đều đặn mỗi tháng 4 lần đã hơn 15 năm qua. Thời gian đầu, chỉ có vợ chồng bà Mười cùng các con hai ông bà tự góp tiền, lo liệu mọi chi phí. Tên gọi “Nhóm từ thiện bà Mười” hình thành một cách tự nhiên và trở thành tên gọi quen thuộc của nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Đà Nẵng.  

Ông Nguyễn Thành Lân (phải) trao học bổng sinh viên vượt khó hiếu học.
Ông Nguyễn Thành Lân (phải) trao học bổng sinh viên vượt khó hiếu học.

Lòng nhân ái lan tỏa, việc làm của gia đình bà Mười dần thu hút nhiều người chung tay góp sức. Gần đây, do sức khỏe ông Trung giảm sút, không trực bếp ban đêm được nữa, Nhóm từ thiện bà Mười chuyển sang hỗ trợ bánh mì và sữa hộp cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đà Nẵng. Nhóm còn tiến hành nhiều chương trình nhân đạo như hỗ trợ bữa ăn cho các em ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố, trợ giúp kinh phí cho các hoàn cảnh thương tâm tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng... “Chúng tôi làm bằng cái tâm thương người như thể thương thân và thật vui là không phải quảng bá mà ngày càng có thêm nhiều người tham gia”, bà Mười tâm sự.

Câu chuyện về học bổng đặc biệt của ông Lân, của Nhóm từ thiện bà Mười chỉ là hai trong rất nhiều câu chuyện thiện nguyện của những tấm lòng sẵn sàng giúp người gặp khó trên khắp địa bàn thành phố thời gian qua. Theo Văn phòng Hội Chữ thập đỏ thành phố, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có gần 2.000 địa chỉ nhân đạo được hỗ trợ thường xuyên. Những tấm lòng nhân ái đã đến với người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các phận đời rủi ro, bất hạnh. Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Lê Thị Như Hồng, những món quà, những suất học bổng và cả những ngôi nhà không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn đong đầy tình yêu thương, sự cưu mang, đùm bọc như những bông hoa, làm đẹp cho đời.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.