Cụ thể hóa tiêu chuẩn trong Quy định 214 sát hợp với thực tiễn

.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương làm rõ hơn những nội dung mới của Quy định 214-QĐ/TW so với Quy định số 90-QĐ/TW.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này thay thế Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 04-8-2017 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương làm rõ hơn những nội dung mới của Quy định 214-QĐ/TW so với Quy định số 90-QĐ/TW.

- Đồng chí cho biết ý nghĩa của việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 214-QĐ/TW khi các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng trên cả nước đang chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội?

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Bộ Chính trị ban hành Quy định 214-QĐ/TW khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các chủ trương, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nhất là Nghị quyết Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Việc xây dựng đầy đủ khung tiêu chuẩn các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; làm cơ sở cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương căn cứ Quy định 214-QĐ/TW và các quy định liên quan của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, tiến hành nhận xét, đánh giá cán bộ, chuẩn bị nhân sự cấp ủy, nhân sự giữ các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2020-2025.

- Các tổ chức Đảng cần lưu ý những điểm nào khi triển khai thực hiện Quy định 214-QĐ/TW, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Quy định 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc hiện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Như vậy, đây là tiêu chuẩn, tiêu chí khung, quy định những nội dung cơ bản nhất.

Trên cơ sở quy định khung này, Bộ Chính trị giao Ban Bí thư chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan cụ thể hóa tiêu chuẩn các chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Trung ương quản lý... cho sát hợp với đặc điểm, điều kiện, thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tiêu chuẩn chức danh gồm tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn chức danh cụ thể. Các chức danh cụ thể phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chung; đồng thời, đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của mỗi chức danh.

Quy định 214-QĐ/TW quy định một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử như sau:

Một là, tiêu chuẩn chung của các chức danh lãnh đạo, quản lý phải đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ được điều động, luân chuyển từ nơi khác đến thì không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn đã kinh qua chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp.

Hai là, cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ tương đương hoặc kiêm nhiệm thêm chức vụ khác thì không nhất thiết phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn của chức danh tương đương hoặc tiêu chuẩn của chức danh kiêm nhiệm.

Ba là, về trình độ, đối với cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải có trình độ “quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.” Tuy nhiên, cán bộ thuộc lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn “quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp.”

Bốn là, khi xem xét, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức danh mới chưa có trong Quy định này thì áp dụng tiêu chuẩn chung và vận dụng tiêu chuẩn chức danh tương đương có vị trí, tính chất tương đồng.

-Xin đồng chí cho biết những điểm mới trong quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước?

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Nội dung tiêu chuẩn chức danh trong Quy định 214-QĐ/TW cơ bản kế thừa Quy định số 90-QĐ/TW; đồng thời có một số điểm mới sau:

Về tiêu chuẩn chung: Cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương, Quy định 214 bổ sung tiêu chuẩn (về năng lực và uy tín) nội dung: “có thành tích nổi trội, có “sản phẩm” cụ thể, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.”

Về tiêu chuẩn chức danh cụ thể: Tiêu chuẩn các chức danh cụ thể quy định “hoàn thành tốt nhiệm vụ” thay cho “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” đã quy định trước đây. Bổ sung thêm một số chức danh vào nhóm các chức danh đã được quy định tiêu chuẩn.

Quy định mới tiêu chuẩn 21 chức danh, nhóm chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thuộc các khối: Cơ quan Đảng ở Trung ương; cơ quan Quốc hội; Cơ quan Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước; Cơ quan Tư pháp; Cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội Trung ương; Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.