Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong ngành giáo dục

.

Nhờ đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Mạng lưới trường, lớp được điều chỉnh hợp lý, chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên, môi trường giáo dục được bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

Nhờ thực hiện quy chế dân chủ, môi trường giáo dục toàn thành phố luôn bảo đảm dân chủ, công khai và ổn định. TRONG ẢNH: Một giờ học của cô và trò Trường THCS Nguyễn Lương Bằng.
Nhờ thực hiện quy chế dân chủ, môi trường giáo dục toàn thành phố luôn bảo đảm dân chủ, công khai và ổn định. TRONG ẢNH: Một giờ học của cô và trò Trường THCS Nguyễn Lương Bằng.

Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT, để xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, công khai, Đảng ủy, lãnh đạo sở, Công đoàn ngành Giáo dục luôn phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên về thực hiện QCDC ở cơ sở.

Bên cạnh đó, sở cũng thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC tại cơ quan, đơn vị; phân công nhiệm vụ cụ thể, ban hành quy chế làm việc, quy chế công khai tài chính; chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nghiêm QCDC tại cơ sở.

Tại cơ quan Sở GD-ĐT, để bảo đảm dân chủ, Công đoàn cơ quan sở đã phối hợp với lãnh đạo đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức (CBCC) theo định kỳ; qua đó đã phát huy tinh thần dân chủ của CBCC trong việc đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch, đề xuất biện pháp xây dựng cơ quan, hiến kế thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của năm, năm học, các nhiệm vụ thành phố giao.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng công khai các hoạt động, nhiệm vụ của cơ quan, các yêu cầu đối với CBCC. Đây là những nội dung quan trọng nhằm giúp cho tổ chức, công dân biết, kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ, hoạt động công vụ của Sở và CBCC.

“Thông qua các hội nghị, văn bản, trang thông tin ngành, phương tiện thông tin đại chúng, ngành giáo dục đã thực hiện công khai nhiều hoạt động, nhiệm vụ, công việc của ngành; kế hoạch công tác của ngành, lãnh đạo; công khai việc giao và thực hiện kế hoạch ngân sách, tài chính; kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, tuyển sinh; thuyên chuyển, tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo việc, bổ nhiệm cán bộ quản lý; xét thi đua, khen thưởng, nâng lương trước thời hạn... Từ đó, tạo môi trường giáo dục dân chủ, công khai, minh bạch”, bà Thuận nói.

Ở các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT, việc thực hiện QCDC được cụ thể hóa qua chủ trương “3 công khai” về chất lượng giảng dạy, giáo dục; chất lượng đội ngũ và cơ sở vật chất. Tiêu biểu như tại Trường THPT Liên Chiểu (quận Liên Chiểu), nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC trong nhà trường, lãnh đạo trường luôn nêu cao tinh thần thực hiện dân chủ trong quản lý và điều hành mọi hoạt động trong nhà trường.

Để tạo sự đồng thuận cao trong CBCC, lãnh đạo nhà trường luôn thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, thực hiện công khai mọi thông tin đến CBCC, người lao động. “Mọi thông tin về tuyển dụng, nâng bậc lương, khen thưởng, kỷ luật, đề bạt, đào tạo bồi dưỡng, thu chi ngân sách... luôn được nhà trường công khai đến mọi CBCC, người lao động trong trường.

Nhờ đó, không xảy ra tình trạng đơn thư, khiếu nại. Môi trường giáo dục trong nhà trường luôn dân chủ, minh bạch và hòa đồng”, ông Phạm Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Liên Chiểu nói. Còn tại Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), việc thực hiện QCDC được nhà trường cụ thể hóa thông qua các cuộc họp liên tịch, họp hội đồng sư phạm, hội nghị CBCC hằng năm. Đầu năm học, nhà trường phối hợp với Công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị CBCC. Cuối học kỳ, cuối năm học đều tổ chức đánh giá tổng kết hoạt động theo đúng quy định.

Qua các cuộc họp, hội nghị, mọi nội dung, vấn đề quan trọng của nhà trường đều được đưa bàn bạc, thống nhất trong CBCC. Qua tìm hiểu, hầu hết các trường trên địa bàn các quận thường xuyên tổ chức giao ban đại diện học sinh các lớp, giao ban hàng tuần với giáo viên chủ nhiệm. Qua đó, nhà trường kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh để sớm tìm cách tháo gỡ. Khi CBCC, người lao động có nhu cầu được gặp, đối thoại, lãnh đạo nhà trường luôn bố trí thời gian thích hợp để lắng nghe, trao đổi.

Theo bà Lê Thị Bích Thuận, bên cạnh thực hiện QCDC ở cơ sở, các cơ quan, đơn vị trong ngành giáo dục còn lồng ghép việc thực hiện các chủ trương về cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục toàn thành phố luôn dân chủ, minh bạch và phát triển bền vững.

“Nhìn chung, các đơn vị trường học không ngừng phát huy quyền làm chủ của CBCC, người lao động trong đơn vị; thực hiện công khai, dân chủ trong thực hiện chế độ chính sách; bảo đảm lợi ích của người lao động. Công tác giám sát, kiểm tra của CBCC, người lao động có tác dụng thiết thực, góp phần bảo đảm mọi hoạt động của các đơn vị trường học ngày càng công khai, minh bạch”, bà Thuận cho biết.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.