Nuôi heo đất ở thôn Phú Hòa 2

.

Nuôi heo đất tiết kiệm tiền để giúp đỡ người nghèo không còn là cách làm mới lạ tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Nhưng ở Chi bộ thôn Phú Hòa 2, việc nuôi heo đất đặc biệt có ý nghĩa, bởi mô hình này được triển khai thực hiện sớm nhất, rầm rộ nhất và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Ông Đinh Ha, Bí thư Chi bộ thôn Phú Hòa 2 nuôi nhiều heo đất để có điều kiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Đinh Ha, Bí thư Chi bộ thôn Phú Hòa 2 nuôi nhiều heo đất để có điều kiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Khi phát động mô hình nuôi heo đất, một vài đảng viên trong Chi bộ thôn Phú Hòa 2 không đồng ý vì họ cho rằng có rất nhiều tổ chức đoàn thể cũng vận động giúp đỡ người nghèo, trong khi kinh tế của đảng viên thôn này còn khó khăn, chủ yếu làm nông, buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, thông qua biểu quyết, chi bộ ra nghị quyết thực hiện. Đối với những đảng viên còn băn khoăn, cấp ủy chi bộ gặp riêng, chuyện trò để họ thấu hiểu và đồng lòng. Nhờ vậy, sự đoàn kết, nhất trí ở Chi bộ thôn Phú Hòa 2 luôn được phát huy cao độ trước khi thực hiện mỗi chương trình, kế hoạch gì có lợi cho thôn xóm và cho người nghèo. Với 28 đảng viên nhưng hơn 1 năm, Chi bộ thôn Phú Hòa 2 đã tiết kiệm 12 triệu đồng từ việc nuôi heo đất.

Ông Đinh Ha, Bí thư Chi bộ thôn Phú Hòa 2 cho biết, mô hình nuôi heo đất được chi bộ phát động hơn 7 năm nay, mỗi đảng viên tiết kiệm tối thiểu 5.000 đồng/tháng để bỏ vào heo đất, một năm là 60.000 đồng. Tuy nhiên, có rất nhiều đảng viên đóng góp mỗi năm hơn 1 triệu đồng mặc dù kinh tế của họ còn khó khăn. Tiêu biểu là đảng viên Trần Nhi, tuy thu nhập ít ỏi từ việc trông giữ xe ở chợ Cầu Giăng, nhưng ông rất tích cực nuôi heo đất và đã tiết kiệm hơn 1 triệu đồng/năm.

Từ số tiền tiết kiệm của các đảng viên thông qua mô hình nuôi heo đất, Chi bộ thôn Phú Hòa 2 thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà các trường hợp khó khăn, ốm đau đột xuất, mỗi trường hợp từ 300.000 - 500.000 đồng. Đặc biệt, chi bộ sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ người dân nào trong thôn có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vay vốn và không tính lãi để chăn nuôi nhỏ, nhưng phải hoàn trả trong thời hạn 1 năm để chi bộ luôn có nguồn quỹ dự phòng mà giúp đỡ người khác.

Cũng nhờ cách làm này, chị Nguyễn Thị Lo (thôn Phú Hòa 2) có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Năm 2015, chị Lo một mình nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học nên thiếu trước hụt sau. Thấy vậy, sau khi thống nhất và phân công đảng viên đến nhà khảo sát, tìm hiểu nguyện vọng của chị Lo, chi bộ đã hỗ trợ heo giống (gần 1 triệu đồng), đồng thời góp công sửa chữa lại chuồng trại. Chị Lo chia sẻ: “Sau khi được hỗ trợ heo, tôi rất phấn khởi và có thêm động lực để chăn nuôi, lo cho con ăn học. Sau 6 tháng chăm sóc heo, tôi bán kiếm được số vốn rồi mua máy xay bột, làm giàn khung để tráng bánh, bỏ sỉ tại các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn xã. Giờ đây, tôi có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, có điều kiện lo cho con ăn học”. Năm 2017, chị Lo được xã xét duyệt và công nhận thoát nghèo.

Ở Chi bộ thôn Phú Hòa 2, một đảng viên có thể nuôi nhiều heo đất. Theo ý kiến của các đảng viên, mô hình này dễ thực hiện bằng việc tiết kiệm những đồng tiền lẻ hằng ngày, lại có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần giảm bớt khó khăn, vất vả trong cuộc sống của nhiều người. Từ những hành động như vậy, Chi bộ thôn Phú Hòa 2 luôn được Đảng ủy xã Hòa Nhơn khen tặng, biểu dương vì có nhiều đóng góp tích, hiệu quả trong việc nuôi heo đất, giúp đỡ người nghèo.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TẤN

;
;
.
.
.
.
.