Đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử trong năm 2020

.

ĐNO - Sáng 12-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) chủ trì hội nghị trực tuyến về CPĐT với các Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những năm qua, CPĐT có sự tham gia tích cực của cả hai khu vực Nhà nước và tư nhân, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) đang diễn ra, việc triển khai tốt CPĐT cũng đang góp phần kiểm soát bệnh dịch hiệu quả. 

Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định việc triển khai CPĐT, chính quyền điện tử ở một số nơi vẫn đang trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự đồng bộ. Do đó, trong năm 2020 cần khắc phục tình trạng này, thực hiện tốt Nghị quyết 17/NQ-CP do Chính phủ ban hành ngày 7-3-2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì đầu cầu Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì đầu cầu Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CPĐT báo cáo những vấn đề trọng tâm trong triển khai CPĐT.  Theo đó, 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng năm 2019 là 86,5%. Đầu tháng 12-2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, là đầu mối cung cấp thông tin, giám sát tình trạng giải quyết thủ tục hành chính và tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính. 

Ngoài ra, một số cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng CPĐT đã hình thành và phát huy hiệu quả như: CSDL bảo hiểm, CSDL hộ tịch, CSDL đăng ký doanh nghiệp, CSDL tài chính, CSDL giáo dục… Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, việc triển khai CPĐT vẫn còn một số tồn tại về thể chế, các CSDL quốc gia vẫn triển khai chậm, đặc biệt là CSDL về dân cư và đất đai vẫn chưa hình thành. An toàn, an ninh mạng tại các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật trong các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu…

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, đến nay, Đà Nẵng đã thực hiện vượt nhiều chỉ tiêu được giao theo Nghị quyết 17/NQ-CP. Cụ thể, hiện trên hệ thống Chính quyền điện tử thành phố có 120.000 tài khoản công dân điện tử. CSDL nền công dân và doanh nghiệp đã hoàn thiện 100%, phục vụ cho các ứng dụng chính quyền điện tử.

Đà Nẵng hiện có 439 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (chiếm 51,7% tổng dịch vụ công trực tuyến); 100% hồ sơ được xử lý trên phần mềm Một cửa điện tử dùng chung; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật) dưới dạng điện tử…

Năm 2020, thành phố thực hiện cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử Đà Nẵng theo Kiến trúc CPĐT Việt Nam 2.0. Dự kiến trong quý 1-2020 sẽ hoàn thiện trục liên thông dữ liệu thành phố, kết nối với trục liên thông dữ liệu quốc gia đang được triển khai. 

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.